Trong thời gian gần đây, nhà máy sản xuất thuốc lá China Tobacco Henan trở thành tâm điểm của tranh cãi vì trình độ chuyên môn ấn tượng của đội ngũ nhân viên mới được tuyển dụng. Cụ thể gần 1/3 trong 135 công nhân dây chuyển sản xuất có bằng thạc sĩ. Số còn lại là sinh viên chưa tốt nghiệp từ nhiều trường đại học xếp hạng cao tại Trung Quốc.
Trước đó vài tháng, Trường tư thục Ngoại ngữ Nam Sơn, thành phố Thâm Quyến, cũng gây chú ý khi những giáo viên mới được tuyển dụng cho bậc tiểu học đều tốt nghiệp thạc sĩ từ các trường đại học hàng đầu trong và ngoài nước như Trường ĐH Thanh Hoa, ĐH Bắc Kinh, ĐH Colombia.
Những câu chuyện này tạo nên cuộc tranh luận sôi nổi trong bối cảnh thị trường việc làm tại Trung Quốc ngày càng cạnh tranh gay gắt. Trong khi đó, số lượng cử nhân, thạc sĩ ra trường mỗi năm một tăng.
Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, 9,09 triệu sinh viên sẽ tốt nghiệp đại học vào mùa hè này, tăng gần 500.000 so với năm 2020 và là mức cao kỷ lục trong nhiều năm gần đây. Hơn 54% dân số Trung Quốc từ 18 - 22 tuổi, độ tuổi phổ biến để vào đại học. Năm 2002, tỷ lệ này chỉ là 15%.
Jennifer Feng, chuyên gia nhân sự tại công ty tuyển dụng hàng đầu Trung Quốc 51Job, cho biết: “Những con số này chỉ ra đất nước chúng ta đã bước vào kỷ nguyên phổ cập giáo dục đại học. Hơn 1/2 thanh niên hiện nay sở hữu bằng cấp giáo dục cao. Vì vậy, giá trị của bằng đại học bị giảm sút. Nhiều nhà tuyển dụng chỉ muốn tuyển sinh viên chưa tốt nghiệp nhưng hoá ra rất nhiều cử nhân đã nộp đơn”.
Tốt nghiệp cử nhân ngành Tài chính tại Trường ĐH Tài chính Thượng Hải năm 2019, anh Liu Haotian thừa nhận phải hạ thấp kỳ vọng sau một năm tìm việc bất thành. “Ban đầu, tôi nhắm đến các tổ chức tài chính nhưng dần dần nhận ra không thể cạnh tranh công việc trong môi trường này. Các đối thủ đều đến từ các trường đại học nổi tiếng hoặc có bằng cấp cao hơn”, anh Haotian bày tỏ.
Đầu năm 2021, anh Haotian thành công ứng tuyển vào một công ty bất động sản hàng đầu Trung Quốc. Nhưng người này cho biết chưa hài lòng với công việc vốn không liên quan đến ngành học.
Anh Haotian không phải cử nhân duy nhất tham gia ngành công nghiệp bất động sản trong những năm gần đây. Bởi lĩnh vực này vốn có tiêu chí tuyển dụng thấp nhưng cũng nhiều điều tiếng. Ước tính hơn 60% nhân viên kinh doanh bất động sản tại Bắc Kinh và Thượng Hải có bằng cử nhân đại học.
Ông Xiong Bingqi, Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục thế kỷ 21, nhận xét số lượng tân cử nhân không phải vấn đề cho tình trạng dư thừa. Nguyên nhân đến từ việc các nhóm ngành dịch vụ, thu hút nhiều tân cử nhân nhất, chưa tạo đủ vị trí việc làm. Dù chiếm 54% GDP của Trung Quốc vào năm 2020, lĩnh vực này vẫn chưa đáp ứng được nguồn nhân lực hiện nay.
Ông cũng đánh giá việc cử nhân, thạc sĩ làm một công việc, vốn chỉ cần sử dụng người lao động học hết cấp ba, được coi là lãng phí hay không phụ thuộc vào giá trị người làm tạo nên trong công việc đó.
Nếu họ có thể cải thiện dịch vụ, tạo ra giá trị mới cho lĩnh vực tưởng như đã cũ thì không phải là lãng phí nguồn nhân lực. Ngược lại, họ sẽ đánh bóng tên tuổi của ngành nghề này và tạo ra nhiều việc làm thích hợp cho những người có bằng cấp.
Bình luận