• Zalo

Tiểu phẩm hài: 'Tục chỉ vừa đủ mới có duyên'

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 19/07/2012 06:10:00 +07:00Google News

(VTC News) – “Ai cũng thành lập nhóm hài được hết! Kịch bản thì từa lưa, người diễn sau cố gắng phải diễn cuồng, gồng mình lên cho bằng anh bằng em".

(VTC News) – “Ai cũng thành lập nhóm hài được hết! Kịch bản thì từa lưa, người diễn sau cố gắng phải diễn cuồng, gồng mình lên cho bằng anh bằng em. Nhìn hài mà đau lòng quá!” - nghệ sĩ Hoàng "Mập".

Mới đây, dư luận đang nóng với sân khấu hài bởi có nhiều pha dung tục. Để có góc nhìn về sân khấu hài hiện nay, phóng viên VTC News có cuộc trò chuyện cùng nghệ sĩ hài Hoàng "Mập". Anh đã có thâm niên tấu hài gần 20 năm.

Nghệ sĩ Hoàng Mập (Photo: Duy England) 

Thiếu kiềm chế, diễn xong mới hú hồn thì sự đã rồi

- Gần đây, dư luận cho rằng hài trên sân khấu hay các chương trình truyền hình đang ngày càng dung tục  và phản cảm, anh thấy sao?


- Tôi cũng thấy gần đây, trên sân khấu hài hay trên truyền hình có những vở hài dung tục.

- Trong nghề gần 20 năm, anh thấy nguyên nhân vì đâu các vở hài đang ngày càng dung tục và phản cảm?

- Tôi nghĩ, những diễn viên hay danh hài khi diễn, chắc họ không hề nghĩ rằng đó là dung tục chứ biết thì họ không bao giờ làm vậy.

Nguyên nhân do khâu duyệt kịch bản của mình bây giờ quá lỏng lẻo, duyệt xong nhưng lúc diễn chẳng có anh nào theo dõi cả. Thứ hai nữa là lúc diễn viên hứng quá, không làm chủ được lời thoại, đâm ra cứ phóng theo tiếng cười.

Và thứ ba là do khi làm diễn viên hay danh hài rồi, không ai muốn giậm chân tại chỗ, tiếng cười hôm nay phải nhiều hơn hôm qua nên họ khó kiềm chế được, diễn xong rồi mới hú hồn thì đã rồi.

Nghệ sĩ Hoàng Mập (photo: Duy England) 

- Còn yếu tố về kịch bản?

- Kịch bản là yếu tố quan trọng làm nên vở hài, tiểu phẩm hay hoặc có thể là dung tục. Nhưng nếu kịch bản không phản cảm mà vở hài phản cảm thì do diễn viên truyền đạt bị quá liều nên phản tác dụng.

Tôi thấy kịch bản hài bây giờ thiếu trầm trọng. Bao nhiêu năm rồi vẫn vậy. Nói ra không ai tin, chứ có nhóm hài cả chục năm vẫn xài kịch bản cũ. Còn trên truyền hình cũng chẳng khả quan gì mấy, có vấn nạn gì của xã hội là bu vào mà khai thác.

Có từng ấy người nói và từng ấy người nghe thôi, đâm ra chán lắm! Nói thật, có kịch bản đọc xong chả thấy gì cười mà nghệ sĩ nhảy vào tập phải cố tạo tình huống, thêm lời thoại sao cho cười được.

Diễn viên có thể diễn khác kịch bản đi một chút, có thể là lời thoại hoặc diễn thể hình nhưng vẫn phải theo kịch bản. Ví dụ như trong kịch bản, nhân vật chết thì diễn viên có thể diễn trăng trối hay khóc lóc và rồi cũng phải nằm im thôi.

Tục phải vừa đủ mới có duyên

- Theo anh, yếu tố dung tục  có nên có trong tiểu phẩm hài không và ranh giới nào là vừa đủ?

- Yếu tố tục cũng nên có trong các tiểu phẩm hài “tục thanh”, tức là tục mà không phải tục. Nhưng tục phải vừa đủ mới có duyên. Còn tục là như thế nào thì phải tùy vào người cảm nhận thôi.

Cũng như chuyện ai cũng nói cô này cô nọ mặc đồ tắm khoe thân nhưng phải xem những người nói đã xem hình chưa và xem như thế nào, nhìn kĩ nơi nào họ cần nhìn nữa.

 

- Tình huống một vở hài: người bố say rượu, bị con bắt nằm lên giường, giơ mông cho con đánh đòn đã “ăn theo” cách nói kiểu sách “Sát thủ đầu mưng mủ” của giới trẻ: “Con ơi, bố say bét nhè con gà què, con đừng cầm roi nhảy choi choi...”.

Đứa con nghe vậy cười ngặt nghẽo, tha không đánh đòn ông bố. Vậy là ông bố xin đi học để cập nhật ngôn ngữ teen, phòng khi bị con đánh còn có “võ” mà xoa dịu.  Hay tiểu phẩm hài có những câu như: "Con ơi, đừng có đánh vào mông bố mà làm bố đau hết... đít”… Theo anh, có dung tục, phản cảm không?

