• Zalo

Tăng trưởng xanh, cơ cấu lại nền kinh tế

Đầu TưThứ Sáu, 29/10/2021 17:19:00 +07:00Google News

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 rất quan trọng trong thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Sáng 29/10, chủ trì “Hội nghị triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Tăng trưởng xanh thực sự đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới, đặc biệt đối với các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Lựa chọn tăng trưởng xanh cũng được coi là một hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được thịnh vượng bao trùm cho các quốc gia, đảm bảo các lợi ích kinh tế và sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên. 

Tăng trưởng xanh, cơ cấu lại nền kinh tế - 1

 Quang cảnh Hội nghị

Theo Bộ KHĐT, Chiến lược tăng trưởng xanh đặt ra 4 mục tiêu quan trọng gồm: Giảm phát thải khí nhà kính; Xanh hóa các ngành kinh tế; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững và Xanh hóa quá trình chuyển đổi. Đặc biệt, mục tiêu đầu tiên của chiến lược tăng trưởng xanh là giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP tiếp tục kế thừa chiến lược giai đoạn trước, nhằm đánh giá khả năng giảm nhẹ phát thải khí nhà kính so sánh trên một đơn vị sản lượng kinh tế, giúp xác định được mức độ thân thiện của nền kinh tế với môi trường khi quy mô của nền kinh tế ngày càng tăng, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa bảo vệ môi trường, vừa gắn kết chặt chẽ với phát triển “nhanh, bền vững”.

Theo đó, chiến lược tăng trưởng xanh đặt ra mốc đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014. Đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, việc chuyển đổi mô hình kinh tế sang tăng trưởng xanh, kinh tế xanh là một lựa chọn tất yếu. Với ý nghĩa đó, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 với các mục tiêu tham vọng nhằm đưa Việt Nam đi tắt đón đầu, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, hướng tới khát vọng thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đóng vai trò hết sức quan trọng trong thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, là phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững, góp phần thực hiện phục hồi kinh tế hậu Covid-19, hướng tới phát triển kinh tế xanh, đồng thời là tiền đề để cụ thể hóa các mục tiêu phát thải cacbon thấp, trung hòa cacbon trong dài hạn và đóng góp vào sự hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

"Việc Thủ tướng phê duyệt Chiến lược tăng trưởng xanh trước thềm Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow, Anh quốc sẽ diễn ra trong vài ngày tới đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính thông qua các hành động thiết thực, cụ thể” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.

Để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, theo Bộ KH&ĐT các bộ, ngành cần xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách; phối hợp liên vùng, liên ngành; tích hợp mục tiêu, giải pháp tăng trưởng xanh để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tối ưu hóa nguồn lực, đặc biệt trong xây dựng hạ tầng đa mục tiêu. Đồng thời, phát triển các ngành xanh; cắt giảm, chuyển đổi khỏi hoạt động đầu tư cản trở nỗ lực giảm nhẹ; nâng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, chú trọng các vùng dễ bị tổn thương.

Cùng với đó, để huy động nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh, cần hoàn thiện chính sách, công cụ huy động nguồn lực, hỗ trợ, ưu đãi tài chính; phát triển thị trường vốn, thị trường tín dụng, bảo hiểm xanh, thị trường carbon hướng tới phát triển đồng bộ hệ thống thương mại khí thải theo cơ chế thị trường.

Bên cạnh đó, ưu tiên nguồn lực đầu tư từ ngân sách cho tăng trưởng xanh; huy động các định chế tài chính, quỹ, nhà đầu tư tư nhân quốc tế; ưu tiên nguồn vốn vay ưu đãi, ODA, hỗ trợ kỹ thuật cho tăng trưởng xanh. Đặc biệt, khuyến khích khu vực tư nhân, hợp tác giữa nhà nước - tư nhân, nhà đầu tư trong - ngoài nước trong các dự án xanh, áp dụng công nghệ, giải pháp chuyển đổi xanh.

(Nguồn: Kinh tế Đô thị)
Bình luận
vtcnews.vn