• Zalo

Thương hồ Sài Gòn: 'Hết mồng mới là lúc Tết bắt đầu'

Thời sựThứ Sáu, 27/01/2017 11:08:00 +07:00Google News

Quanh năm buôn bán trên sông ở Sài Gòn, cuộc sống gắn liền với những chiếc ghe chòng chành, những thương hồ ở đây bao giờ cũng phải làm hết Tết mới được về ăn Tết với gia đình.

Đi qua con đường Trần Xuân Soạn (quận 7, TP.HCM), nhìn cảnh náo hoạt trên mé dòng kênh Tẻ, ít ai biết rằng đằng sau đó là những nỗi cơ cực, đắng cay, phải đánh đổi cuộc sống mà những thương hồ Sài Gòn phải chịu đựng.

Người ta vẫn thường nói “Hết mồng là hết Tết” nghĩa là, qua ngày mồng 10 tháng 1 thì Tết chính thức đi qua. Thế nhưng, đối với những thương hồ Sài Gòn, những người đang tạo nên không khí Tết cho người dân nơi đây, thì “hết mồng” mới là lúc Tết bắt đầu.

Hết mồng mới Tết

Những thương hồ Sài Gòn, hầu hết là người miền Tây vì hoàn cảnh quá khó khăn, phải xa xứ lên Sài Gòn bươn chải, với kiếp sống lênh đênh trên những con ghe bập bềnh sông nước.

unnamed

Xóm thương hồ đông đúc nhất tại TP.HCM nằm trên mé kênh Tẻ

Có những người phải để lại con cái dưới quê để lên đây lam lũ, kiếm tiền gửi về nuôi con. Có những gia đình lại bán hết tài sản ít ỏi nơi quê nhà, rồi cả nhà bồng bế nhau lên thành phố, mong thay đổi cuộc sống bằng kiếp thương hồ dạt trôi.

Và, cũng có những gia đình đi mãi không trở về… bởi những trận sóng to, gió lớn, chôn vùi cả đời người.

Tết đối với những con người xa xứ ấy, đơn giản chỉ là ước muốn được đoàn tụ cùng gia đình, không phải là những cái tết biền biệt xa mẹ già, con thơ.

Để rồi, ngày mồng 1 đầu xuân, họ vẫn lam lũ trên những chiếc ghe chất đầy hàng, chỉ để kiếm thêm dăm ba đồng gửi về cho con.

Khệ nệ khiêng thùng trái cây lên bờ, chị Nguyễn Thị Vân (quê Tiền Giang) cho biết: “Mười mấy năm rồi, hai vợ chồng tôi phải xa quê, xa con lên đây kiếm sống. Ở quê không có nghề gì để làm, 2 vợ chồng đành giành dụm rồi mua con ghe cũ, chở trái cây lên Sài Gòn bán".

Con ghe cũ của vợ chồng chị Vân theo thời gian nay đã xuống cấp trầm trọng, không thể di chuyển, chỉ nằm yên một chỗ. Chị phải mướn người hái trái cây ở quê rồi chuyển lên.

unnamed (1)

Đến nay, cả xóm thương hồ đã có hơn 20 hộ, chủ yếu sống bằng nghề vận chuyển trái cây từ các tỉnh miền Tây về Sài Gòn buôn bán.

Lời lãi chẳng được bao nhiêu, nay anh chị lại thêm tiền thuê người vận chuyển khó càng thêm khó. Chồng chị bảo, 2 vợ chồng cực khổ mấy cũng được, chỉ ước đủ tiền cho con cái được ăn học bằng bạn bằng bè.  Đứa lớn năm nay vào cấp 3, 2 đứa nhỏ thì vào cấp 2, đủ thứ tiền phải chi tiêu nên anh chị phải ở lại kiếm thêm tiền trong dịp Tết.

"Cả năm đi làm chỉ trông chờ vào mấy ngày Tết đắt hàng, đành ở lại kiếm thêm chút ít. Bởi vậy, vợ chồng chả bao giờ được về ăn Tết cùng con cái, cứ phải hết Tết mới về được. Lắm lúc cũng ước ao được đón một cái Tết đúng ngày nhưng...”, anh Dương Minh Quang, chồng chị Vân ngậm ngùi.

“Thôi ba ơi, con không đi thành phố nữa đâu!”

Tay ôm quả mít, tay cầm điện thoại, Anh Phan Văn Phúc vui vẻ trò chuyện với con: “Ráng học được điểm 10 nghen con, vài bữa nữa ba về, ba mua quà tết cho nghen…”

unnamed (3)

Giấc ngủ “tranh thủ” sau đêm mưa lớn canh ghe.

Từ Bến Tre, anh Phúc cũng như bao thương hồ khác bôn ba lên đất Sài Gòn kiếm sống. Tuy nhiên, với anh, nghề thương hồ gắn với biến cố không thể nào quên trong đời.

“10 năm trước, vợ chồng tôi lần đầu tiên xa quê, chạy ghe lên Sài Gòn cùng đứa con nhỏ 3 tuổi. Vì đi lần đầu nên không biết thành phố ở đâu, lại vào mùa mưa gió nên trời mịt mù không thấy đường, sắp tới thì bỗng dưng gặp sóng lớn.

Tôi và vợ phải cùng giữ chặt tay lái, nếu buông ra thì ghe sẽ lật. Trong khi đó con gái chúng tôi ngồi chao đảo, lắc lư rồi khóc thét. Hơn nửa giờ đồng hồ gió mới nhẹ, con tôi bị khủng hoảng, cứ khóc thét suốt một ngày”. Anh Phúc chia sẻ.

Sau lần gặp nạn đó, con gái anh bị trầm cảm, suốt ngày chỉ lặp đi lặp lại câu “Ba ơi, con không đi thành phố nữa đâu!”.

Thương con, vợ chồng anh đành phải gửi bé về quê ở với ông bà, để bé không còn phải chứng kiến cảnh cực khổ của ba mẹ. Cũng từ ngày đó, tết sum vầy đối với gia đình anh là một điều rất khó khăn.

unnamed (2)

Mọi sinh hoạt của các thương hồ đều ở trên ghe thuyền.

"Đối với mọi người Tết đã đến gần, còn với những thương hồ chúng tôi thì Tết còn xa lắm. Năm nào cũng phải nói dối con là sẽ về đúng Tết nhưng về thì tiền đâu đóng học cho con", anh Phúc tâm sự.

Video: Chợ tết 0 đồng dành cho người Nghèo ở Hà Nội

Thy Huệ
Bình luận
vtcnews.vn