Những cái tên hàng đầu của làng cờ nước Việt như: Phạm Quốc Hương, Trần Quyết Thắng, Đào Cao Khoa, Nguyễn Trần Đỗ Ninh, Võ Minh Nhất, Tôn Thất Nhật Tân… đã có dịp so tài cao thấp, phô diễn trí tuệ và thể hiện bản lĩnh ở từng thế trận. Với người hâm mộ, những trận cờ hấp dẫn, kịch tính đã trở nên quen thuộc với khán giả vào 15 giờ chiều thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần trên VTC1, VTC HD1 và Today TV. Niềm vui vỡ òa, sự tiếc nuối khôn nguôi là những cảm xúc của giới hâm mộ cờ tướng toàn quốc.
Giữa kỳ đài thủy đình, cùng ao sen, như chốn bồng lai tiên cảnh, hiện ra một không gian văn hóa truyền thống Việt đậm nét. Ngược dòng lịch sử hơn 500 năm về trước, từng xảy ra một câu chuyện được cho là có tính nguồn cội. Năm 1499, tại Hoàng thành Thăng Long, đã diễn ra trận giao đấu cờ tướng quốc tế giữa vua Lê Hiến Tông (1497 -1504), với sứ thần nhà Minh (Trung Hoa). Ở trận cờ đó, vua Lê Hiến Tông đã đánh thắng 3 ván cờ, sau này một trong 3 ván cờ đó được lịch sử cờ tướng Việt Nam lưu giữ lại được.
Trong trận đấu đó, một người lính lệ, quê ở thôn Mộ Trạch, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương (nay là xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) tên là Vũ Huyên, đã có công trợ giúp vua thắng trận cờ này. Mến tài Vũ Huyên, vua Lê Hiến Tông đã phong ông là “Đấu kỳ Trạng Nguyên” – tức Trạng Nguyên cờ tướng, mà dân gian vẫn gọi tắt là Trạng cờ. Đó là Trạng cờ đầu tiên của Việt Nam. Và, sau 514 năm, chúng ta lại được chứng kiến Trạng cờ thứ hai của Việt Nam tại trận chung kết Trạng cờ Quý Tỵ 2013, tại trường quay S4 của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC.
Ở trận chung kết, hai kỳ thủ “Kỳ vương đất bắc” Phạm Quốc Hương và “Thần ngang Quân bún” Nguyễn Anh Quân, là những cái tên xuất sắc nhất, xứng đáng nhất đi tới trận đấu cuối cùng của giải. Con đường đến trận trung kết của cả hai kỳ thủ này đầy rẫy cam go, thử thách, khi phải vượt qua hàng loạt tên tuổi lớn trong làng cờ Việt. Có những trận thắng toát mồ hôi, ranh giới hơn thua cực kỳ mỏng manh.
Nguyễn Anh Quân, sinh năm 1980, đến từ Hà Nội, có biệt danh “Thần ngang Quân bún”. Thành tích của
Anh Quân rất ấn tượng: Quán quân chùa Vua 2001, á quân Hà Nội mở rộng năm 2009, HCB U18 quốc gia, đẳng cấp dự bị kiện tướng; Đại tướng CLB cờ tướng Tây Sơn; vô địch giải đấu các CLB Hà Nội mở rộng, cúp Thanglongkydao 2011.
Lối chơi dựa nhiều vào trung cuộc, tìm đường sáng trong bóng tối, trung cuộc và tàn cuộc lão luyện. Tuy nhiên khai cuộc thì không quá chú trọng. Đặc điểm cờ đỡ rất khéo, nên có biệt danh là Quân bún (dẻo như bún). Anh Quân hiện là VĐV kiêm HLV đội tuyển cờ tướng Bộ Công An.
Phạm Quốc Hương được mệnh danh là “Kỳ vương đất Bắc”, sinh năm 1978, đã từng đứng thứ 5 quốc gia , Kỳ vương đất Bắc Cup Thanglongkydao.com năm 2011, Á quân Chùa Vua năm 2012 , Á quân đồng đội Thanglongkydao.com năm 2011. Nói về Phạm Quốc Hương, giới chuyên môn nhận định: Hương có cờ trung tàn uyên thâm và uyển chuyển... Cách chơi trong nhu có cương, khi nhu thì chắc chắn thâm sâu, khi cương thì nội lực bão táp, toàn diện cả cờ chậm lẫn cờ nhanh. Kinh nghiệm phong phú, đi kèm với khát khao lấy giải, có thể nói Phạm Quốc Hương là niềm tự hào của làng cờ Hà Thành, là ứng cử viên số một của giải đấu… Đó là đối thủ rất xứng tầm đối với Nguyễn Anh Quân.
Sau lễ bốc thăm ngay tại trường quay, kỳ thủ Phạm Quốc Hương giành quyền đi trước. Thống kê cho thấy, ở vòng 1/16 (luật chơi 2 ván cờ, mỗi ván 25 phút, nếu bất phân thắng bại phải giải quyết bằng 1 ván cờ chớp), thì người đi trước có tỉ lệ thắng không nhiều. Nhưng ở vòng 1/8, (luật chơi chỉ đấu 1 ván cờ 25 phút, nếu hòa mới giải quyết bằng ván cờ chớp), mới diễn ra 14 trận, thì có 9 trận người đi trước thắng. Như vậy, bốc thăm nếu may mắn được đi trước là một lợi thế quan trọng.
