• Zalo

'Tết lạ' qua lời kể của Kiều nữ Khmer

Thời sựChủ Nhật, 17/02/2013 04:28:00 +07:00Google News

(VTC News) – Thiếu nữ Sơn Thị Ngọc Mai (người Khmer) vừa tiết lộ thú vị về cách đón tết Nguyên Đán.

(VTC News) – Thiếu nữ Sơn Thị Ngọc Mai (người Khmer) vừa tiết lộ thú vị về cách đón tết Nguyên Đán của dân tộc mình.

Thiếu nữ Sơn Thị  Ngọc Mai, người Khmer, hiện đang công tác ở Ủy ban Nhân dân thị trấn Tri Tôn (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) vừa chia sẻ với phóng viên VTC News những nét thú vị trong cách đón tết Nguyên Đán của dân tộc Khmer.

Cô nói: “Tương tự như các dân tộc anh em, tết Nguyên Đán cũng là dịp người Khmer sum vầy bên gia đình. Chúng tôi cũng chuẩn bị đón tết rộn rã lắm".

Người Khmer cũng chuẩn bị lễ lộc cúng tổ tiên, ông bà – những người đã khuất, rồi những người con làm ăn xa cũng về quê ăn tết với người thân của mình.

Thiếu nữ Sơn Thị Ngọc Mai  
Chúng tôi cũng có những đặc sản như món bánh tét hay bánh ít. Vào đêm giao thừa, người Khmer cũng làm một mâm cỗ để cúng tổ tiên. Chúng tôi thường cúng 3 bữa một ngày trong vòng 3 ngày tết.

Ngày nay, người Khmer đã pha lẫn những nét cổ truyền với nét hiện đại trong việc đón tết. Những đôi nam thanh nữ tú vào đêm giao thừa thường rủ nhau đi chùa hoặc tổ chức chơi những trò chơi dân gian của người Khmer.

Trong khi số khác lại chọn đi du lịch đây đó để mở rộng tầm nhìn. Những người lớn tuổi thường đi chùa nghe tụng kinh, niệm phật.

Điểm khác biệt trong việc đón tết Nguyên Đán của người Khmer có lẽ là những buổi văn nghệ mang đậm nét văn hóa dân tộc. Người Khmer hay tập trung ở chùa chứ không tới những nơi công cộng như người Kinh.

Đến thời điểm này, người Khmer đã chuẩn bị tươm tất rất nhiều đồ để đón tết. Những người con của dân tộc Khmer đi làm ăn xa xứ cũng đang trên đường trở về quê ăn tết.

Người Khmer rất xem trọng các phong tục. Do vậy, dù nền kinh tế hiện đang gặp nhiều khó khăn, người ta vẫn cố gắng chu toàn hết mức có thể để có một cái tết đầm ấm, yên vui cho gia đình”.

Ngoài tết Nguyên Đán, người Khmer còn có tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây. Hàng năm vào trung tuần tháng 4 dương lịch, bà con Khmer lại tổ chức đón Tết Chôl Chnăm Thmây truyền thống, tức là Tết chịu tuổi dân tộc Khmer.

 

Người Khmer rất xem trọng các phong tục. Do vậy, dù nền kinh tế hiện đang gặp nhiều khó khăn, người ta vẫn cố gắng chu toàn hết mức có thể để có một cái tết đầm ấm, yên vui cho gia đình

Thiếu nữ Sơn Thị Ngọc Mai
 
Cũng như tết cổ truyền của các dân tộc khác, Chol- chnam- thmay của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ tuy có cùng ý nghĩa nhưng lại được tổ chức với vài tập tục khác biệt theo bản sắc văn hóa của mình.


Từ xưa đồng bào Khmer vẫn quan niệm, đây là thời kỳ chuyển giao giữa hai mùa mưa – nắng, cây cỏ tốt tươi, thiên nhiên tràn đầy sức sống, nên họ đã coi đây là sự khởi đầu một năm mới, gọi là Tết Chôl Chnăm Thmây (vào năm mới).

Những ngày Tết Chôl Chnăm Thmây, mọi công việc ruộng rẫy đều dừng lại để mọi người được nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, thăm viếng nhau. Vào dịp này, con cháu dù ở xa hay gần đều trở về sum họp cùng gia đình trong mấy ngày Tết.

Gia đình nào cũng vậy, dù rất nghèo cũng có nồi bánh nùm-chrụt (gần giống bánh tét của người Kinh Nam Bộ), và bánh nùm-tiên (gần giống bánh ít Nam Bộ). Hai loại bánh này tượng trưng cho sự no ấm, làm ăn thịnh vượng, được mùa của người Khmer, nó cũng như bánh chưng, bánh dầy của người Kinh vùng đồng bằng Bắc Bộ dùng trong ngày tết Nguyên đán.

Ngoài tết Nguyên Đán, người Khmer còn có tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây 

Ngoài ra còn có các loại bánh như: nùm-chết (bánh dừa nhân chuối), nùm- niềng- nóc, sùm-bóc-cháp (bánh bột nhân dừa).


Vào đêm giao thừa mọi nhà đều thắp đèn sáng, cúng bánh, trái cây, hương hoa trên bàn thờ tổ tiên, để tiễn thần Tê-vô-đa cũ về nhà trời, và rước thần Tê-vô-đa mới xuống ăn tết, cai quản đất đai, thổ trạch trong một năm. Người ta tin rằng thần Tê-vô-đa được nhà Trời sai xuống để cai quản dương thế trong một năm. Hết năm cũ nhà trời lại sai vị thần Tê-vô-đa khác xuống thay thế.

Theo tìm hiểu, người Khmer theo phật giáo Tiểu thừa nên thông thường ngày đầu tiên của mùa lễ, đồng bào phật tử có con em muốn xuất gia sẽ được đưa vào chùa để cầu nguyện với đức phật sau đó nhờ các sư cả đọc kinh và chấp nhận.

 

Ngoài tết Nguyên Đán, người Khmer còn có tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây. Hàng năm vào trung tuần tháng 4 dương lịch, bà con Khmer lại tổ chức đón Tết Chôl Chnăm Thmây truyền thống, tức là Tết chịu tuổi dân tộc Khmer.

 
Đến ngày thứ hai mọi người ở gia đình làm cơm, thức ăn hoặc cùng nhau vào khuôn viên của chùa nấu ăn để dâng lên cúng dường cho đức phật sau đó dâng lên các sư sãi để chứng nhận công đức.


Trong ngày này ngoài việc dâng cơm và thức ăn, đồng bào Khmer còn mang những lễ vật khác như nhang, đèn, trái cây, tiền bạc, hoa giấy... để cầu siêu cho người quá cố và cầu bình an cho những người hiện tại.

Ngày thứ ba là ngày bước sang năm mới của người Khơmer. Trong ngày này mọi người tập trung vào chùa đông hơn, vì ngày này cũng giống như ngày mồng một tết nguyên đán, mọi người cùng nhau cầu nguyện cho một năm mới thật tốt lành và hạnh phúc.

Trong thời gian diễn ra lễ mọi người còn cùng nhau đắp núi cát tại khuôn viên của chùa. Đây là một tục lệ truyền thống có từ lâu đời nhằm cầu bình an cho gia đình, người thân.

Minh Quân
Bình luận
vtcnews.vn