(VTC News) – NSND Trần Bình đã tố cáo: Trung tâm Bảo vệ Bản quyền âm nhạc (VCPMC) do NS Phó Đức Phương làm giám đốc thực chất đang hoạt động “chui”, bởi chưa hoàn thiện hồ sơ để Bộ VHTT&DL, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ phê duyệt.
Sau khi nhạc sĩ (NS) Phó Đức Phương cùng hơn 30 nhạc sĩ lão thành “tố” Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) “tiếp tay” cho các bầu show quỵt tiền tác quyền và Cục cũng cho rằng NS Phó Đức Phương “ăn vạ, kích động”. Thì mới đây, NSND Trần Bình đã đưa ra rất nhiều lý lẽ và dẫn chứng để chứng minh những sai phạm và sự thiếu minh bạch trong việc thu tác quyền từ phía VCPMC.
NSND Trần Bình đã tố cáo: Trung tâm Bảo vệ Bản quyền âm nhạc (VCPMC) do NS Phó Đức Phương làm giám đốc thực chất đang hoạt động “chui”
VCPMC sai phạm ghê gớm
Theo NSND Trần Bình thì: “Đến giờ này Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ VH, TT & DL vẫn phê bình Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC ) là khi thành lập rồi thì hồ sơ phải có toàn bộ văn bản ủy quyền của các tác giả, hoặc chủ sở hữu tác phẩm.
Sau đó, đưa cùng tờ trình là biểu giá, phương thức thanh toán nhuận bút, thù lao, hoạt động thu, mức thu, cách thức phân phối nhuận bút, thù lao... để gửi lên Bộ VHTT&DL, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ. Khi nào các cơ quan đó phê duyệt thì mới được phép tiến hành. Nhưng hiện nay, Trung tâm vẫn chưa làm được các điều đó. Đó là sai phạm ghê gớm.
Từ 20.1.2012, Nghị định 109 của CP yêu cầu phải như thế. Nhưng đến nay, Trung tâm chưa làm được, đó là dấu hiệu của sự không minh bạch, tùy tiện. Các nhạc sĩ làm sao có thể theo dõi được hết tác phẩm của mình ra sao”.
Để so sánh với cách thu phí tác quyền của các đơn vị khác, ông Bình cũng đưa ra ví dụ: “Truyền hình Việt Nam làm rất văn minh, chẳng hạn, mức 100.000đ/ bài phát sóng, nếu phát lại là 50.000đ. Nếu có tài trợ là 300.000đ. Cứ thế mà tính và công khai. Còn VCPMC lại tính theo giá vé và số ghế. Làm sao các nhạc sĩ có thể biết được khi nào VCPMC thu 1 triệu/ bài hay 3-4 triệu/ bài.
Chuyện tố cáo lẫn nhau giữa Cục NTBD và VCPMC khởi nguồn từ việc các nhạc sĩ ký kiến nghị gửi Chính phủ để tố Cục NTBD tại VCPMC ngày 16/2.
Việc đếm ghế tính tiền là sai, không một nước nào lại tính số ghế cả, đó là đếm cua trong lỗ. Ở Singapore, có 11 người thôi, mà họ bảo hộ quyền tác giả cho cả Singapore lẫn thế giới, mà mức thu rất ít, mà các nơi đều tự nguyện đóng.
Chẳng hạn một khách sạn đăng ký tháng này chúng tôi chỉ mở 2 đĩa nhạc Thanh Tùng và Phú Quang, tức là chỉ phải nộp 20 USD. Nhưng nếu họ kiểm tra đột xuất mà vi phạm, thì sẽ bị phạt cỡ khoảng 30.000USD, thậm chí có thể đóng cửa, do đó họ rất sợ, thực thi nghiêm túc. Nếu mình yêu cầu mở một bản nhạc bất kỳ sẽ không được đáp ứng. Tiền thu rất ít.