Khai cuộc, cả hai triển khai thế trận đối công. Giới chuyên môn dự đoán, kết cục sẽ không có hòa cờ trong ván chính, mà được giải quyết ngay không có cờ chớp. Hương lên xe ăn tốt ngay từ khai cuộc, điều đó nghĩa là quyết định năm ăn – năm thua cho trận chung kết này. Tất cả bắt đầu cho một trận đối công xô xát vô cùng hấp dẫn. Minh chứng là Anh Quân mặc dù đi sau, nhưng đã rất bản lĩnh, ra đòn “nghịch pháo” (hai pháo đi sát nhau, so le với pháo của đối phương) là thế trận đối công rất quyết liệt, rất ít thấy từ đầu giải.
Đây là thế trận lạ, biến hóa khó lường mà Anh Quân dành cho Quốc Hương, trước đó rất ít khi Anh Quân dùng chiêu này. Thế trận ấy đã phát huy các đòn đánh, chỉ sau 10 nước đi đầu tiên của giai đoạn khai cuộc, Anh Quân mặc dù đi sau đã chiếm ưu thế hơn một chút.
Bước ngoặt của trận đấu bắt đầu từ trung cuộc, Anh Quân ra đòn “tứ tử đồng biên”, nghĩa là 1 xe, 2 pháo và 1 mã cùng tấn công vào cánh trái của Quốc Hương. Thế cờ của Quốc Hương yếu dần từ đó. Nhờ ưu thế nhỏ ấy, dẫn đến việc Anh Quân hơn 1 sĩ, 1 tốt. Trong tình huống nguy ngập, Quốc Hương vẫn bình tĩnh điều quân chống đỡ. Với bản lĩnh thi đấu dày dạn và cách xử lý vô cùng khéo léo, Hương dần dần đã hóa giải những đòn tấn công hiểm ác của Quân, bằng việc đổi 3 quân mạnh (xe, pháo, mã) làm cho sức tấn công của Quân đã giảm đi một chút.
Cuối trung cuộc, tưởng chừng như những pha tấn công dồn dập, hiểm hóc của Anh Quân có thể khiến Quốc Hương thua trận. Nhưng Hương thể hiện năng lực cờ tàn tốt hơn Quân, bắt đầu từ thoái mã về cạnh tướng để phòng thủ. Thế cờ này, chứng tỏ Hương đã tính được 7 nước tiếp theo, đưa được thế hòa cờ một cách bất ngờ tới không tưởng đối với khán giả. Còn Anh Quân chết điếng người vì sai lầm trong nước đi then chốt, mà chuẩn xác hơn anh đã có thể kết liễu đối thủ. Hai kỳ thủ đồng ý hòa, Anh Quân tỏ ra vô cùng tiếc nuối, khi giờ đây phải giải quyết thắng thua bằng ván cờ chớp.
Ở ván cờ chớp, Anh Quân được quyền chọn quân đi trước. Do quá nuối tiếc về ván cờ 25 phút, nên Quân đã bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Chính lúc này Quốc Hương lại chọn thế trận mới lạ, bất ngờ, ít sử dụng trong thi đấu, làm cho tốc độ suy nghĩ của Quân bị chậm lại, vì phải đọc trận đấu và đề phòng. Điều đó khiến cho Anh Quân dần dần ngang giờ và kém giờ, dẫn đến việc Hương giành được ưu thế.
Mức độ căng thẳng của trận đấu làm cho khán giả ngồi đông đảo trong trường quay bắt đầu bàn tán, khiến trọng tài phải tạm dừng trận đấu để nhắc nhở khán giả giữ trật tự. Giới chuyên môn nhận định: Đây là trận chung kết có chất lượng chuyên môn cực cao, kịch tính và hấp dẫn.
Cuối của đoạn trung cuộc, Quốc Hương đã hơn về chất, với 1 xe và 1 tốt, đối lại 1 pháo và 2 tốt của Anh Quân. Nhờ thế, từ khi khai cuộc Hương chỉ có 5 phút, trong khi Quân có 6 phút, thì giờ đây Hương lại hết ít thời gian hơn.
Kết thúc trận đấu, Quân hết thời gian, trong khi Hương còn gần 2 phút… Đông đảo khán giả trong trường quay reo hò, chúc mừng Phạm Quốc Hương đã trở thành nhà vô địch, đoạt danh hiệu Trạng cờ Quý Tỵ 2013. Kỳ thủ Nguyễn Anh Quân đoạt giải nhì, với danh hiệu Bảng nhãn. Kỳ thủ đoạt giải ba là Nguyễn Trần Đỗ Ninh, với danh hiệu Thám hoa.
Gameshow Trạng cờ Quý Tỵ, do Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC phối hợp với Liên đoàn Cờ Việt Nam tổ chức, chính thức đã khép lại trong sự hân hoan của người thắng cuộc và sự tiếc nuối của người thua cuộc. Nhân dịp này, Ban tổ chức đã trao cúp vô địch cho người xuất sắc nhất.
Với những nỗ lực của mình, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC cũng đã được trao Bằng xác nhận Kỷ lục Guines Việt Nam về bộ quân cờ và bàn cờ tướng lớn nhất cả nước.
Chơi cờ để tìm sự tĩnh lặng trong tâm hồn, để so tài cao – thấp, để đo bản lĩnh và có khi là để tâm giao với người tri kỷ. Đây là giải đấu thể hiện trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam trong bối cảnh đất nước đang hội nhập mạnh mẽ. Mỗi một trận đấu của Trạng cờ Quý Tỵ chính là một câu chuyện văn hoá đặc sắc. Đặc biệt, nghi lễ “vinh quy bái tổ” giành cho người chiến thắng – một nghi lễ thể hiện sự trọng thị của một dân tộc nổi tiếng hiếu học và nhiều hào kiệt. Với những dấu ấn ở mùa giải đầu tiên, Trạng cờ sẽ là gameshow thường niên của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC và là nơi hội tụ của tài năng cờ và bản lĩnh Việt Nam ở các năm tiếp theo.
P.V
Bình luận