• Zalo

Thế giới 24h: Lộ máy bay chiến đấu mới của Trung Quốc

Thế giớiThứ Tư, 19/09/2012 04:45:00 +07:00Google News

(VTC News) - Rò rỉ ảnh máy bay chiến đấu mới của Trung Quốc; Nhật thẩm vấn người ném bom khói vào lãnh sự Trung Quốc; phi cơ Mỹ không bị cấm bay ở Nhật;…

(VTC News) - Rò rỉ ảnh máy bay chiến đấu mới của Trung Quốc; Nhật thẩm vấn người ném bom khói vào lãnh sự Trung Quốc; phi cơ Mỹ không bị cấm bay ở Nhật;… là những tin đáng chú ý trong ngày 19/9.

Rò rỉ ảnh máy bay chiến đấu mới của Trung Quốc

Quân đội Trung Quốc vừa tiết lộ những tấm ảnh đầu tiên về máy bay chiến đấu mới hạng nhẹ. Đây là loại chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 có những đặc điểm bên ngoài mới.

Một số bức ảnh cho thấy, nó có thể được dùng trên các tàu sân bay trong tương lai của Trung Quốc.


Máy bay chiến đấu hạng nhẹ mới của Trung Quốc 

Tập đoàn công nghiệp hàng không Thẩm Dương (SAC), một trong những tập đoàn thiết kế và sản xuất máy bay hàng đầu trong ngành hàng không của Trung Quốc đã để lộ mẫu chiến đấu cơ hạng nhẹ mới, có thể trở thành máy bay tương đương chiếc F-35 của Mỹ.

Chiếc máy bay chiến đấu mới của Trung Quốc có những điểm tương đồng nhất định với chiếc F-35 Lightning II của hãng Lockheed Martin, Mỹ và thậm chí nó còn có tên mật mã là F-60.

Dù không có đặc tính nào của bản mẫu được tiết lộ nhưng có một điểm khác biệt cực lớn đó là: không giống máy bay tương đồng của Mỹ, chiếc F-60 của Trung Quốc có hai động cơ.

Philippines sẽ trục xuất khoảng 400 người nhập cư

Ngày 18/9, chính quyền Philippines cho biết sẽ trục xuất khoảng 400 người nhập cư bất hợp pháp từ Trung Quốc, bao gồm cả Đài Loan vì liên quan đến những vụ lừa đảo qua điện thoại và Internet.

Dự kiến trong ngày 19/9, 288 công dân Đài Loan sẽ bị trục xuất, còn 2 người vẫn bị giam giữ do bị buộc tội tấn công.

86 công dân Trung Quốc Đại lục và 1 công dân New Zealand, bị bắt tháng trước, cũng sẽ bị buộc hồi hương sau đó.

Những người tham gia lừa đảo Internet tại Philippines sẽ bị trục xuất 

Đại diện Cục Di Trú Antonetti Mangobang thông báo rằng những kẻ lửa đảo này sẽ bị khởi tố tại nước họ sau khi bị trục xuất.

Hôm 17/9, Văn phòng đại diện Đài Loan tại Manila đã kêu gọi phía Philippines cho các công dân của họ trở về do điều kiện giam giữ khắc nghiệt.

Ít nhất có một phạm nhân Đài Loan (Trung Quốc) đã chết và hàng chục người bị ốm trong nhà tù.

Nhật thẩm vấn người ném bom khói vào lãnh sự Trung Quốc

Cảnh sát Nhật Bản ngày 18/9 thông báo, một người đàn ông nước này đã bị bắt vì tội ném 2 quả bom khói vào Tòa lãnh sự Trung Quốc ở thành phố Fukuoka.

Yuya Fujita, 21 tuổi, nói với cảnh sát rằng anh ném bom khói để trả đũa việc người biểu tình Trung Quốc tấn công các lợi ích của Nhật trong những ngày qua.


