Theo Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, tàu Ins Kiltan của nước này sẽ dừng kỹ thuật tại Cảng Nhà Rồng, TP.HCM từ ngày 24 – 26/12. Đây là một phần của hoạt động triển khai tàu tới khu vực Đông Nam Á của Hải quân Ấn Độ.
Chuyến thăm này của tàu Ins Kiltan nhằm mục đích tăng cường hợp tác hàng hải giữa hải quân Việt - Ấn, tiếp tục củng cố quan hệ hữu nghị bền chặt giữa hai nước, và đóng góp vào an ninh và tăng trưởng cho khu vực.
Tàu Ins Kiltan sẽ mang theo hàng viện trợ nhân đạo, bao gồm các công cụ cứu trợ thiên tai cho người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở miền Trung Việt Nam. Các lô hàng này sẽ được bàn giao cho Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai của Việt Nam. Đây là hoạt động nhằm thể hiện quan hệ nhân dân sâu sắc giữa hai nước.
Theo Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, hai nước cùng chia sẻ một mối quan hệ văn minh đã tồn tại suốt hai thiên niên kỷ. Quan hệ Ấn Độ-Việt Nam cũng phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian gần đây, nhờ quan hệ kinh tế sôi động và mối quan tâm chung ngày càng tăng về các vấn đề chính trị và an ninh khu vực. Năm 2016, 2 nước chính thức thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Bất chấp tình hình đại dịch COVID-19, hai nước vẫn duy trì động lực trong các cam kết song phương. Thủ tướng hai nước đã điện đàm vào ngày 13/4, đồng thời hai bên cũng tổ chức hội đàm cấp cao trực tuyến hôm 21/12. Theo đó, một số thỏa thuận mang tính bước ngoặt được đưa ra tại cuộc hội đàm cấp cao trong các lĩnh vực quốc phòng, năng lượng, thương mại và văn hóa.
Hôm 25/8, kỳ họp của Ủy ban hỗn hợp giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao diễn ra trực tuyến. Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã có cuộc điện đàm vào ngày 27/11 để thảo luận các vấn đề an ninh mà hai bên cùng quan tâm.
Hợp tác quốc phòng là một phần quan trọng của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước. Hải quân Ấn Độ có tương tác sâu rộng với Hải quân Nhân dân Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo, sửa chữa, bảo dưỡng và hỗ trợ hậu cần nhằm nâng cao năng lực.
Quan hệ Ấn Độ-Việt Nam ngày nay phản ánh niềm tin chung rằng quan hệ đối tác của hai nước không chỉ mang tính chất song phương, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với hòa bình, thịnh vượng và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, dựa trên sự tôn trọng đối với luật pháp quốc tế và một trật tự quốc tế và khu vực dựa trên luật lệ.
Bình luận