Bây giờ ông Phương bảo đếm số ghế, đếm làm sao được? Ở Nhà hát Lớn, gọi là 550 ghế, nhưng Nhà hát đã lấy cả hàng ghế E để làm giấy mời. Ngoài ra, chúng tôi còn mối quan hệ của các Bộ, Ban ngành ở Trung ương, mỗi buổi diễn ít nhất phải 70-80 giấy mời, vậy làm sao tính được theo kiểu bắt cóc bỏ đĩa, tính theo số ghế để thu tiền?”.
Ông Bình cũng cho rằng, trả tiền bản quyền sau buổi diễn thì hợp lý hơn là nộp tiền trước, bởi trên thực tế, BTC phải xin cấp phép từ trước hàng tháng trời, sau đó đến ngày tổng duyệt, có những bài bị cắt khỏi danh mục xin phép. Chẳng hạn xin cấp phép 22 ca khúc, Trung tâm thu cả 22, đến khi diễn chỉ 18 ca khúc, nhưng BTC đòi lại tiền bản quyền thì Trung tâm nhất quyết không trả.
NSND Trần Bình cũng thẳng thắn cho biết: “Chúng tôi hiện nay cũng tự trả riêng tiền tác quyền”.
Nhạc sĩ “xơi” 2-4 triệu/ bài là không chấp nhận được
Về những bất cập trong cách tính phí tác quyền mà VCPMC đang đưa ra, NSND Trần Bình đã chỉ rõ: “Một tác phẩm cách đây mấy chục năm, chỉ là một tờ giấy trắng. Muốn được biểu diễn, ngoài giọng ca, đầu tư phấn son quần áo, phối khí, dàn dựng, nhảy múa thì mới có được tác phẩm bằng xương bằng thịt.
Các nghệ sĩ ở các nhà hát thấp nhất là được 50.000đ, cao nhất là 200.000đ. Ngay như NSND Trung Đức hát ở Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Việt Nam cũng chỉ được 250.000đ-300.000đ, NSND Thu Hiền cũng vậy.
Thế thì không thể nào một ca khúc mà lại lấy của người ta 2-4 triệu được, rất vô lý. Còn bao nhiêu yếu tố nữa, riêng anh nhạc sĩ đã “xơi” hàng triệu bạc, không chấp nhận được.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương, GĐ VCPMC đang đứng trước những lời tố cáo rất gay gắt từ phía Cục NTBD và các nghệ sĩ, trong đó có NSND Trần Bình và NS Quốc Trung.
Không thể so bì với thu nhập của khoảng 20 siêu sao cát xê vài chục triệu, còn lại gần 10.000 diễn viên ca múa nhạc hoặc sân khấu của toàn quốc này đang sống ở mức dưới nghèo khổ. Tất nhiên, không phải vì thế mà thấy người khác sướng mà mình đố kị, mà là phân chia lợi nhuận của nhóm lợi ích”.
Ông Bình cũng yêu cầu phải phân chia rạch ròi các ca khúc theo thời gian sáng tác. Bởi có nhiều ca khúc ra đời trong thời kỳ bao cấp, các tác giả được Nhà nước chi trả tiền đào tạo ở trong và ngoài nước, sau đó được phân công công tác, trả lương, phân nhà, lương hưu... để họ viết nhạc.
“Ở nước ngoài, các nhạc sĩ tự bỏ tiền ăn học, tự lao động để tạo ra sản phẩm, lúc ấy anh mới có thể nói rằng anh là chủ sở hữu thôi. Còn chúng ta, cả thời kì bao cấp, chẳng hạn như nhạc sĩ Phó Đức Phương được ăn học trong và ngoài nước, được bố trí về Nhà hát ca múa Hà Nội, rồi bố trí về Cục NTBD và bây giờ vẫn có lương hưu.
Sản phẩm của anh suốt thời gian trước khi nghỉ hưu là sản phẩm của cộng đồng, không thể là của riêng anh. Chúng ta cũng quên một giai đoạn này, không nước nào trên thế giới bỏ tiền ra mời anh đi học ở trong ngoài nước, đào tạo anh thành nhạc sĩ, bố trí công ăn việc làm, lại có cả lương hưu nữa.
