Kết quả bước đầu
Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) được Thủ tướng phê duyệt ngày 6/1/2022, là hợp phần quan trọng, mang tính đột phá, thúc đẩy sự thành công của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.
Thiếu tá Trần Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu dân cư quốc gia cho biết, tính đến tháng 5/2023, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành (13 đơn vị bộ/ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước) và 63 địa phương, góp phần giảm chi phí hành chính cho người dân hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Với quy mô dân số ghi nhận trên hệ thống đạt 104 triệu dân, tính đến trung tuần tháng 5/2023, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã xử lý hơn 935 triệu nhu cầu chứng minh về nhân thân để phục vụ việc làm sạch dữ liệu đã được lưu trữ, dữ liệu phát sinh mới trong các giao dịch hành chính công của người dân với các cơ quan hành chính, sự nghiệp của các bộ/ngành, địa phương, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính (người dân không còn phải xuất trình và nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ về nhân thân).
Về hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, Bộ Công an xây dựng theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiện đại từ Trung ương tới các địa phương và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bên cạnh phương thức cấp căn cước công dân truyền thống, Bộ Công an còn triển khai các dịch vụ công trực tuyến về cấp căn cước công dân, cấp giấy xác nhận số chứng minh nhân dân, cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử.
“Đến nay, Bộ Công an đã cấp trên 80 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử. Việc này có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, góp phần cải cách hành chính phục vụ nhân dân”, Thiếu tá Trần Duy Hiển nhấn mạnh.
Dựa trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Bộ Công an đã xây dựng thành công hệ thống định danh và xác thực điện tử làm nền tảng cho việc thiết lập và cung cấp thành công dịch vụ công trực tuyến. Đến tháng 7/2023, Bộ Công an đã cấp 48 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân, vượt chỉ tiêu Thủ tướng giao.
Vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”
Bên cạnh những kết quả nêu trên, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu dân cư quốc gia cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc triển khai thực hiện Đề án 06 vẫn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc, có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu của năm 2023 và những năm tiếp theo của Đề án 06.
Điển hình như, một số người đứng đầu đơn vị, địa phương chưa nhận thức đúng, trúng, đầy đủ mục tiêu, ý nghĩa, lợi ích và quyết tâm của Đảng và Chính phủ đối với việc triển khai Đề án 06, nên chưa làm tốt vai trò thường trực, tham mưu với cấp ủy, chính quyền triển khai Đề án, chưa gương mẫu, đi đầu thực hiện Đề án.
Một số đơn vị có tinh thần quyết tâm chính trị cao, song lại không không xác định được đâu là nhiệm vụ của bộ/ngành, đâu là nhiệm vụ của địa phương. Do đó, việc triển khai còn rề rà, chờ chỉ đạo mới bắt đầu triển khai thực hiện.
Việc số hóa, lưu trữ, quản lý sử dụng dữ liệu phục vụ dịch vụ công trực tuyến tại nhiều địa phương còn lúng túng, việc số hóa mới dừng lại ở bước scan, chưa chuẩn hóa và đầu tư để thực hiện quy trình điện tử, hoặc đã số hóa dữ liệu nhưng chưa tạo lập được dữ liệu tập trung. Do đó, kể cả khi đã được chia sẻ, khai thác dữ liệu dân cư; nhiều. đơn vị vẫn yêu cầu người dân phải kê khai nhiều lần, làm giảm giá trị của dịch vụ công trực tuyến.
“Việc kết nối chia sẻ và tạo lập bộ dữ liệu dùng chung còn khó khăn, khiến người dân, doanh nghiệp không được các hưởng tiện ích từ dữ liệu dân cư trong giải quyết các thủ tục hành chính và dịch vụ công, không hình thành được Chính phủ số, công dân số”, Thiếu tá Trần Duy Hiển lưu ý.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án Đề án 06, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an nêu một loạt số liệu đáng quan ngại: Các bộ, ngành vẫn còn 808 thủ tục, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư chưa được cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Về hạ tầng công nghệ thông tin, còn 11 đơn vị chưa triển khai hệ thống, chỉ có 8/31 đơn vị đã được kiểm tra đánh giá, đảm bảo an ninh an toàn thông tin, chiếm tỷ lệ rất thấp là 25,1%.
