Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TW, cho biết, trong tháng 6, các tỉnh miền Bắc chịu ảnh hưởng của khoảng 3 - 4 đợt mưa vừa, mưa to; đan xen với các đợt mưa này là 2 - 3 đợt nắng nóng, trong đó, các tỉnh miền Trung sẽ phải chịu cường độ nắng nóng gay gắt nhất trong khi lại rất ít mưa.
Miền Trung có mưa nhưng chưa hết khát
Tại các tỉnh phía Bắc, lượng mưa trong tháng này phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, với chuẩn sai lượng mưa tháng cao hơn từ 20 - 30% so với mọi năm. Nền nhiệt độ trung bình tháng phổ biến ở mức xấp xỉ với trung bình nhiều năm, với chuẩn sai nhiệt độ trung bình tháng dao động trong khoảng từ -0,5 đến 0,5oC.
Người dân đổ xô ra bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng) để tránh nóng trong đợt nắng nóng cuối tháng 5/2013.
Tại các tỉnh miền Trung, nền nhiệt độ phổ biến ở mức xấp xỉ với trung bình nhiều năm, với chuẩn sai nhiệt độ trung bình tháng dao động trong khoảng từ -0,5 đến 0,5oC. Tuy nhiên, các đợt nắng nóng này không kéo dài và tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung.
Theo ông Tăng, trong khi khu vực phía Bắc liên tiếp đón nhận các trận mưa lớn thì miền Trung lại rất ít mưa. Lượng mưa ít ỏi trong tháng 6 chưa thể giúp khu vực này cải thiện được tình trạng thiếu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Theo đó, tình trạng hạn hán tại các tỉnh miền Trung, đặc biệt là miền Nam vẫn còn tiếp diễn đến tận cuối tháng 7.
Từ tháng này, gió mùa Tây Nam bắt đầu ổn định và hoạt động ở mức độ trung bình đến mạnh trên khu vực Tây Nguyên và phía Nam. Do vậy, lượng mưa tháng 6 ở khu vực này có khả năng ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm, với chuẩn sai lượng mưa tháng cao hơn từ 20 đến 50%. Theo ông Tăng, tình trạng thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt tại khu vực Tây Nguyên hiện không còn căng thẳng như các tháng trước.
Nhiều hồ thủy lợi, thủy điện thiếu nước
Tính đến đầu tháng 6, lượng dòng chảy trên phần lớn các sông chính ở miền Trung, Tây Nguyên thiếu hụt so với nhiều năm từ 6,5 - 66%. Hiện phần lớn các hồ chứa thủy lợi ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi đều đạt 65 - 88% dung tích thiết kế. Riêng một số hồ như Hội Sơn, Vạn Hội (Bình Định), Suối Trầu, Suối Hành (Khánh Hòa), Sông Trâu, Đu Đủ (Bình Thuận), Đắc Uy (Kon Tum) chỉ còn từ 0 - 21% dung tích thiết kế. Mực nước tại các hồ thủy điện lớn cũng thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 1 - 17 m, riêng hồ Cửa Đạt (Thanh Hóa) thấp hơn đến gần 29 m.
Trong tháng này, mực nước các sông ở phía Bắc, miền Trung và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 1 - 2 đợt lũ vừa và nhỏ. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long lên dần và đạt mức cao nhất vào nửa cuối tháng. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long dao động theo triều và có xu hướng lên dần. Nhờ vậy, xâm nhập mặn trên các sông ở phía Nam đã giảm so với tháng trước và độ mặn dao động từ 2 - 7‰.
Theo Báo Tin tức
Bình luận