Cảnh sát Nhật phong tỏa lãnh sự quán Trung Quốc ở Fukuoka 

Fujita, người tự nhận mình là công nhân xây dựng kiêm thành viên một nhóm chính trị, đã đầu thú sau sự kiện diễn ra trong đêm 17/9. Không ai bị thương trong vụ việc.

Căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã dâng cao do các cuộc biểu tình chống Nhật lan rộng tại Trung Quốc trong mấy ngày gần đây.

Ông Tập Cận Bình xuất hiện, Mỹ mời Trung Quốc tập trận?

Khi trở lại với công chúng sau 2 tuần 'biến mất' Phó chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vào hôm nay, thứ 4 (19/9).

Với sự có mặt của nhiều quan chức quân sự Trung Quốc, ông Tập đã bắt tay lãnh đạo cao nhất Lầu Năm Góc rất thân thiện trong cuộc gặp giữa 2 người tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

Liên quan đến căng thẳng Điếu Ngư/ Senkaku giữa Trung Quốc và Nhật Bản những ngày qua, Lầu Năm Góc lên tiếng trấn an rằng "hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Nhật sẽ không nhằm vào Bắc Kinh", Hoàn Cầu thời báo đưa tin.

Báo này cũng dẫn lời ông Leon Panetta về việc Mỹ ngỏ ý mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quânlớn nhất thế giới RIMPAC.

Trước đó, RIMPAC được cho là "sân chơi không dành cho Trung Quốc". Báo chí phương Tây nói, Mỹ và đồng minh vốn e ngại cách hành xử của Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp, do đó, việc mời Bắc Kinh tham gia là sự mạo hiểm.

Ông Tập Cận Bình (phải) bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trong cuộc gặp sáng nay (19/9) 

Trong hôm nay, Hoàn Cầu thời báo cũng tung loạt ảnh về cuộc tập trận giữa đặc nhiệm hải quân Mỹ và Trung Quốc ở vịnh Aden, động thái được báo này cho là sự xích lại gần nhau giữa hải quân hai nước.

Đây là cuộc gặp đầu tiên của ông Tập với một quan chức nước ngoài sau khi ông 'biến mất' trong 2 tuần và xuất hiện trở lại với công chúng vào cuối tuần trước, thời điểm rất nhạy cảm khi Trung Quốc chuẩn bị bước vào đại hội đảng.

Báo mạng Asiaone mô tả Phó chủ tịch Tập Cận Bình trông rất khỏe mạnh và thoải mái trong bộ vest màu tím than và chiếc cà vạt màu xanh nhạt.

Nhật điều tàu, máy bay chặn tàu Trung Quốc

Lực lượng tuần duyên Nhật đã cử 6 tàu tuần tra và 3 trực thăng đến xua đuổi các tàu hải giám đang tuần tiễu ở gần quần đảo Điếu Ngư (Nhật gọi là Senkaku).

Hôm 18/9, 12 tàu công vụ Trung Quốc gồm tàu ngư chính và tàu hải giám tuần tiễu trong vùng nước quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.


Tàu hải giám Trung Quốc ở vùng nước của Điếu Ngư/Senkaku  

Lực lượng tuần duyên Nhật đã phái 6 tàu tuần tra lần lượt mang số hiệu PL05, PL09, PL10, PL63, PL65, PL68 cùng máy bay JA002A, trực thăng JA9929, máy bay chống ngầm P-3C 5034 tới chặn đội tàu hải giám Trung Quốc đang di chuyển ở đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Trước đó, hơn 2.000 tàu cá từ tỉnh Chiết Giang, Phúc Kiến, Trung Quốc đã ra khơi sau khi lệnh cấm đánh cá mùa hè trên Biển Hoa Đông kết thúc.

Một nguồn tin Trung Quốc nói, hơn 1.000 tàu cá nước này sẽ đến đảo Điếu Ngư/Senkaku vào ngày 18/9.