Trong thống kê của VCPMC âm, có 5 người được thu nhập 300-500 triệu/ năm, tức là trên 30 triệu đồng/ tháng, trong khi đó đã được nhà nước đào tạo, trả lương. So sánh vui, như tôi mấy chục năm trong nghề, đạo diễn chính, nghệ sĩ nhân dân, hết bậc rồi mà cũng chỉ được hơn 7 triệu. Nếu một người đã về hưu lại có thêm hơn 35-45 triệu/ tháng thì có công bằng không?
NSND Trần Bình đưa ra lập luận về sự trái khoáy trong cách thu tác quyền của VCPMC. Làm sao mỗi khi bài Quốc ca vang lên, bà Thúy Băng, vợ ông Văn Cao lại đi thu tiền được?
Bà Thúy Băng, vợ ông Văn Cao, làm sao mỗi khi bài Quốc ca vang lên, bà ấy lại đi thu tiền được. Nói như thế sẽ rất va chạm, nhưng nói thật, nhiều nhạc sĩ phải hiểu điều đó.
Các nước tiền bản quyền chỉ khi công bố tác phẩm lần đầu là cao, chứ sau đó ở mức chấp nhận được, thì người ta mới tự nguyện nộp.
Nước ngoài họ tính ca khúc theo thời gian sáng tác, từ mấy chục năm, 20 năm, 10 năm đều có mức phí khác nhau và không cao, nhờ đó mới thu được tiền nhiều. Mức thu hiện giờ là vô lý”.
Ông Trần Bình cũng cho rằng: “Chỉ những nhạc phẩm mới được sáng tác của các nhạc sĩ trẻ, họ tự chi trả tiền ăn học, sinh sống... mới là tác phẩm của riêng họ, do đó, mức tiền tác quyền cũng phải khác.
Bây giờ các nhạc sĩ trẻ thì có quyền. Chẳng hạn bài Đường cong của Hải Phong đã độc quyền, tôi hỏi cậu ấy tôi muốn mua lại, diễn trong 3 hôm”.
Sẽ thanh tra VCPMC?
Ông Trần Bình đưa ra lập luận: “Với doanh hơn 40 tỉ, thì VCPMC đang ở quy mô của một doanh nghiệp cỡ lớn, chứ không phải nhỏ và vừa”.
Khi đã là doanh nghiệp hoạt động, thì phải minh bạch tài chính. Và phải có sự thanh tra, kiểm soát từ phía các cơ quan chức năng.
NSND Trần Bình thẳng thắn cho biết: “Chúng tôi hiện nay cũng tự trả riêng tiền tác quyền”.
Theo dõi vụ này luật sư Trần Đình Triển phân tích: “VCPMC trong thời gian qua tự mình quyết định việc thu chi mà chưa được một cơ quan quản lý nhà nước xem xét, đây là một sự lạm quyền”.
Ông khuyến cáo Thanh tra của Bộ VH, TT & DL phối hợp với Cục NTBD, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Cục thuế Hà Nội, nơi VCPMC đóng, cần kiểm tra toàn bộ hoạt động thu chi của VCPMC.
Trong khi đó, khi được hỏi về những chuyện “tố cáo” lẫn nhau giữa Cục NTBD và VCPMC, ông Tô Văn Động, Chánh Văn phòng Bộ VH, TT & DL, ủng hộ quan điểm của Cục NTBD là đơn vị nhà nước không đi thu quyền thay cho các đơn vị tư nhân, các doanh nghiệp. “Cơ quan cấp phép chỉ yêu cầu họ cam kết thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ chứ không thể ép buộc họ phải nộp hóa đơn đã trả tác quyền rồi mới được cấp phép. Cả hai đơn vị nên có sự thiện chí để cùng ngồi lại giải quyết các vấn đề liên quan đến bản quyền âm nhạc”.
Đàm Mộng Hoài
Bình luận