Theo BS CKII Nguyễn Khắc Lợi – Giám đốc Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, hiến hóa học là phương pháp cho uống hoặc tiêm 1 loại hormone kháng hormone sinh dục nam (testosterone) khiến nồng độ testosterone trong cơ thể người nam giới xuống mức thấp.
Việc này có tác dụng làm giảm nhu cầu tình dục của đàn ông xuống mức thấp nhất, ngay cả về suy nghĩ tình dục cũng biến mất.
Tuy nhiên, theo BS Lợi, thuốc không có tác dụng vĩnh viễn, mà người thiến hóa học sẽ phải tiêm thuốc hàng tháng. Sau khi ngưng sử dụng thuốc, người thiến hóa học vẫn có thể tìm lại bản năng tình dục của mình.
Nhờ có tác dụng như vậy, mà nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng thiến hóa học để áp dụng cho các tội phạm về xâm hại trẻ em như 1 số bang của Mỹ, Indonesia và Hàn Quốc…
Tại Việt Nam, theo các chuyên gia, thiến hoá học là vấn đề khá tế nhị, liên quan tới nhân quyền con người. Do vậy, để thực hiện phải được pháp luật nhà nước cho phép.
BS Lợi cho biết, người bị thiến hóa học có nguy cơ gặp phải một số tác dụng phụ như mất hoàn toàn khả năng tình dục, ngực đau, ngực phát triển to hơn bình thường, giảm cân, bốc hỏa, mệt mỏi và giảm cholesterol tốt trong cơ thể… Do vậy, phải thật cân nhắc khi sử dụng.
Ngày 27/5, tại kỳ họp Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) đề xuất “thiến hóa học”, công khai danh tính và cho lao động công ích đối với tội phạm xâm hại trẻ em.
Hình thức xử lý này được nhiều quốc gia áp dụng. Người chịu hình phạt sẽ được tiêm chất kháng testosterone khiến nồng độ testosterone xuống mức thấp, thậm chí tới mức dưới tuổi dậy thì để làm suy giảm nhu cầu tình dục. Đại biểu này cho biết, khi biện pháp này được đưa vào thực hiện sẽ mang lại hiệu quả về tính răn đe tội phạm và đảm bảo an toàn cho trẻ em trước những vụ xâm hại.
Báo cáo về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật phòng chống xâm hại trẻ em, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết từ năm 2015 đến 2019, cả nước phát hiện, xử lý về hình sự và hành chính 8.442 vụ xâm hại trẻ em với số nạn nhân là 8.709.
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2019 số trẻ bị xâm hại tăng đột biến với con số 1.400, gần bằng 80% số lượng trẻ em bị xâm hại trong cả năm 2018 (1.779 trẻ). Với số liệu này, tính trung bình cứ 1 ngày lại có 7 trẻ em bị xâm hại trên phạm vi cả nước.
Bình luận