Phi cơ Mỹ không bị cấm bay ở Nhật

Chính phủ Nhật hôm nay tuyên bố chiến đấu cơ phản lực lên thẳng MV-22 Osprey của Mỹ an toàn khi hoạt động nước này, bất chấp làn sóng phản đối của người dân.

Kyodo dẫn lời chính phủ Nhật cho biết cơ quan này không tìm thấy căn cứ của lập luận nào cho rằng chiếc máy bay này không an toàn khi hoạt động.

Theo Bloomberg, tuyên bố được Bộ trưởng Quốc phòng Satoshi Morimoto và Bộ trưởng Ngoại giao Koichiro Gemba cùng đưa ra, sau nhiều tháng thảo luận với chính quyền Obama về nguyên nhân của các vụ tai nạn liên quan đến loại máy bay này.

Chính phủ Nhật thông báo quyết định chỉ hai ngày sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta và cả hai bộ trưởng Nhật ở Tokyo.


Máy bay MV-22 Osprey hạ cánh 

Tokyo và Washington cũng vừa nhất trí về một loạt các biện pháp đảm bảo an toàn cho hoạt động của máy bay Osprey, trong đó có việc giới hạn độ cao đối với các chuyến bay tập huấn ở tầm thấp.

Nhà Trắng hồi tháng 7 đã gửi 12 máy bay loại này tới Nhật Bản, nhưng việc triển khai tới Okinawa bị trì hoãn do những cuộc biểu tình của người dân địa phương.

Việc triển khai máy bay vận tải Osprey có thể diễn ra vào tháng tới, ông Morimoto cho biết.

Nhật cân nhắc đại sứ mới ở Trung Quốc

Nhật Bản muốn gửi các nhà ngoại giao có vốn hiểu biết sâu rộng về Trung Quốc hoặc biết tiếng Trung sang Bắc Kinh, sau khi tân đại sứ Shinichi Nishimiya qua đời tuần trước.

Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng động thái này sẽ gửi đi một tín hiệu tích cực trong việc hàn gắn mối quan hệ Trung-Nhật vốn đang rạn nứt quanh tranh chấp nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.

"Việc bổ nhiệm đại sứ mới có quan điểm chống Trung mạnh mẽ sẽ chỉ đổ thêm dầu vào lửa cho mối quan hệ Trung-Nhật.

Cả hai nước đều đang cố gắng tránh làm leo thang căng thẳng", China Daily dẫn lời ông Shen Shishun, chuyên gia về châu Á-Thái Bình dương thuộc đại học Kinh tế ở tỉnh Hải Nam nói.

Cố đại sứ Shinichi Nishimiya, người được bổ nhiệm thay thế đại sứ tiền nhiệm Uichiro Niwa cách đây không lâu, vừa qua đời hôm 16/9.

Những đại sứ mới tiềm năng sẽ được chọn từ đội ngũ ngoại giao giàu kinh nghiệm ở Bộ Ngoại giao Nhật Bản.


Ông Yuji Miyamoto, từng là đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc 

Theo Kyodo, một số thành viên nội các Nhật Bản đang tiến cử ông Yuji Miyamoto, từng là đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc, đảm nhiệm lại trọng trách này.

Ông Miyamoto, người có công cải thiện quan hệ hai nước sau chuyến thăm gây phản đối của cựu thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi đến đền Yasukuni năm 2007, được đánh giá là lựa chọn khả quan nhất.

Ông Miyamoto, 66 tuổi, vào làm việc tại Bộ Ngoại giao Nhật Bản từ năm 1969, sau khi tốt nghiệp khoa Luật, đại học Kyoto. Từ năm 2006 đến 2010, ông là đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Nhật Bản tại Trung Quốc.

Ông là người dày dặn kinh nghiệm trong các vấn đề liên quan đến Trung Quốc và là một trong những chính trị gia Tokyo thân thiết với Bắc Kinh.

Đỗ Hường (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn