Sapana ước mơ trở thành một nhân viên chính phủ. Mỗi đêm trong túp lều dọc theo con đường đất gập ghềnh, cô gái 17 tuổi thắp sáng bóng đèn năng lượng mặt trời treo lủng lẳng trên trần nhà và đọc sách, vạch ra một tương lai khác so với cuộc đời của mẹ cô.
Nhưng kể từ khi đại dịch COVID-19 len lỏi khắp Nepal, buộc các trường học phải đóng cửa, Sapana đã lạc lối. Bị mắc kẹt trong chính ngôi làng của mình, cô kết hôn với một người lao động đang thất nghiệp.
Vì COVID-19
Họ đã yêu nhau và kết hôn chẳng bao lâu sau đó. Hiện tại, Sapana từ bỏ mơ ước của mình và không có dự định quay trở lại trường học.
“Mọi chuyện đã có thể khác đi nếu tôi không ngừng việc học tập của mình”, Sapana chia sẻ khi cô đang cho con trai 2 tháng tuổi bú sữa mẹ trong ngôi nhà đơn sơ.
Những điều xảy đến với Sapana ở thị trấn nhỏ tại Nepal cũng là điều mà nhiều cô gái trên khắp thế giới gặp phải. Liên hợp quốc cho biết tỷ lệ tảo hôn đang gia tăng ở mức báo động tại nhiều nơi và đại dịch COVID-19 đang đảo ngược nhiều năm nỗ lực nhằm giúp những trẻ em gái được tới trường.
Trong một báo cáo được công bố mới đây, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) dự đoán rằng sẽ có thêm 10 triệu trẻ em gái trong thập kỷ này có nguy cơ tảo hôn, hay còn được định nghĩa là kết hôn trước tuổi 18. Henrietta Fore, Giám đốc điều hành của UNICEF, cho biết: “COVID-19 đã khiến tình thế vốn đã khó khăn của hàng triệu cô gái trở nên tồi tệ hơn”.
Điều đặc biệt quan tâm của những người ủng hộ trẻ em là mối liên hệ chặt chẽ giữa tảo hôn và chết trẻ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, các biến chứng khi mang thai và sinh nở là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em gái từ 15 đến 19 tuổi tại các nước đang phát triển và đối với con của họ, nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh cũng cao hơn rất nhiều.
Các chuyên gia cho biết đại dịch đã làm gia tăng các yếu tố thúc đẩy tảo hôn, chẳng hạn như thiếu nền tảng giáo dục, khó khăn về kinh tế, cha mẹ mất sớm hay mang thai ở tuổi vị thành niên.
Nankali Maksud, Cố vấn cấp cao của UNICEF, cho biết: “COVID-19 chắc chắn đã đưa chúng ta đi thụt lùi”.
Trong một số trường hợp, các cô gái trẻ bị cha mẹ hoặc những người có thẩm quyền ép buộc phải kết hôn với đàn ông lớn tuổi hơn. Tuy nhiên, nhóm người ủng hộ trẻ em cũng lo lắng về những phụ nữ trẻ, bởi tác động của đại dịch mà họ đã phải bỏ học và coi kết hôn sớm là lựa chọn duy nhất, từ bỏ tham vọng được học tập để có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nhiều cuộc hôn nhân trẻ em không được đăng ký theo pháp luật. UNICEF ước tính rằng, có khoảng 650 triệu trẻ em gái và phụ nữ ngày nay đã kết hôn ngay khi còn bé. Những người ủng hộ trẻ em cho biết họ đang chứng kiến tỷ lệ gia tăng nhanh ở những nơi lâu nay vẫn luôn tồn tại vấn đề này. Chẳng hạn như tại Ấn Độ, Bangladesh, Nigeria, Kenya, Ethiopia và Malawi, nơi tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên tại một số khu vực đã tăng gấp ba lần.
Tình trạng tảo hôn ở Nepal
Ở Nepal, nơi độ tuổi hợp pháp để kết hôn là 20, tình hình có vẻ đặc biệt nghiêm trọng. Những vấn đề đan xen của đất nước vào thời điểm này khiến nhiều phụ nữ trẻ khó tránh khỏi nạn tảo hôn.
Là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á, Nepal sống dựa vào kiều hối và du lịch. Tuy nhiên, đại dịch đã tàn phá cả hai. Thông thường vào thời điểm này trong năm, các đoàn du khách nước ngoài đổ về đây để bắt đầu những hành trình du lịch đắt đỏ khám phá dãy Annapurna và đỉnh Everest. Năm nay, nguồn thu nhập từ lĩnh vực này của nền kinh tế Nepal đã cạn kiệt.
Hàng triệu lao động từ Nepal đang làm việc ở nước ngoài, thường là các công việc như đầu bếp, dọn dẹp, bảo vệ và bảo mẫu ở Ấn Độ hoặc Trung Đông. Năm 2019, Nepal thu về được 8,25 tỷ USD từ nguồn kiều hối. Nhưng khi hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đang bị ảnh hưởng, dòng tiền đó cũng bị thu hẹp. Những thanh niên trẻ Nepal, nhiều người trong số họ còn độc thân, gần đây cũng đã trở về nhà.
Những người khác cũng đã mất việc làm tại các thành phố của Nepal. Rất nhiều thanh niên bị bắt gặp đi lang thang quanh các ngôi làng trên sườn núi của họ, chán nản và khánh kiệt. Đó là cách Sapana gặp Hardas, chồng cô.
Hardas, khoảng 20 tuổi, từng là thợ xây, thường làm việc ở các thành phố như Kathmandu và Nepalgunj. Nhưng sau khi bị sa thải vào tháng 4/2020, thời điểm bắt đầu đại dịch, anh trở về quê hương Rapti Sonari, một thị trấn nhỏ với dân số khoảng 10.000 người, cách 300 dặm về phía tây của Kathmandu.
Những ngôi nhà nằm trải dài trong một mê cung đường đất bên dưới những ngọn đồi, hầu hết được làm từ bùn và đá. Cha của Sapana là Ram Dayal đã mua một chiếc xe kéo tự động ngay trước khi lệnh phong tỏa được ban hành. Giờ đây, ông có khoản phải thanh toán hàng tháng là 30.000 rupee (khoảng 250 USD) và hầu như không có khách hàng.
Dayal không vui khi con gái lấy chồng ngay từ khi quá trẻ, nhưng ông phải thừa nhận rằng việc cô rời khỏi nhà sẽ giúp ông giảm bớt gánh nặng tài chính. Trong gia đình còn 5 người nữa cũng đang phụ thuộc vào ông.
“Con bé sẽ có một cuộc sống tốt hơn nếu hoàn thành hết lớp 10”, ông Dayal nói.
Bà Ghumni, mẹ của Sapana, cũng đồng tình với quyết định đó. Bà cũng từng là một cô dâu trẻ em với 4 đứa con và không được học hành.
Các nhà hoạt động chống tảo hôn nói rằng họ đang làm việc trong những điều kiện khó khăn, nhất là khi vấn đề ngày càng trầm trọng hơn. Nepal đã áp đặt những hạn chế nghiêm ngặt đối với việc di chuyển bằng các phương tiện giao thông. Khi tình trạng nhiễm bệnh gia tăng, các nhà hoạt động buộc phải ở trong nhà như bao người khác. Một số người nói rằng số lượng các cuộc tảo hôn trong khu vực của họ đã tăng gấp đôi hoặc gần gấp đôi trong thời gian diễn ra dịch bệnh.
Hira Khatri, một nhà hoạt động chống tảo hôn ở quận bao gồm vùng Rapti Sonari, cho biết: “Chúng ta đang quay trở lại điểm xuất phát ban đầu”.
Lạc hậu trong nhận thức
Hai năm trước, bà Khatri đã can thiệp và ngăn chặn 7 cuộc hôn nhân trẻ em trong làng của mình. Tuy nhiên, một số dân làng đã dọa giết bà và thậm chí, họ còn ném bao cao su đã qua sử dụng vào nhà bà để làm nhục.
Cảnh sát không giúp đỡ được nhiều. Giới chức trách ở các ngôi làng ưu tiên tập trung vào việc thực thi những quy định về kiểm dịch và theo dõi các trường hợp mắc bệnh. Một số quan chức cảnh sát tỏ ra không muốn tham gia vào hoạt động này.
Om Bahadur Rana, một quan chức cảnh sát ở Nepalgunj cho biết: “Đây là những cáo buộc hình sự nghiêm trọng. Nếu chúng tôi đệ đơn kiện vì tảo hôn, điều đó có thể làm ảnh hưởng đến cơ hội kiếm được việc làm trong chính phủ của những người trẻ tuổi”.
Mayawati, 17 tuổi, cũng sống tại Rapti Sonari, có mơ ước được học ngành nông nghiệp. Nhưng những khó khăn của gia đình trong đại dịch khiến cô cảm thấy tội lỗi khi trở thành gánh nặng cho cha mẹ mình. Cô bỏ học và kết hôn với một người đàn ông làm thuê. Những ước mơ của cô cũng lặng lẽ lụi tàn từ đó.
“Chúng tôi không có tiền”, Mayawati nói. "Làm sao tôi có thể tiếp tục việc học của mình được?"
Mayawati nói rằng hầu hết bạn của cô, những người đã kết hôn trong thời gian phong tỏa, đều đang mang thai.
Nhiều người ở Nepal vẫn khẳng định tảo hôn mang lại lợi ích. Một số người lớn tuổi trong cộng đồng Madhesi, sinh sống ở vùng đồng bằng phía nam gần biên giới Ấn Độ, cho biết thậm chí họ đã làm giả giấy khai sinh của con gái mình để tránh gặp rắc rối.
“Gả con gái khi còn trẻ khiến tôi vui hơn. Đó là tục lệ của chúng tôi”, chia sẻ bởi Mina Kondu, người cho biết gần đây bà đã sửa giấy khai sinh của con gái từ 16 thành 19 tuổi, tuy vẫn chưa phải độ tuổi hợp pháp nhưng gần đủ, và cả gia đình bà đều tin tưởng điều đó.
“Cảnh sát không thể ngăn cản chúng tôi”, bà nói.
Bà Kondu, sinh sống trong một ngôi làng cách Sapana’s khoảng ba giờ lái xe, nói rằng nếu các gia đình không sắp xếp hôn sự cho con gái khi còn trẻ thì con gái họ sẽ tự định đoạt hôn lễ của mình dù không được cho phép và điều đó sẽ làm mất uy tín của gia đình.
Gia đình của Sapana đã chấp nhận cuộc hôn nhân của cô. Trong khoảng vài tháng, Sapana đã chuyển từ việc đi học sang chăm sóc em bé và người chồng mới cưới của mình. Hàng ngày, cô luôn phải xoay quanh việc cho trâu ăn, giặt quần áo, nấu cơm và làm bánh mì.
“Tôi không thể hoàn thành việc học của mình, đấy là sự thật”, cô gái trẻ nói. “Và con trai tôi sẽ làm điều đó".
"Hy vọng thằng bé sẽ kết hôn khi đã đủ trưởng thành".
Bình luận