Đặc biệt, tỉnh Bắc Kạn chưa hoàn thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất Cổng Dịch vụ công với Hệ thống Một cửa điện tử.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc chỉ rõ 4 “điểm nghẽn” của Đề án 06, gồm: Số hóa, tạo lập dữ liệu của ngành Tư pháp, Thương binh và Xã hội trên nền tảng dữ liệu dân cư để tiết kiệm chi phí; kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, đảm bảo an ninh tiền tệ; ứng dụng dữ liệu dân cư căn cước công dân, định danh điện tử để thúc đẩy chuyển đổi số cho 19 tập đoàn, tổng cổng ty; triển khai lý lịch tư pháp, sổ sức khỏe điện tử, sổ bảo hiểm xã hội số, tạo tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.
Những việc cần làm ngay
Để khắc phục những “điểm nghẽn”, sớm phát huy hiệu quả tối đa của Đề án 06 góp phần chuyển đổi số thành công, tháng 9/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang có ý kiến chỉ đạo về những việc cần làm của các bộ, ngành, địa phương.
Trong đó, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất giải pháp bổ sung thông tin địa chỉ số quốc gia vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tích hợp tài khoản định danh điện tử cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp với hệ thống sàn giao dịch bất động sản quốc gia, hệ thống Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, ngân hàng; khai báo địa chỉ số của cá nhân, tổ chức trên VNeID bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 30/11/2023.
Bộ Công an chủ trì, làm việc với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nghiên cứu, đề xuất giải pháp tích hợp tiện ích sổ Bảo hiểm Xã hội trên ứng dụng VNeID, bảo đảm hiệu quả, không chồng chéo, lãng phí.
Bộ Tư pháp bố trí hạ tầng công nghệ thông tin để tối ưu hóa hệ thống đăng ký quản lý hộ tịch điện tử dùng chung, đảm bảo hiệu quả trong thực hiện các thủ tục hành chính liên thông "Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi"; "Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí"; khắc phục tình trạng hồ sơ đang ở trạng thái mới đăng ký, chưa đồng bộ về hệ thống cho cán bộ tiếp nhận và xử lý hồ sơ.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an bảo đảm hệ thống phần mềm của Cục Bảo trợ xã hội và Cục Người có công kết nối với Phần mềm Dịch vụ công liên thông hoạt động thông suốt đến cấp xã; đồng bộ toàn bộ kết quả xử lý hồ sơ liên thông để phục vụ công tác thống kê, báo cáo đối với 2 dịch vụ công liên thông.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất giải pháp tổng hợp thông tin người lao động và giao dịch việc làm gắn với ứng dụng VNeID.
Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban chứng khoán nhà nước, Sở Giao dịch và Tổng Công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thực hiện rà soát, xác thực, làm sạch dữ liệu thông tin về người tham gia giao dịch chứng khoán (trong đó có thông tin người thân tham gia giao dịch chứng khoán).
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công an tổ chức hướng dẫn các cơ sở y tế và người dân sử dụng thông tin sổ sức khỏe điện tử trên VNeID.
Văn phòng Chính phủ đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc tái cấu trúc quy trình thủ tục và tích hợp cung cấp 53 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, bảo đảm vận hành thông suốt.
Khi những “điểm nghẽn” được khai thông, Đề án 06 sẽ xây dựng nên một hệ sinh thái tiện ích cho người dân trên mọi lĩnh vực như: dịch vụ công, dịch vụ thương mại điện tử…, tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển công dân số, hướng tới Chính phủ số.
Bình luận