- Tôi nghĩ, những tình tiết hài kể trên nếu diễn viên diễn có duyên thì sử dụng cũng chẳng phải là xấu. Về ngôn ngữ của “Sát thủ đầu mưng mủ”, tôi chưa từng xem sách nhưng có nghe qua báo đài và vài câu trích dẫn đó cũng thấy vui vui. Chúng ta nên biết chọn lọc, cái nào có duyên thì sử dụng, còn không thì loại bỏ. Hài cũng như các món ăn, ngon mà ăn quá cũng bội thực còn không ngon thì trở thành “thảm họa”.

Ngày xưa, hài hay lắm

- Là người mua vui cho khán giả nhưng đôi khi, diễn viên hài bị khán giả chê bai, "ném đá", anh có thấy buồn không?

- Là người của công chúng, nếu được khen hay được giải thưởng này nọ thì ai cũng vui sướng lắm. Còn lỡ bị “ném đá” thì cũng cố gắng gồng mình lên mà chịu chứ biết sao giờ (cười)?

Hỏi có buồn không thì tôi xin nói thật là buồn lắm! Buồn và mất phương hướng luôn, thậm chí muốn bỏ nghề nữa kìa.

- Anh bị trường hợp như vậy lần nào chưa?

- Tôi có trường hợp này cũng vui lắm! Khi tôi hóa trang thành con trai hay ông già thì chẳng ai đến chụp hình. Vậy mà khi tôi hóa trang thành con gái, khán giả vây quanh chụp hình liên tục và chiêm ngưỡng với cảm giác yêu mến lắm. Vì vậy, đĩa nào giả gái là bán chạy quá trời, bị đĩa lậu săn lùng, còn không thì ế luôn. Khán giả thích gì thì chúng tôi phục vụ. Vậy mà tôi cũng bị “ném đá” là cứ làm… pê đê! (cười dài).

- Anh thấy hài bây giờ và ngày xưa có khác nhau nhiều không?

- Ngày xưa, hài hay lắm, cả trên sân khấu lẩn trên truyền hình đều hay khiến tôi phát mê! Tôi nhớ, khoảng đầu năm 90, tôi đã mê danh hài Hữu Nghĩa và làm mọi cách để gặp.

Hồi đó, mỗi nhóm hài có nội dung và phong cách riêng của từng nhóm. Bây giờ, những nhóm hài đàng hoàng, làm ăn lương thiện nhưng nhìn qua nhìn lại chẳng còn được mấy, sân khấu hài ngày càng co lại.

Nhìn nhiều nhóm hài giờ thì tôi thấy ai cũng thành lập nhóm được hết! Kịch bản thì từa lưa, người diễn sau cố gắng phải diễn cuồng, gồng mình lên cho bằng anh bằng em. Nhìn hài mà đau lòng quá!

Nghệ sĩ Hoàng Mập và các diễn viên trong đoàn phim 

- Gần đây, không thấy anh tấu hài, có phải anh hài lòng với vị trí danh hài hay anh muốn nghỉ hưu rồi?

- Dù là diễn viên hài gần 20 năm nhưng tôi nghĩ mình chưa bao giờ là diễn viên hài hết. Lúc học ở trường sân khấu, tôi được học toàn chính kịch và bi kịch. Nhưng khi tốt nghiệp ra trường, vì không có “đất diễn” nên tôi đi tấu hài vì sự mưu sinh ở Sài Gòn và cái duyên với nghề, tôi làm tới bây giờ. Cái nghiệp sân khấu đã cho tôi cuộc sống sung túc, tôi rất cảm ơn khan giả nhưng tôi không dám nhận mình là danh hài.

Chính xác là hơn 3 năm tôi không diễn kịch ở các sân khấu và hơn 4 năm không đi tấu hài rồi! Thỉnh thoảng tôi mới đi diễn ở những chương trình từ thiện và hội nghị khách hàng. Không phải vì không có sô hay không được mời mà vì tôi cảm thấy mất “lửa” rồi. Có thể, khi có lửa lại tôi sẽ lại sẵn sàng đêm đêm xách giỏ đi tấu hài.

Thời gian này, tôi dành hết cho phim: làm nhà sản xuất, biên tập, diễn viên…ngày nào 6h cũng có mặt ở đoàn phim và đến tối là người về sau cùng. Tôi cũng sẽ tập trung hoàn thành tốt vai trò một Giám đốc của công ty truyền thông chuyên tổ chức sự kiện và sản xuất phim vì cũng sắp già rồi, sức khỏe không cho phép làm nhiều việc được nữa.

Lo xa vậy thôi, chứ tôi chưa nghĩ chuyện nghỉ hưu. Ngày nào khán giả còn yêu thương Hoàng Mập thì ngày đó tôi còn xuất hiện để phục vụ sự yêu thương đó.

- Xin cảm ơn anh!

Phượng Hoàng(thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn