(VTC News) – Nếu được Bộ Tài chính thông qua, thuế nhập khẩu khí đốt hóa lỏng (LPG) có thể giảm từ 5% xuống 2% như đề nghị của Hiệp hội Gas Việt Nam.
Giá gas tại thị trường Việt Nam đã có 3 đợt điều chỉnh tăng liên tiếp với tổng cộng 74.000 đồng/bình (ngày 1/1: 24.000 đồng; Ngày 5/1: 8.000 đồng; ngày 1/2: 48.000 đồng) khiến người tiêu dùng lao đao.
Theo lý giải của các doanh nghiệp kinh doanh gas, sở dĩ doanh nghiệp buộc phải tăng giá gas ồ ạt thời gian qua là lý do cực chẳng đã do trên thế giới giá gas đang biến động không ngừng do nhu cầu sưởi ấm mùa Đông tăng cao và tình hình căng thẳng ở Iran khiến giá dầu thô không ổn định.
Theo văn bản kiến nghị của Hiệp hội Gas Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị giảm thuế nhập khẩu LPG thì thuế nhập khẩu gas tăng từ 2% lên 5% từ ngày 1/1, trong khi giá gas thế giới đang ở mức cao nhất trong lịch sử là 1.025 USD/tấn. Những yếu tố này đã khiến cho giá gas trong nước liên tục bị đẩy lên.
Hiệp hội gas Việt Nam kiến nghị Chính phủ xem xét và đề nghị Bộ Tài chính có phương án giảm thuế nhập khẩu khí đốt hóa lỏng (LPG) từ 5% xuống mức 2% như trước ngày 1/1/2012. Hiện, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Văn Phượng cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét phương án đề xuất của Hiệp hội.
Trước đó, ông Nguyễn Tiến Thoả, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã cho rằng: Không có chuyện các doanh nghiệp vô cớ đẩy giá lên vì hiện nay các công ty gas trên thị trường rất cạnh tranh nhau.
Tuy nhiên, theo một số hãng gas thừa nhận rằng, không thể quản lý được giá gas tại các đại lý bán lẻ không trong hệ thống theo giá niêm yết của hãng mà chỉ là giá bán buôn. Vì vậy, việc các đại lý bán gas đến tay người tiêu dùng với giá bao nhiêu thì các hãng không biết.
Đại diện Cục quản lý giá cho rằng: Mức tăng của giá gas thời gian qua là phù hợp với biến động của giá thế giới. "Hiện lượng gas cung ứng cho thị trường trong nước phải nhập khẩu trên 50% nên giá bán buôn LPG tại nhà máy và các cảng tăng bình quân từ 15,04% đến 15,31% so với tháng 1”.
Ông Thỏa cũng nói rằng, Cục thường xuyên có số liệu đối chiếu giá gas nhập khẩu, qua đó sẽ là căn cứ để kiểm soát giá đăng ký của các doanh nghiệp. Còn việc kiểm tra, quản lý xem doanh nghiệp có bán đúng giá đăng ký hay không lại thuộc cơ quan quản lý thị trường thuộc Bộ Công thương.
Trả lời về trách nhiệm của mình trong việc quản lý thị trường gas, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nam Hải cho biết: Trước tình hình dư luận xôn xao về việc giá gas tăng đột biến và tăng với mức cao, Bộ Công thương và Bộ Tài chính sẽ vào cuộc kiểm tra, rà soát lại thị trường nhằm phát hiện xem có hay không tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý. Tuy nhiên, ông Hải cũng khẳng định, về cơ chế điều hành giá gas, do đây là mặt hàng thuộc lĩnh vực bình ổn giá nên việc tăng giá hay giảm giá sẽ do các doanh nghiệp tự quyết định và có đăng ký với cơ sở đầu mối dựa trên sự giám sát của cơ quan quản lý giá là Sở Tài chính của địa. Do vậy, đối với vấn đề quản lý giá, điều hành giá, đây là lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính.
Hà Linh(tổng hợp)
Bình luận