• Zalo

Thế giới kỳ vọng vào thuốc điều trị Ebola

Thế giới Thứ Tư, 27/08/2014 03:24:00 +07:00Google News

Những trường hợp đầu tiên nhiễm virus Ebola được điều trị khỏi với thuốc ZMapp của Mỹ, đã mở ra những hy vọng cho các nước Tây Phi.

Những trường hợp đầu tiên nhiễm virus Ebola được điều trị khỏi với thuốc ZMapp của Mỹ, đã mở ra những hy vọng cho các nước Tây Phi.

4 nước Tây Phi là Guinea, Sierra Leone, Liberia và Nigeria đang chứng kiến sự bùng phát dịch Ebola tồi tệ nhất trong lịch sử. Số người nhiễm mới và tử vong vì Ebola tăng lên từng ngày và Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo dịch bệnh vượt khỏi tầm kiểm soát.
Các bác sĩ ở Liberia điều trị cho các nạn nhân nhiễm Ebola (ảnh: Getty Images) 

Dịch Ebola bùng phát tại khu vực Tây Phi từ tháng 3 đến nay đã cướp đi sinh mạng của gần 1.500 người và hơn 2.600 ca nhiễm bệnh. Trước diễn biến dịch bệnh tồi tệ, với sự lây nhiễm dễ dàng virus Ebola và tỷ lệ tử vong cao, đã khiến các nước đưa vào sử dụng một loại thuốc mới trong giai đoạn thử nghiệm có tên Zmapp của Mỹ.
2 bác sĩ người Mỹ nhiễm Ebola đã phục hồi hoàn toàn và được xuất viện sau khi sử dụng Zmapp là tín hiệu đáng mừng với các nước vùng dịch. Song đây mới là loại thuốc thử nghiệm và vẫn có những trường hợp điều trị thất bại.
Dù vậy, các nước vẫn đang nhen nhóm hy vọng với loại thuốc này. Mới nhất, là trường hợp bệnh nhân người Anh đầu tiên bị nhiễm Ebola tại Sierra Leone đang được điều trị bằng Zmapp.
Trong khi đó, Nhật Bản mới đây cũng tuyên bố sẵn sàng cung cấp thuốc điều trị thử nghiệm Ebola. Loại thuốc có tên thương mại Avigan của Nhật Bản, đã được nước này công nhận có tác dụng kháng virus cúm và đang thử nghiệm lâm sàng tại Mỹ.
Nhật Bản khẳng định sẽ cung cấp thuốc nếu được Tổ chức Y tế Thế giới yêu cầu hoặc cung cấp trong trường hợp khẩn cấp. Đến nay, chưa có bất kỳ phương thuốc đặc trị hay vaccine phòng ngừa nào với virus Ebola. Do đó, những loại thuốc thử nghiệm này vẫn là hy vọng duy nhất cho người bệnh.
Trong khi đó, các chuyên gia y tế thế giới đã lý giải tại sao dịch Ebola lại bùng phát nhanh chóng, cũng như những tác động nghiêm trọng của dịch bệnh tại khu vực Tây Phi.
Theo đó, giới chuyên gia kêu gọi những hỗ trợ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế nhằm giúp cải thiện hệ thống y tế tại các nước Tây Phi vì đối phó với dịch Ebola sẽ là một cuộc chiến lâu dài.
Giáo sư Steve Monroe, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ tại khu vực Atlanta nói: “Điều đặc biệt lo ngại tại các nước Tây Phi chính là hệ thống chăm sóc y tế nghèo nàn, khiến họ không đủ khả năng đối phó với dịch Ebola.
“Điều mà chúng tôi lo ngại lúc này là việc người dân các nước vùng dịch Ebola sẽ không được chăm sóc y tế đầy đủ”, ông Monroe cho biết. “Họ có thể gặp nguy hiểm với những dịch bệnh thông thường như sốt rét, thậm chí phụ nữ sinh con và trẻ em sẽ không tiếp cận được với hệ thống y tế, vốn đang quá tải vì dịch Ebola”.
Các chuyên gia khẳng định, sự chăm sóc y tế tốt chính là biện pháp điều trị dịch Ebola hiệu quả nhất. Nhiều nước trên thế giới đã chọn giải pháp “phòng bệnh hơn chữa bệnh” để ngăn chặn dịch Ebola. Cộng hòa dân chủ Congo đầu tuần qua đã chuẩn bị nhiệt kế laser và những trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế của mình, để sẵn sàng đối phó nếu dịch Ebola bùng phát tại nước này.
Trước đó, Cộng hòa dân chủ Congo tuyên bố dịch Ebola đã bùng phát ở vùng Djera, thuộc tỉnh miền Tây Bắc Equateur sau khi 2 trong số 8 bệnh nhân đã tử vong vì nhiễm virus này.
Tuy nhiên, các quan chức y tế của Cộng hòa Dân chủ Congo cho rằng, dịch Ebola ở đây có thể không liên quan đến đại dịch đang hoành hành ở các nước Tây Phi.
Bộ trưởng Y tế Cộng hòa Dân chủ Congo Felix Kabange nói: “Các trang thiết bị y tế là một trong các biện pháp của chúng tôi để bảo vệ các nhân viên y tế, là những người sẽ trực tiếp tham gia vào nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Thiết bị nhiệt kế laser sẽ giúp các nhân viên y tế không phải tiếp xúc trực tiếp với người bệnh để kiểm tra xem họ có bị sốt hay không”
Giới chức y tế Sao Paulo, thành phố lớn nhất tại Brazil cũng triển khai những biện pháp ngăn chặn nguy cơ dịch Ebola bùng phát tới đây. Viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm Emilia Ribas tại Sao Paulo khẳng định những nỗ lực và vai trò tiên phong của mình tại Brazil để đối phó dịch bệnh.
Giáo sư Carlos Pereira tại Viện Emilia Ribas nói: “Nói không có khả năng dịch Ebola lây lan tới Brazil là không đúng. Những biện pháp mà Brazil thực hiện không chỉ giúp phát hiện người nhiễm bệnh, mà còn bao gồm những giải pháp đối phó ngay lập tức”.

Theo VOV
Bình luận
vtcnews.vn