• Zalo

Tết theo lịch dương, nhà báo Nguyễn Lưu 'hoan nghênh'

Thời sựThứ Năm, 17/01/2013 06:36:00 +07:00Google News

(VTC News)-Tình yêu và lòng dũng cảm đối với truyền thống văn hóa dân tộc cũng cần phải đặt đúng chỗ, xin hoan nghênh cách nhìn mới mẻ của GS Võ Tòng Xuân.

(VTC News) "Tình yêu và lòng dũng cảm đối với truyền thống văn hóa dân tộc cũng cần phải đặt đúng chỗ, xin được hoan nghênh cách nhìn mới mẻ của GS Võ Tòng Xuân", nhà báo Nguyễn Lưu khảng khái nói.

Nhà báo Nguyễn Lưu
Chia sẻ quan điểm "đón tết cố truyền theo dương lịch" của GS Võ Tòng Xuân, nhà báo Nguyễn Lưu viết: Bất chợt nghe lao xao chuyện tết âm tết dương, đại khái nên chăng dân ta ăn theo tết Tây? Quả là một đề tài lý thú trong khung cảnh đất nước ta đang hội nhập tích cực vào một thế giới ngày càng “phẳng”. 
Và tất nhiên tôi cũng kịp đọc được một số suy nghĩ thật sự nghiêm túc của nhiều người, đại thể chia ra làm hai xu hướng, nên và chưa nên. 
Tôi tôn trọng sự lo lắng của những người thuộc xu hướng chưa nên, cũng phải, có thể các bạn ấy đã dũng cảm bảo vệ truyền thống và lo chúng ta sẽ bị “hòa tan” nếu ăn tết dương lịch thay tết âm lịch như lâu nay. Tuy thế, xin được nêu ý kiến cá nhân về điều này.

Trên thế giới, việc vui tết dương đang ngày càng được toàn cầu hóa liệu có chứa sự khác biệt về văn hóa không? Tất nhiên là có, tuy nhiên sự khác biệt này không thể làm triệt tiêu thứ văn hóa truyền thống của mỗi nước.

Đâu chỉ mỗi Việt Nam mà ai cũng có thể chỉ ra thật nhiều dân tộc có những truyền thống văn hóa độc đáo chẳng kém gì chúng ta, song họ đã tự nguyện vui tết dương mà chẳng cao giọng cho rằng dân tộc mình bị xâm lăng văn hóa, theo một cách hiểu.

Ai cũng biết nói nôm na thì âm lịch là lịch mặt trăng và dương lịch là lịch mặt trời, lịch mặt trăng chứa đựng yếu tố thuần nông và điều ngược lại là dành cho lịch mặt trời, hằng năm không có khái niệm nhuận.

Thế nên sự khác biệt này chừng mực nào đã mang nét dị biệt cho nên thế giới chỉ tồn tại vỏn vẹn mấy quốc gia vẫn giữ tết âm, chỉ điều này cho thấy Việt Nam có thể từng bước thoát ra khỏi thứ ốc đảo khi vui tết kiểu này. Bài học từ Nhật bản chẳng đã cho ta thấy rõ cái lợi nhỡn tiền của thái độ hội nhập đó sao?

Cũng đã từ lâu, cộng đồng tín đồ thiên chúa giáo đã vui tết Giáng sinh và dịp vui ấy đã tiếp nhận sự hòa đồng của cộng đồng người Việt, thế nên tôi chia sẻ suy nghĩ của một số bạn trẻ, theo đó chúng ta chẳng cần quan tâm đến cái gọi là Văn hóa Giáng sinh làm gì.

 

Đổi mới cách vui tết sẽ không phải là đánh mất truyền thống. Vì thế, tình yêu và lòng dũng cảm đối với truyền thống văn hóa dân tộc cũng cần phải đặt đúng chỗ.

Nhà báo Nguyễn Lưu
 
Đi cùng nhân loại trong ngày vui đón chào năm mới không có nghĩa là phủ nhận những giá trị tích cực của tết âm lịch. Cần hiểu như vậy đế tránh sự lên gân nào đó hoặc giả là sự cố chấp khi đề cập sự thối lui theo nghĩa hẹp của văn hóa cổ truyền nếu chúng ta đến một thay đổi bằng cách tiệm tiến đến thói quen mới là vui tết dương lịch.

Tôi cũng đọc đâu đó những kiến giải đa dạng, tựu trung bày tỏ sự lo lắng nếu quá nhanh chóng dương lịch hóa ngày tết của người Việt mình, kể cả những luận điểm chuẩn xác của các nhà sử học hay chuyên gia kinh tế.

Để bảo vệ một quan điểm, người ta có thể viện dẫn hàng mớ lý luận và các thứ có liên quan, tuy nhiên những điều đó sẽ không thực sự thuyết phục nếu ta đem so sánh lợi ích kinh tế trước và sau khi chuyển tết âm lịch qua dương lịch.

Cái đáng bỏ thì cần bỏ, bởi truyền thống văn hóa hay cái gì đó cũng như con đường mà thôi, Lỗ Tấn bảo trên trái đất làm gì có đường…duy có điều sự chuyển đổi này là chuyện lớn, cần hết sức thận trọng, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và vào cuộc của thật nhiều bên, trong đó có thái độ của quần chúng và của dư luận xã hội.

Quả thực, khi xưa chúng ta vẫn ngâm nga “tháng Giêng là tháng ăn chơi” và xem đó là thói quen ngày Tết dân tộc, thì nay thói quen ấy xem ra đã lỗi thời vì gây lãng phí về thời gian và tiền bạc, không phù hợp với xu thế chung của một xã hội công nghiệp hóa.

Đổi mới cách vui tết sẽ không phải là đánh mất truyền thống. Vì thế, tình yêu và lòng dũng cảm đối với truyền thống văn hóa dân tộc cũng cần phải đặt đúng chỗ. Xin được hoan nghênh cách nhìn mới mẻ của GS Võ Tòng Xuân.

Nhà báo Nguyễn Lưu

Quý độc giả có đồng tình với quan điểm trên? Xin hãy gi ý kiến của mình vào ô thảo luận bên dưới đây.

Bình luận
vtcnews.vn