(VTC News) – Tết năm nay, lần đầu tiên người dân một thôn trung du rừng cọ đồi chè Phú Thọ được tân mắt nhìn thấy cành đào Nhật Tân được mang về từ Hà Nội…
Nghỉ Tết nguyên đán, anh Lê Đình Phương – sinh viên vừa tốt nghiệp Học viện Báo chí Tuyên truyền Hà Nội dành số tiền ít ỏi được thưởng Tết khi làm cộng tác viên một tờ báo tại Hà Nội để mua cành đào Nhật Tân, bọc gói cẩn thận rồi chở xe máy vượt hơn 100km về quê nhà.
Đào Nhật Tân bừng sắc hồng đón năm mới ở vùng quê trung du .
Nhà anh Phương nằm trong xóm trung du tại khu 8 (thôn Trung Nguyên, xã Động Lâm, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ). Xóm nhỏ của anh nằm heo hút, mỗi nhà chơ vơ trên một quả đồi, tứ bề là rừng cọ đồi chè xanh ngắt, cành đào anh Phương mang về quê như một “sắc lạ”, hồng rực giữa màu xanh cây cỏ, màu xám của những nếp nhà gỗ mái lá bạc màu, bỗng dưng cành đào Nhật Tân Hà Nội thành tâm điểm của những người dân trong thôn.
Theo anh Phương, lâu nay mỗi dịp Tết đến bà con ở đây không có thói quen chơi hoa đào cây cảnh, nhất là đào Nhật Tân tận Hà Nội thì hầu như chưa nghe nói ai mua về chơi Tết. Do điều kiện kinh tế còn khó khăn, đào từ Hà Nội cũng chưa về được đến vùng này, ngày Tết bà con nếu có chơi hoa thì chỉ tự chặt cành mơ, cành mận trắng về cắm trong nhà, hoặc lên chơ mua vài bông cúc, bông hồng về cắm lọ để trang trí.
Cả thôn có khoảng 105 hộ dân, trong đó đa số làm nghề nông, số gia đình khá giả chỉ chiếm 3,6% và có khoảng 20 gia đình có con cái thoát ly ra khỏi lũy tre làng. Chợ cũng cách xa nhà anh Phương gần 7km, chủ yếu bán đồ rau, củ, quả và thịt. Lặn lội ra chợ hôm nay (28 Tết), anh Phương không thấy có hoa đào bán, chỉ có lác đác vài cây quất nhỏ và một hàng bán hoa. Theo anh Phương, mọi năm thời tiết thuận lợi thì có lác đác vài cành đào rừng người dân chặt về bán trên chợ, năm nay mưa phùn gió rét, mọi người đi chợ chỉ mua vội vàng nhu yếu phẩm ăn Tết vì kinh tế “eo hẹp quá!”. Do đó, ăn Tết năm nay hầu hết các gia đình tự cung tự cấp là chính.
Cành đào được anh Phương (áo kẻ) di chuyển ra sân cho bà con trong thôn dễ "chiêm ngưỡng".
Hôm nay nhà anh Phương ngả con lợn ra thịt, 4-5 hộ chung nhau bỏ tiền mua con lợn mổ chia đều và cùng nấu bữa ăn chung gọi là bữa tất niên. Có cành đào anh Phương mang về từ Hà Nội, không khí ngày cuối năm thêm phấn khởi, tươi sáng, câu chuyện về hoa đào xôn xao nhộn nhịp một góc thôn.
Bà con trong thôn nhiều người chưa “tận mục sở thị” đào Nhật Tân bao giờ nên đến chiêm ngưỡng, sờ tận tay, ngắm tận mắt những bông đào nở bung hồng rực, ai cũng trầm trồ khen hoa đẹp, xuýt xoa khen anh Phương “chịu chơi”, có cậu bạn còn đùa là “ghen tỵ” khi nhà anh Phương duy nhất xóm có hoa đào Hà Nội đón Tết.
Thích thì thích đào thật đấy, nhưng khi biết giá cây đào anh Phương mua về 150 nghìn đồng, ai cũng lắc đầu bảo, tốn tiền lắm, không theo thú chơi đó được, tiền đó để ra giêng thuê máy cày bừa ruộng cho đỡ mệt. Một số gia đình khá giả cũng bảo muốn chơi đào cho có không khí Tết nhưng gần nhất cũng phải đi lên tận TP Yên Bái cách thôn hơn chục km “ngại lắm”.
Niềm vui ngắm hoa đào đón năm mới không chỉ trong gia đình anh Phương mà còn "lây" tới bà con thôn xóm.
Chính vì thế, theo anh Phương, mọi người đùa năm nay gia đình anh “oách” nhất thôn, là gia đình đầu tiên chơi hoa đào Nhật Tân Hà Nội đón Tết. Anh bảo, nhìn bà con thôn xóm đến xem hoa trầm trồ, nhìn mẹ anh tần tảo cả năm giờ khuôn mặt mới thư giãn khi ngắm cành đào hồng tươi để trang trọng giữa sân nhà, nghĩ đến người cha mới khuất núi năm ngoái không có điều kiện ngắm hoa đào dịp Tết – anh thấy trong lòng lâng lâng khó tả.
Chỉ một cành đào xuân mà làm cho câu chuyện thôn trung du với rừng cọ đồi chè còn nghèo khó của anh Phương thêm rôm rả ngày cuối năm, làm cho lòng người được thư thái, phấn khởi – với anh Phương đó là niềm vui, niềm hạnh phúc và ấm áp mà không dễ gì có được trong thời điểm giao thoa năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến này.
Kiều Minh - Ảnh: Hà Vi
Bình luận