Tại Vietcombank, cuối ngày 10/7, tỷ giá đồng USD tăng 30 đồng so với sáng khi niêm yết mức mua vào 23.260 đồng còn bán ra 23.340 đồng. Một số nhà băng khác như Techcombank, Eximbank bán ra cũng bằng với Vietcombank là 23.340 đồng, còn mua vào ở 23.260 đồng.
Trong khi đó, mức giá cao nhất là thuộc về Ngân hàng Phương Đông - OCB khi bán ra chạm 23.350 đồng, tăng vài chục đồng, còn mua vào là 23.260 đồng.
Đợt tăng tỷ giá USD/VND lần này bắt đầu từ đầu giờ chiều 10/7, còn trước đó vào đầu ngày giá gần như không thay đổi, thậm chí giảm bất chấp tỷ giá trung tâm có tăng 10 đồng. Như Vietcombank, sáng 10/7 niêm yết giá mua - bán đồng bạc xanh giảm 5 đồng về sát 23.310 đồng. Một số ngân hàng khác cũng có động thái tương tự.
Trên thị trường tự do, diễn biến của tỷ giá có phần thận trọng hơn khi đầu giờ sáng, giá có lúc giảm sâu xuống còn 23.420 đồng mỗi USD mua vào. Tuy nhiên, vào buổi chiều hôm qua, giá mua USD cũng đã tăng lên mức 23.480 và bán là 23.500 đồng.
Chia sẻ với VnExpress, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần phía Nam cho biết, việc CNY phá giá thời gian qua gây áp lực lớn đến các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam vì quan hệ thương mại hai chiều rất lớn.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, nếu tính tỷ giá thực với 20 nước có quan hệ kinh tế thường xuyên với Việt Nam thì thấy rằng từ 1/1/2017 cho đến hết 31/3 năm nay, VND bị mất giá 7% so với 20 loại đồng tiền kia, trong khi nhân dân tệ không mất giá từ năm ngoái nay. Chính vì vậy, Trung Quốc giờ phá giá là bình thường, còn Việt Nam mà theo họ sẽ rất sai lầm. Do đó, VND không thể phá giá tiếp mà phải ổn định trong thời gian tới.
Ông cũng cho biết thêm, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn phức tạp, và Trung Quốc chỉ có thể dùng công cụ tiền tệ để hạn chế một phần thiệt hại, nhưng cũng không dám phá giá nhiều. Vì họ có phá nữa thì tác động của nó sẽ không lớn như thời gian vừa qua. Dó đó, Việt Nam không cần phải quá quan ngại đến việc mất giá của tiền đồng trong thời gian tới.
Video: Mất hàng chục tỷ đồng vì bẫy 'ngân hàng đáo hạn'
Bình luận