Tròn 50 năm kể từ xuân Mậu Thân 1968, đã có nhiều bài viết, nhiều công trình, cuốn sách, hội thảo trong và ngoài nước tiếp cận, đề cập, phân tích khá cụ thể toàn bộ các khía cạnh liên quan đến sự kiện lịch sử thú vị, độc đáo.
Bên cạnh đó, cũng còn nhiều đánh giá, nhìn nhận khác nhau cả về thành công và thất bại của sự kiện xuân Mậu Thân 1968.
Dù có nhiều cách nhìn nhận khác nhau, nhưng một thực tế không ai có thể phủ nhận được: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là một sự kiện vĩ đại và có tầm ảnh hưởng quyết định đến chiều hướng phát triển của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.
Sự kiện mang tính bước ngoặt của cuộc chiến tranh
Thứ nhất, đây là nỗ lực quân sự, chính trị lớn nhất của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kể từ sau năm 1954.
Thứ hai, Tổng thống Mỹ Johson quyết định đề nghị đàm phán một cách thực chất với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để tìm giải pháp kết thúc chiến tranh.
Trong những năm 1965, 1966, 1967, chính quyền Mỹ đã nhiều lần đề xuất, đưa ra các kế hoạch hòa bình, đã thông qua một số nước, một số chính khách làm trung gian chuyển tới Việt Nam đề nghị đàm phán.
Tổng thống Mỹ Johson cũng từng gửi thư trực tiếp cho Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề này, nhưng đều là các đề nghị không thực chất, mang tính tuyên truyền kèm theo các điều kiện có lợi cho Mỹ.
Chỉ sau khi khi quân và dân miền Nam mở cuộc tấn công xuân Mậu Thân, nhận thấy không có khả năng thắng bằng quân sự, lại bị dư luận chính giới và nhân dân Mỹ phản đối quyết liệt nên Johson mới đưa ra đề nghị đàm phán ngày 31/3/1968 và ngày 13/5/1968, Hội nghị Paris mới chính thức khai mạc.
Đây là cố gắng quân sự lớn nhất, thể hiện quyết tâm cao nhất giành thắng lợi quyết định của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân kể từ đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Thứ nhất, đây là cuộc tiến công có quy mô lớn nhất, với lực lượng tham gia đông nhất, đánh vào nhiều mục tiêu nhất, trên phạm vi rộng lớn nhất.
Thứ hai, Bộ Chính trị, TƯ Đảng hạ quyết tâm giành thắng lợi quyết định với các nội dung chủ yếu: Tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân đội Sài Gòn, đánh đổ chính quyền các cấp của địch, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng đại bộ phận nông thôn...
Đánh cho Mỹ phải rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam, ngừng ném bom bắn phá miền Bắc, làm cho Mỹ không thực hiện được các mục tiêu chủ yếu.
Ta bảo vệ được miền Bắc và đạt được mục tiêu trước mắt của cách mạng miền Nam là độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới thống nhất nước nhà.
Mục tiêu giành thắng lợi quyết định ở đây cần được hiểu là thực hiện cuộc Tổng tiến công mạnh mẽ, đều khắp và rộng lớn để buộc Mỹ phải thừa nhận không thể dùng sức mạnh quân sự để thắng trong cuộc chiến tranh, tiến tới đánh bại ý chí tiếp tục chiến tranh, ý chí xâm lược của Mỹ.
Giành thắng lợi quyết định là bước đầu tiên (“đánh cho Mỹ cút”) để tiến lên bước thứ hai là giành thắng lợi hoàn toàn (“đánh cho ngụy nhào”), giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thứ ba, việc lựa chọn mục tiêu tiến công là các đô thị, căn cứ quân sự, sân bay, bến cảng, kho tàng... cũng thể hiện quyết tâm của Đảng đánh vào nơi mạnh nhất của kẻ thù để tạo nên hiệu ứng cao nhất.
Đánh dấu sự phát triển lên đến đỉnh cao của nghệ thuật chỉ đạo tiến hành chiến tranh của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Thứ nhất, đây là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giữ được bí mật, bất ngờ nhất xét về quy mô, thời gian chuẩn bị và không gian diễn ra chiến sự.
Cả bộ máy tình báo quân sự, dân sự khổng lồ và mạng lưới tai mắt chỉ điểm của Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã hoàn toàn bị bất ngờ cho đến khi tiếng súng của cuộc Tổng tiến công nổ ra vào thời điểm Giao thừa Tết Mậu Thân.
Địch đã hoàn toàn bị choáng váng về thời điểm bị tấn công. Quy mô tiến công đồng loạt trên toàn miền Nam cũng gây cho địch bất ngờ lớn bởi sự chỉ đạo và chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công của ta giữ được hoàn toàn bí mật.
Thứ hai, sự bí mật, bất ngờ của cuộc Tổng tiến công cho thấy sự chỉ đạo hoạt động nghi binh chiến lược đã đạt được hiệu quả cao nhất.
Đây là một thành công lớn và xuất sắc trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng.
