• Zalo

'Trói' quy hoạch, nông dân 'hết cửa' làm giàu

Bức xúc thường ngàyThứ Hai, 15/12/2014 12:18:00 +07:00Google News

Với lý do không đảm bảo vùng nguyên liệu để sản xuất, trái quy hoạch nhà máy chế biến chè của anh Nguyễn Văn Khoa (ở xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh

(VTC News) - Với lý do không đảm bảo vùng nguyên liệu để sản xuất, trái quy hoạch, xưởng chế biến chè của người dân đã bị đình chỉ hoạt động.

Cấp phép nhưng không được hoạt động

Phản ánh với chúng tôi, ngày 29/7/2013, anh Nguyễn Văn Khoa (xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) làm tờ trình xin giấy phép xây dựng và phát triển mô hình kinh tế nông hộ là trồng chè công nghiệp gắn với chế biến, sản xuất, kinh doanh.

Sau đó, anh được Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo (nay là Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh) cấp giấy đăng ký kinh doanh với các ngành nghề: Mua bán, sản xuất, bảo quản và chế biến hàng nông sản các loại, kinh doanh vật tư nông nghiệp, buôn bán tổng hợp…

Giấy phép kinh doanh với các ngành nghề được nêu trên thế nhưng khi nhà máy mới đưa vào hoạt động một thời gian ngắn đã buộc phải dừng lại với những lý do mà chính quyền địa phương đưa ra như trái quy hoạch, không đảm bảo vùng nguyên liệu.

Theo anh Khoa, những lý do mà chính quyền đưa ra buộc nhà máy chế biến chè của anh phải đóng cửa là chưa xác đáng.

Trước đó, để đảm bảo vùng nguyên liệu cho xưởng chế biến chè của mình tại địa phương, anh Khoa phải lặn lội đi tìm vùng nguyên liệu ở xã khác, đến nay đã ký được khoảng 8,3 ha của bà con ở xóm Hồ Sen, xã Sơn Tây và được UBND xã này xác nhận.

Ngoài ra, anh Khoa đã có 2 tờ trình gửi UBND xã Sơn Kim 2 và các trình bày nguyện vọng của mình về việc đầu tư vùng nguyên liệu tại khu vực Khe Bén (xã Sơn Kim 2), tuy nhiên tờ trình này đã không được chính quyền địa phương quan tâm giải quyết.

Không những vậy, ngày 1/10/2013 Xí nghiệp Chè Tây Sơn (thuộc Cty CP Chè Hà Tĩnh) đã ký hợp đồng với 137 hộ dân trồng chè tại chính khu vực mà anh Khoa đã đệ trình lên chính quyền địa phương xem xét để đầu tư vùng nguyên liệu. Trong việc ký hợp đồng này có sự tham gia của lãnh đạo UBND xã Sơn Kim 2.

Người dân muốn phát triển trồng chè phải tuân thủ những quy định "oái oăm" của địa phương 

Theo hợp đồng ký kết, nông dân trồng chè buộc phải thu hái hết chè búp tươi và bán 100% sản lượng cho Xí nghiệp Chè Tây Sơn trong thời hạn 10 năm (2013-2023). Trong suốt thời gian này không được bán chè cho bên nào khác ngoài Xí nghiệp Chè Tây Sơn, nếu vi phạm sẽ phải bồi thường. 

PV VTC News đã đi thực tế tìm hiểu sự việc tại xã Sơn Kim 2 về những thông tin nói trên. Một số người dân tại xã Sơn Kim 2 cho biết, họ có nguyện vọng được trồng chè, bán sản phẩm mà không phải ký kết với Xí nghiệp chè Tây Sơn.

Ông Nguyễn Đại Nghĩa (xóm 3, Làng Chè, xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho biết, gia đình ông được chính quyền giao đất theo nhân khẩu khoảng 3 sào. Số đất này ông đã tự đầu tư giống, phân bón trồng chè từ tháng 9/2014. 

“Sau khi chúng tôi trồng chè, cán bộ xóm đã đến làm việc yêu cầu việc liên kết với xí nghiệp chè Tây Sơn. Nếu người dân không liên kết với xí ngiệp sẽ bị chính quyền thu hồi đất” ông Nghĩa nói.

Ông Nguyễn Văn Nhuận cũng rơi vào cảnh ngộ như ông Nghĩa với diện tích đất khai hoang của gia đình ông. Ông Nhuận cho biết, nguồn gốc diện tích đất này gia đình ông khai hoang phục hóa từ thời điểm xã Sơn Kim 2 chưa tách ra từ xã Sơn Kim. 

