Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký văn bản về việc cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH hàng không Tre Việt.
Theo đó, đồng ý đề nghị của Bộ Giao thông vận tải về việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH Hàng không Tre Việt.
Văn bản nêu rõ, Bộ Giao thông vận tải thực hiện cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH Hàng không Tre Việt trên cơ sở thẩm định các điều kiện theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả hoạt động vận chuyển của ngành hàng không, đảm bảo an ninh và an toàn hàng không, quốc phòng và an ninh quốc gia trong mọi tình huống.
Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 8/11 về việc cấp phép bay cho Bamboo Airways do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, với sự tham gia ý kiến của các bộ, ngành và địa phương liên quan: Giao thông Vận tải, Quốc phòng, Khoa học và công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tư pháp, Tài nguyên và môi trường, Tài chính, Công an, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…
Theo đó, việc cấp phép bay cho Bamboo Airways đã đạt được sự đồng thuận cao từ các đại diện bộ, ngành, địa phương tham dự.
“Thủ tướng đã đồng ý về chủ trương, giao Bộ Giao thông Vận tải xem xét, thẩm định và cấp phép bay cho hãng hàng không này”, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn đề nghị Thủ tướng xem xét, cho phép Bộ được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Bamboo Airways.
Trên cơ sở thẩm định, Bộ nhận thấy hồ sơ của Bamboo Airways đầy đủ, hợp lệ, đáp ứng các điều kiện về vốn, phương án đảm bảo có tàu bay khai thác, tổ chức bộ máy, phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm theo Nghị định 92, phù hợp với quy định về thương hiệu của hãng hàng không theo Nghị định 30.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đánh giá cao định hướng khai thác các đường bay phục vụ phát triển du lịch của Bamboo Airways, bao gồm các đường bay liên vùng kết nối các điểm du lịch của Việt Nam với nhau, với các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, cũng như với các quốc gia trong khu vực.
Định hướng này sẽ tạo thêm sản phẩm mới, thị trường mới, nâng cao tính cạnh tranh của thị trường và tăng lựa chọn cho hành khách, đồng thời phù hợp với quy hoạch doanh nghiệp hàng không đã được Thủ tướng phê duyệt.
Trước đó, Bamboo Airways đã nhận được quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư do Chính phủ công bố từ ngày 9/7 năm nay.
“Cùng với giấy phép KDVCHK được Chính phủ chấp thuận chủ trương trong ngày 8/11, mọi công đoạn cuối cùng chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên của hãng dự kiến vào cuối quý IV năm nay cũng đã hoàn tất”, ông Đặng Tất Thắng, Tổng Giám đốc Bamboo Airways cho biết.
Những chiếc máy bay đầu tiên thuộc dòng A319, A320 của Airbus đang được Bamboo Airways hoàn thiện các khâu thiết kế, lắp đặt cuối cùng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Phillipines, đã chuẩn bị sẵn sàng để có mặt tại Việt Nam. Kết quả bay thử (test flight) cũng cho thấy máy bay hoàn toàn đáp ứng các thông số kĩ thuật, sẵn sàng đi vào khai thác.
Dự kiến, Bamboo Airways sẽ đưa về Việt Nam ngay trong năm nay khoảng 20 máy bay và bổ sung thêm 20 – 30 chiếc trong năm 2019, để phục vụ các kế hoạch vận hành đã được đặt ra. Máy bay mới từ hai hợp đồng trị giá 8,8 tỷ USD ký kết với Airbus và Boeing dự kiến sẽ được bàn giao từ năm 2020.
Theo kế hoạch, hãng sẽ khai thác khoảng 100 đường bay kết nối tất cả các thành phố lớn và điểm đến du lịch nổi tiếng tại Việt Nam và quốc tế. Các tuyến bay nội địa đầu tiên dự kiến sẽ là các tuyến Hà Nội – Quy Nhơn, Hà Nội – Đồng Hới, TP.HCM – Quy Nhơn, Hà Nội – TP.HCM, TP.HCM – Vân Đồn… với mục tiêu giảm áp lực cho cơ sở hạ tầng hàng không tại các thành phố lớn, đồng thời tăng cường liên kết vùng, nâng tầm du lịch Việt Nam trên bản đồ quốc tế.
Bình luận