Khoảng 17h chiều ngày 13/7 tại tổ 31, phường Ngọc Thụy, Quận Long Biên, Hà Nội, bé Trần Bảo Nguyên (1 tuổi) được người em họ là Trần Văn Tùng (SN 1998) bế ra khu bãi cát của công trường đang thi công cầu Đông Trù vượt sông Hồng để xem thả diều.
Do sơ ý, Tùng đã vấp vào miệng hố bị ngã và làm rơi bé Nguyên xuống hố ga thuộc hệ thống cống thoát nước.Hố ga nơi cháu Nguyên rơi xuống
Theo lời kể của bà Đài, một hộ dân sinh sống ngay khu vực xảy ra tai nạn thì ngay khi bé Nguyên vừa rơi xuống, rất nhiều người đã chạy đi lấy thang, sào, cũng như dây thòng buộc vào người để xuống vớt bé.
Nhưng do hố quá sâu (gần 5m) và tối, mức nước cao ngấp nghé miệng hố nên mọi nỗ lực cứu bé Nguyên đều thất bại.
Gia đình đã liên hệ thuê các đội thợ lặn ở Long Biên, cùng 2 chiếc xe chữa cháy của Sở cảnh sát PCCC TP Hà Nội điều đến để tìm thi thể bé Nguyên, tuy nhiên đến 23h cùng ngày, công tác tìm kiếm vẫn không mang lại kết quả.
Tới 5h sáng hôm sau (14/7), đội lặn ở tận Hải Phòng được thuê lên Hà Nội mới tìm thấy thi thể bé.
Theo quan sát của PV VTC News, dù đoạn đường đang thi công tiếp giáp với khu dân cư sinh sống nhưng lại không hề có bất cứ một biển báo nguy hiểm, rào chắn hay một phương tiện cảnh báo nào khác.
Những hố ga ngang nhiên tồn tại giữa lòng đường được đổ cát, san bằng khiến mọi người, nếu không để ý sẽ khó lòng nhận ra.Dù tiếp giáp với khu dân cư nhưng đoạn đường này không hề có rào chắn cũng như biển cảnh báo Những hố ga thì cứ mặc nhiên nằm giữa đường như thế này
“Công trình này thi công đã khá lâu nhưng chưa hoàn thiện. Người dân sống quanh đây đã nhiều lần kiến nghị về tình trạng các hố ga không có nắp đậy, gây nguy hiểm cho trẻ em. Ngay cả người lớn, buổi tối đi bộ sơ ý cũng có thể rơi xuống hố ga. Chẳng may rơi xuống thì đến người lớn e cũng ít cơ hội sống sót chứ đừng nói đến trẻ em” - bà Đài bức xúc.
Được biết, bé Nguyên là con trai duy nhất của anh Trần Văn Kiên, nguyên quán Hưng Yên. Hai vợ chồng anh Kiên mở cửa hàng sửa xe và làm thuê kiếm sống tại Hà Nội.
Hiện trường xảy ra tai nạn nằm gần như đối diện với gian nhà mà anh chị đang thuê, cách vài chục mét đường.
Cho đến sáng 16/7, cả nhà anh Kiên đã trở về quê làm lễ cúng ba ngày cho đứa con xấu số. Và dù cảnh thương tâm đã qua được vài hôm nhưng những người dân sống ở khu vực tổ 31, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên vẫn chưa hết bất bình.
“Đã nhiều lần chúng tôi có ý kiến phản ánh mức độ nguy hiểm từ những hố ga không nắp đậy ở bãi cát lớn được san phẳng ở công trường đang thi công cầu vượt Đông Trù lên Ban Quản lí công trường, nhưng vẫn chưa có kết quả gì”.
Theo bà Trần Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy cho biết, chính quyền địa phương đã nhiều lần nhắc nhở đơn vị thi công về việc làm hàng rào chắn để tránh trẻ em vào chơi đùa, nhưng tai nạn đáng tiếc đã xảy ra.
Cùng với đó, theo bà Hồng, khu vực này thiếu sân chơi cho thiếu nhi, lại đang mùa nghỉ hè nên các cháu thường hay vui chơi tại bãi cát có nhiều hố công trình Với độ sâu lên đến gần 5m, những hố ga này quả là những "tử thần" với người dân sinh sống xung quanh
1 ngày sau khi bé Nguyên không may rơi xuống hố, các hố ga mới được đơn vị thi công đậy lại bằng những tấm bê tông lớn. Xung quanh khu vực công trường, những rào chắn mới được dựng lên.
Trao đổi về vụ việc xảy ra tại phường Ngọc Thụy, ông Phạm Văn Duân, quyền trưởng ban Dự án, Ban Quản lý dự án Tả Ngạn (Bộ GTVT) cho biết, tai nạn xảy ra tại công trường của dự án đường 5 kéo dài, gói thầu này do 2 đơn vị là Công ty 319 của Bộ quốc phòng và Công ty cổ phần công trình giao thông vận tải thực hiện.
Ông Duân cũng cho rằng do công trình đang trong giai đoạn thi công nên không có nắp đậy. Tuy nhiên, khu vực này đã được rào bảo vệ và thường xuyên có lực lượng bảo vệ công trường đi tuần.
Theo ông Duân thì "đáng tiếc là đúng hôm xảy ra vụ việc thì trời chuẩn bị mưa to nên bảo vệ đã chạy về lán trú mưa, do đó họ đã không để ý có hai em bé chơi ở công trường".Đến bao giờ, những chiếc nắp này mới được đậy một cách tự giác ngay từ đầu?
“Chúng tôi đang yêu cầu đơn vi thị công và nhà thầu báo cáo cụ thể sự việc. Ngay sau khi nhận được thông tin, các bên liên quan đã vào cuộc tìm kiếm cũng như đưa cháu bé về quê an táng, lo mọi chi phí liên quan” - ông Duân nói.
Dự án đường 5 kéo dài được khởi công vào tháng 5/2005 và dự kiến hoàn thành sau 36 tháng thi công. Nhưng cho đến nay, công việc tại đây vẫn chưa được hoàn thành. Lý do, theo ông Duân là vì tốc độ giải phóng mặt bằng chậm.
Tai nạn thương tâm của bé Nguyên đã thêm một lần nữa cảnh báo về sự tắc trách của những đơn vị thi công ở các dự án.
Hiện trên địa bàn Thủ đô Hà Nội có rất nhiều những công trình đang xây dựng như vậy. Và nếu tình trạng kém sát sao này còn tiếp diễn thì còn bao nhiêu ông bố bà mẹ như gia đình anh Trần Văn Kiên phải khóc ròng cho đứa con tội nghiệp?
Tùng Phong
Bình luận