“Giữa năm 2014 gia đình tôi tự đầu tư trồng chè trên diện tích đất của gia đình tôi khai hoang phục hóa từ nhiều năm nay. Tuy nhiên chính quyền đã o ép bắt buộc người dân phải liên kết với xí nghiệp chè nếu không sẽ bị thu hồi đất” ông Nhuận nói.

Cũng theo ông Nhuận, khi gia đình ông đang làm đất để trồng chè thì một số cán bộ của xã xuống lập biên bản đình chỉ sản xuất với lý do chưa kí kết với Xí nghiệp chè Tây Sơn.

Theo phản ánh của anh Khoa, từ ngày gia đình anh mua máy móc thiết bị về sản xuất, chế biến chè, anh liên tục nhận được các công văn, quyết định, thông báo hành chính… từ các cấp, ngành của UBND huyện Hương Sơn yêu cầu anh đình chỉ việc xây dựng xưởng chế biến chè.

Đến nay, anh Khoa đang vô cùng lo lắng khi xưởng chế biển đầu tư tiền tỉ đang đắp chiểu bởi những quy định có dấu hiệu "bất thường" của địa phương.

Chính quyền nói "trái quy hoạch"?

Liên quan đến vụ việc, PV đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ông Cao Kỷ Vị - Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 2 trả lời, việc yêu cầu dừng cơ sở sản xuất chế biến của anh Khoa bởi cơ sở của anh này trái với quy hoạch mạng lưới chế biến nông, lâm, thủy sản của tỉnh.

Cũng theo ông Vị, do địa phương này nằm trong vùng quy hoạch nên không một cơ sở sản xuất chè nào được phép "mọc lên" nữa để đảm bảo quyền lợi cho các xí nghiệp "con ruột" của địa phương này.

Liên quan đến việc người dân muốn được cấp đất phát triển trồng chè phải ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm cho xí nghiệp chè Tây Sơn, ông Vị  đã xác nhận thông tin này.

Theo ông Vị, một trong những điều kiện để được địa phương cấp đất trồng chè là người dân phải làm đơn cam kết phát triển chè và ký hợp đồng bán sản phẩm cho xí nghiệp chè Tây Sơn. Đây là một trong những điều kiện để người dân được cấp đất phát triển trồng chè mà theo nhiều người dân phản ánh là “trói” buộc người dân.

Trước câu hỏi của PV về việc người dân mong muốn được tự trồng chè, tự bán sản phẩm của mình cho những doanh nghiệp khác, ông Vị cho rằng các hộ dân ở xã “không được như vậy” vì nằm trong vùng quy hoạch mà tỉnh đã giao cho địa phương quản lý.

Ông Vị lý giải, thẩm quyền cấp xã là phải chấp hành đúng theo quy hoạch của UBND tỉnh đã phê duyệt và thực hiện theo Nghị quyết của Đảng bộ xã Sơn Kim 2 và Đảng bộ Xí nghiệp Chè Tây Sơn đã thống nhất thông qua từ năm 2012.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hải – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Sơn cho biết, ông là người được cấp trên giao nhiệm vụ trả lời đơn thư của anh Khoa, tuy nhiên ông Hải nói rằng: “Đơn thư của anh Khoa lung tung quá nên tôi đã không trả lời”.

Ông Hải cũng đề cập đến việc trái quy hoạch của cơ sở sản xuất của anh Khoa, nhưng khi PV đặt câu hỏi cơ sở của anh Khoa đã được cấp phép theo đúng quy định thì ông Hải lại trả lời: “Nếu phát triển nhiều cơ sở thì sợ ‘tranh mua tranh bán’ trên địa bàn”.

Ông Hải cũng cho biết một thông tin khó hiểu, anh Khoa có thể phát triển cơ cở của mình tại các xã khác trên địa bàn huyện Hương Sơn, nhưng riêng xã Sơn Kim 2 thì không được phép. 

Theo tìm hiểu của PV, Tại huyện Hương Sơn hiện đơn vị duy nhất được phép thu mua chè búp tươi của các hộ dân là Xí nghiệp Chè Tây Sơn (thuộc Công ty cổ phần Chè Hà Tĩnh).

V
iệc chính quyền địa phương gây khó không cho anh Khoa xây dựng xưởng chế biến chè phải chăng là có ý muốn bảo hộ sự kinh doanh độc quyền cho Công ty cổ phần Chè Hà Tĩnh?

Người dân địa phương đang đặt câu hỏi về việc các nhân muốn phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương của mình nhưng không được chính quyền tạo điều kiện.

Minh Chiến
Bình luận
vtcnews.vn