Uniqlo - thương hiệu thuộc tập đoàn bán lẻ Fast Retailing vừa khai trương một cửa hàng cao cấp tại thủ đô Manila của Philippines vào thứ 6 vừa qua. Uniqlo đang mở rộng mạnh mẽ tại thị trường Đông Nam Á, nơi thương hiệu thời trang Nhật Bản đang chiếm nhiều ưu thế hơn so với các đối thủ lớn có quy mô toàn cầu như Hennes & Mauritz (H&M) và Zara của tập đoàn Inditex.
Uniqlo đang dẫn trước Zara và H&M ở ASEAN
Tadashi Yanai, Chủ tịch của Fast Retailing, cũng có mặt trong lễ khai trương cửa hàng mới rộng 4.100 m2 tại Manila này. Có diện tích lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á, đây cũng đồng thời là cửa hàng lớn thứ 6 trong số hơn 2.000 điểm bán trên khắp thế giới của thương hiệu Nhật Bản với 260.000 mã sản phẩm.
Theo thống kê, đã có khoảng 600 người xếp hàng bên ngoài chờ đến giờ mở cửa và đặc biệt có một người đàn ông đã đến từ lúc 1 giờ sáng để lấy được vị trí tốt nhất.
Những mặt hàng như quần dài và áo sơ mi của Uniqlo có giá từ 1.000 peso (18 USD), đắt hơn một ít so với sản phẩm đối thủ. Tuy nhiên, theo Nikkei, đây vẫn là một mức giá phải chăng với đa số người tiêu dùng.
Fast Retailing đã mở cửa hàng đầu tiên tại Philippines vào năm 2012 thông qua một liên doanh với nhà bán lẻ địa phương SM Investments. Công ty của tỷ phủ Yanai đã khai trương trung bình một cửa hàng mới mỗi tháng trong năm vừa qua. Và cửa hàng cao cấp mới nhất tại Manila là điểm bán thứ 53 ở Philippines của Uniqlo.
Từ khi mở rộng đến Singapore vào năm 2009, Fast Retailing đã nhanh chân tiến vào thị trường Thái Lan, Indonesia và một số nước khác ở Đông Nam Á. Tính đến cuối tháng 8, Uniqlo hiện có nhiều hơn H&M 34 cửa hàng tại Philippines và nhiều hơn Zara 20 cửa hàng cũng ở thị trường này đến cuối tháng 1.
Trên toàn khu vực Đông Nam Á, nhà bán lẻ thời trang của Nhật Bản đã có 187 điểm bán, xếp trên Zara và H&M với lần lượt 150 và 100 cửa hàng. Fast Retailing đang có kế hoạch nâng số cửa hàng của mình lên 400 vào năm 2022.
Fast Retailing hiện là công ty bán lẻ thời trang lớn thứ ba trên thế giới. Chủ sở hữu của Uniqlo tin tưởng Đông Nam Á sẽ là thị trường tăng tưởng mạnh mẽ tiếp theo đối với công ty sau Trung Quốc, nơi Uniqlo vẫn đang tiếp tục mở rộng.
“Châu Á sẽ là động lực tăng trưởng chính của hoạt động kinh doanh quốc tế với công ty trong vai trò một cơ sở vững chắc về cả sản xuất lẫn bán hàng. Mục tiêu lí tưởng của chúng tôi là có thể mở thêm 100 cửa hàng mỗi năm ở Đông Nam Á.”, Chủ tịch Yanai của Fast Retailing tuyên bố.
So găng quyết liệt giành thị phần tại Đông Nam Á
Tầng lớp trung lưu trong số 600 triệu dân của các nước ASEAN đang tăng mạnh khi nền kinh tế khu vực phát triển. Cùng với đó, thị hiếu tiêu dùng đang chuyển dần từ giá rẻ sang mẫu mã và chất lượng. Theo công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, quy mô thị trường thời trang tại Đông Nam Á đạt mức 33 tỷ USD vào năm 2017, tăng gần gấp đôi so với cách đây 1 thập kỷ.
Uniqlo đang đứng sau Inditex của Tây Ban Nha và H&M của Thụy Điển trên toàn cầu nhưng lại vượt mặt 2 công ty châu Âu này tại các nước ASEAN. Thị phần của Uniqlo tại khu vực là 2,1% trong khi con số của H&M là 1.4% còn Inditex là 1.2%, cũng theo báo cáo của Euromonitor.
Đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các nhà bán lẻ trực tuyến, H&M đã buộc phải đóng cửa những cửa hàng không đem lại lợi nhuận ở châu Âu. Số lượng điểm bán của H&M ở Đức và Hà Lan đều đã sụt giảm. Công ty của Thụy Điển đang tích cực mở rộng mạng lưới điểm bán tại Đông Nam Á.
H&M đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam ở TP.HCM năm 2017. Trong khi đó, theo kế hoạch của Uniqlo, thương hiệu Nhật Bản phải đến năm 2019 mới chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam.
Mặc dù có cùng phân khúc giá, các thiết kế của Uniqlo được xem là đơn giản và phù hợp với môi trường công sở hơn so với H&M, vốn nổi tiếng với mẫu mã thời thượng và các trang phục thường ngày.
Về phần mình, Inditex đang tập trung mở mới cửa hàng tại các thành phố lớn ở khu vực. Nhà bán lẻ thời trang số một thế giới đang tránh phải đối đầu trực tiếp với Fast Retailing và H&M, một phần do giá sản phẩm cao hơn. Inditex đang tích cực giới thiệu đến các thị trường Malaysia và Thái Lan những thương hiệu đã thành công ở châu Âu như Pull & Bear và Bershka.
Inditex hiện cũng theo đuổi quyết liệt mô hình kết hợp thương mại điện tử và bán lẻ truyền thống bằng việc cho phép khách hàng nhận các sản phẩm đã đặt trên website của hãng tại trực tiếp cửa hàng. Công ty đến từ Tây Ban Nha đã bắt đầu bán hàng trực tuyến ở Philippines và Indonesia trong khi Uniqlo vẫn chưa thực hiện được.
Với dự báo tăng trưởng 4% mỗi năm, phó chủ tịch Uniqlo Satoshi Hatase cho rằng công ty của ông vẫn chưa ở trong giai đoạn phải cạnh tranh khốc liệt trên cùng một nhóm phân khúc khách hàng với đối thủ.
Một thách thức phổ biến với cả ba công ty bán lẻ thời trang kể trên là phải đào tạo và giữ chân được nhân tài. Thêm vào đó, một khi mở rộng mạng lưới điểm bán đến nhiều thành phố khác, vấn đề logisitics sẽ trở nên khó khăn hơn. Xây dựng một hệ thống phân phối hoạt động hiệu quả sẽ đóng vai trò cực kì quan trọng tại các quốc gia có nhiều đảo như Indonesia và Philippines.
Bình luận