TS ra khỏi phòng thi môn Địa lý |
Tại Hà Nội, lác đác mới có thí sinh ra khỏi hội đồng thi trước khi hết giờ làm bài, tầm 10 phút. Còn lại, hầu hết phải tận dụng tối đa thời gian để làm bài.
Các học sinh nhận định, năm nay, câu số 1 khá khó. Nhiều bạn phải để câu 1 làm sau cùng, dành thời gian làm trước 4 câu còn lại.
Theo ghi nhận của PV VTC News, sau khi kết thúc bài thi môn Địa lý, nhiều thí sinh tại hội đồng thi trường THPT Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội) tỏ ra khá căng thẳng.
Theo nhận xét của nhiều thí sinh, đề thi tốt nghiệp THPT môn Địa lý năm nay tương đối dài nhưng đề ra vừa sức. Trong đó, hầu hết các thí sinh đều chung nhận xét câu 1 của đề thi tương đối khó.
Thí sinh Trọng Giáp (THPT Đào Duy Từ) cho biết, đề thi năm nay khá dài trong đó câu 1 khiến nhiều thí sinh dự thi khối tự nhiên phải “lắc đầu”.
Đề thi tốt nghiệp THPT 2012 môn địa lý
Câu 1 ra như sau : “Trình bày đặc điểm khí hậu và đất của đai nhiệt đới gió mùa nước ta. Tại sao độ cao của đai nhiệt đới gió mùa ở miền Bắc thấp hơn ở miền Nam?”
Tuy nhiên, theo Trọng Giáp thì các câu còn lại đều có thể dùng Atlat địa lý Việt Nam và kiến thức thực tế để phân tích cũng có được điểm tối đa. Giáp cho biết, với đề thi này cậu có thể đạt 6 điểm.
Cũng cùng suy nghĩ này, Thu Hà (THPT Nhân Chính) cho biết, câu 1 của đề thi đòi hỏi phải có một sự vận dụng kiến thức cả lý thuyết và kiến thức phân tích được từ Atlat mới mong kiếm được điểm cao.
Thu Hà cũng chia sẻ các câu còn lại chủ yếu dựa vào Atlat địa lý Việt Nam là có thể đạt điểm tối đa vì yêu cầu của đề bài khá rõ ràng.
Chia sẻ với VTC News, một giáo viên dạy địa lý lâu năm cho biết : “Đề thi địa lý tốt nghiệp THPT năm nay ra khá hay, bám sát chương trình học của học sinh. Đặc biệt, đề thi này đảm bảo phân loại được thí sinh nhờ câu 1.
Các câu còn lại đề ra rất cụ thể trên cơ sở kỹ năng đọc Atlat và không đòi hỏi thí sinh phải học thuộc nhiều. Với đề thi như thế này, các học sinh trung bình khá cũng có thể dễ dàng đạt từ 6-8 điểm”.
Tại Huế, có mặt tại các hội đồng thi Trường THPT Quốc Học, THPT Hai Bà Trưng đến hội đồng thi Trường Cao đẳng Sư phạm Huế, Trường THCS Nguyễn Chí Diểu hay Trường Tiểu học Quang Trung, theo ghi nhận của PV, kết thúc giờ làm bài thi, thí sinh đều chung nhận định: “Đề địa lý không khó nhưng khá dài nên nhiều bạn không hoàn thành kịp đề thi!”.HS túm tụm trao đổi về đề thi Địa lý tại Huế
Thí sinh Hồ Thị Ngàn, lớp 12B Trường THPT Nội trú Thừa Thiên – Huế dự thi tại hội đồng Trường Cao đẳng Sư Phạm Huế, bộc bạch: “Dù đã nỗ lực rất nhiều nhưng em vẫn không thể nào hoàn thành hết bài làm”.
Còn thí sinh Thu Thắm đến từ Trường THPT Phong Điền (huyện Phong Điền) dự thi tại hội đồng Trường Tiểu học Quang Trung, nhận định: “So với đề thi địa lý năm ngoái đề thi năm nay nội dung bài thi yêu cầu có vẻ dài, khó hơn. Bạn nào thực sự có lực học từ loại khá trở lên may ra mới hoàn thành hết yêu cầu bài thi. Riêng bản thân em, thì hoàn thành được 70-80% khối lượng đề yêu cầu”.
Đề thi môn địa lý tốt nghiệp THPT 2012 lần này được đánh giá là khá hay, mang tính chất thời sự rất cao. Đề thi đã đề cập 2 vấn đề đang khá “nóng” đang diễn ra trong xã hội.
Vấn đề thứ nhất, bài thi đã đề cấp đến tình hình “Đánh bắt thủy hải sản xa bờ có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng (câu 2, ý 2 phần chung)”, giúp cho ý thức của thí sinh về vai trò biển đảo sẽ được nâng lên, kiến thức về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng sẽ được mở mang.
Vấn đề thứ 2 là về kinh tế khi đề thi đề cập đến khá nhiều về đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội các vùng miền ở nước ta.
Thí sinh cùng chung nhận định đề thi dài, khó khi kết thúc môn thi Địa lý Thí sinh lo lắng dò lại bài sau khi kết thúc môn thi
Còn tại TP.HCM, ghi nhận của VTC News cho thấy, các thí sinh thi ở các hội đồng Nguyễn Thị Minh Khai, Marie Curie (Q.3) đều nói rằng đề thi Địa lý không khó nhưng khá dài. Thí sinh Nguyễn Việt Hoài (HS trường Marie Curie, Q.3) đã nói rằng: So với 2 môn Văn và Hóa thì Địa là môn khó nhất.
Theo thí sinh này, đề thi môn Địa nằm rải rác ở kiến thức nhiều lĩnh vực. “Nếu bạn nào có kiến thức thực tế về Địa lý nước ta thì em nghĩ sẽ làm bài tốt” – Hoài chia sẻ.
Thúy Vy (HS trường THPT Lê Qúy Đôn, Q.3) lại dự đoán mình chỉ có thể đạt được khoảng từ 6 đến 7 điểm vì có nhiều ý mình quên, làm không hết nên có thể bị trừ điểm. Dù vậy, Vy vẫn nói đề thi môn Địa này hay vì đòi hỏi thí sinh không chỉ học thuộc bài, mà còn cần phải có 1 kiến thức tổng quát bên ngoài.
Còn đối với môn Địa của các HS thi khối bổ túc, các thí sinh thuộc các điểm thi nhận xét đề thi khá vừa sức. Các HS có mức học trung bình là đều có thể vượt qua đề thi này một cách dễ dàng với điểm 7, 8.
Phạm Thịnh - Sơn Nguyễn
Bình luận