Một loạt các hoạt động nghi binh được triển khai: lập kế hoạch giả cho toàn bộ hoạt động tác chiến Đông - Xuân 1967-1968, phổ biến đến các cấp chỉ huy chiến trường, đến các đơn vị lớn với chủ trương giữ “nửa kín, nửa hở” để đối phương bị lạc hướng phán đoán; chuẩn bị rầm rộ (nhưng thực tế là không đánh lớn) cho cuộc chiến đấu với quân Mỹ ở thung lũng Khe Sanh; đề nghị ngừng bắn nhân dịp Tết Nguyên đán của dân tộc; các dồng chí lãnh đạo Đảng, Quân đội đi chữa bệnh, an dưỡng ở nước ngoài trong dịp này... đã hoàn toàn đánh lạc hướng sự phán đoán, chuẩn bị đối phó của địch, tạo điều kiện để quân và dân ta chuẩn bị các yếu tố đảm bảo cho cuộc Tổng tiến công.
Thứ ba, chủ trương, kế hoạch đánh vào nơi mạnh nhất, rắn nhất, nhạy cảm nhất của kẻ thù đã tạo ra hiệu ứng lớn nhất đã được chỉ đạo thực hiện.
Tạo nên một làn sóng phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam mạnh mẽ nhất ngay trong lòng nước Mỹ và trên phạm vi thế giới
Sự kiện tấn công xuân Mậu Thân 1968 đã phơi bày một sự thật là: Trước đó, phần đông người dân Mỹ đều tin rằng, cuộc chiến tranh Việt Nam mà chính quyền Mỹ đang tiến hành thuận lợi do các phương tiện truyền thông Mỹ được Chính phủ Mỹ “định hướng” trong việc phản ánh tình hình cuộc chiến ở Việt Nam.
Tuy nhiên, các hình ảnh, tin tức về thực tế khốc liệt của cuộc chiến đấu ở các đô thị, sự thương vong của lĩnh Mỹ ngày càng tăng, các mục tiêu được coi là bất khả xâm phạm, là an toàn của Mỹ và chế độ Sài Gòn bị tấn công... được đưa tin nhanh chóng trên truyền thông thế giới, được truyền hình trực tiếp đến từng gia đình người Mỹ đã khiến cho dư luận Mỹ nổi sóng.
Họ nhận ra rằng, họ đã bị Chính phủ Mỹ lừa dối về cái gọi là “sứ mệnh bảo vệ thế giới tự do” của Mỹ. Sự phản ứng của dư luận Mỹ thể hiện qua nhiều phong trào phản chiến rộng lớn trong nhiều tầng lớp nhân dân Mỹ từ cuộc tấn công xuân Mậu Thân.
Chính phong trào phản chiến này đã góp phần quan trọng “trói tay” chính quyền Mỹ, buộc Tổng thống Johnson phải quyết định xuống thang chiến tranh, đề nghị đàm phán.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy được coi là một sự kiện quan trọng nhất nhưng cũng phức tạp nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam do có sự đánh giá khác nhau về ưu điểm, thành công và thất bại, tổn thất của cả hai bên tham chiến
Về phía Việt Nam, các chính khách, tướng lĩnh và các nhà khoa học đều thống nhất cho rằng, sự kiện Tết Mậu Thân 1968 là một thắng lợi to lớn mang tính chất quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Việt Nam đã thắng trong cuộc đối đầu cân não, đã đạt được mục tiêu là buộc Mỹ phải thay đổi quan điểm về chiến tranh, về đánh giá về tiềm năng và sức mạnh của đối phương.
Sự kiện này đã chia rẽ xã hội Mỹ, làm gia tăng làn sóng phản đối chiến tranh ở Mỹ. Tuy vậy, về phía Việt Nam cũng chịu tổn thất lớn về lực lượng và bị thu hẹp về vùng đất đứng chân, thế trận của cuộc chiến tranh cạch mạng bị suy yếu do đánh giá không đúng về so sánh tương quan lực lượng và sự đối phó của Mỹ, quân đội và chính quyền Sài Gòn.
Video: Mùa xuân của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc
Về phía Mỹ, nhiều quan chức chính quyền và các sử gia cũng đồng ý với đánh giá là Mỹ đã thua về chính trị và tâm lý, đã thất bại về chiến lược khi đang có trong tay lực lượng áp đảo đối phương, hơn hẳn về tiềm lực, hỏa lực và sức cơ động nhưng lại không giành được lợi thế, quyền chủ động trên chiến trường.
Trái lại, họ phải bị động đối phó với cuộc tiến công bất ngờ của ta. Điều quan trọng nhất là ý chí tiếp tục chiến tranh đã bị suy sụp, Mỹ đã bắt đầu quá trình xuống thang chiến tranh.
Đa số dư luận chính giới và trong quân đội Mỹ đã cho rằng, tốt hơn cả là không có sự kiện Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 bởi cuộc tấn công này là một phép thử hữu hiệu và đã chứng tỏ phơi bày những hạn chế, yếu kém và sự bất lực của Mỹ trước một đối thủ kiên cường, quả cảm và sáng tạo là các lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam Việt Nam.
Bình luận