• Zalo

Báo Đức phân tích những lý do Việt Nam xứng đáng là nơi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều

Thế giớiThứ Năm, 14/02/2019 15:25:00 +07:00Google News

Hãng truyền thông quốc tế lớn nhất của Đức Deutsche Welle vừa có bài phân tích những lý do Việt Nam xứng đáng là nơi tổ chức cuộc gặp Trump-Kim lần hai, hội nghị thượng đỉnh được cả thế giới quan tâm và mong đợi sẽ diễn ra vào ngày 27-28/2 tới đây tại Hà Nội.

Từ tháng 6/2018, nhiều hãng thông tấn của Mỹ và quốc tế đã úp mở về một cuộc gặp thứ hai được hai bên thống nhất ngay sau khi hội nghị thượng đỉnh Singapore kết thúc.

Từ đó, nhiều địa điểm ở châu Á đã được các bên nhắc tới, nhưng Hà Nội, Việt Nam chưa từng xuất hiện cho tới đầu tháng 1 vừa qua, tờ Munhwa Ilbo của Hàn Quốc lần đầu tiên dẫn nguồn tin ngoại giao nước này tiết lộ rằng “các quan chức Ngoại giao Mỹ đã nhiều lần gặp gỡ đối tác Triều Tiên tại thủ đô Hà Nội gần đây, để bàn về công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2.

Trum 5

 Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều tiên hội đàm lần đầu tiên tại Singapore tháng 6/2018. (Ảnh: Reuters)

Ngay sau tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ ngày 5/2, Deutsche Welle (DW) hãng truyền thông quốc tế lớn nhất của Đức đã đưa ra một bài bình luận, dẫn nhận định của các chuyên gia lý giải vì sao Washington và Bình Nhưỡng lựa chọn Hà Nội là địa điểm đàm phán quan trọng này.

DW cho rằng Việt Nam có vẻ như là một sự lựa chọn "khá là kỳ quặc", nhưng có những lý do - một phần trong đó mang tính biểu tượng - tại sao một quốc gia chưa từng được nhắc tới trước đó lại có thể là nơi hoàn hảo cho hai nhà lãnh đạo gặp nhau.

Quan hệ ngoại giao tốt đẹp

ngoai-truong-trieu-tien-den-viet-nam-hoidam-2-1556483

  Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp đón Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho tại Hà Nội tháng 11/2018. (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

Giống như Singapore , nơi mà  hai nhà lãnh đạo Trump và Kim gặp nhau lần đầu tiên vào tháng 6/2018, Việt Nam có quan hệ ngoại giao tốt với cả Triều Tiên và Mỹ. Triều Tiên có một đại sứ quán tại Hà Nội và truyền thông quốc tế khoảng 1 năm trở lại đây cũng không ít lần đưa tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tỏ ra quan tâm đến mô hình mở cửa phát triển kinh tế và đổi mới chính trị của người Việt Nam.

Vào cuối tháng 11/2018, một phái đoàn ngoại giao của Triều Tiên do Ngoại trưởng  Ri Yong Ho dẫn đầu đã đến thăm Hà Nội để gặp gỡ các thành viên chính phủ của Việt Nam. Trong suốt chuyến thăm đó Phó Thủ tướng , Bộ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Phạm Bình Minh nói với nhà ngoại giao Triều Tiên rằng Việt Nam hoan nghênh trước những phát triển tích cực trên bán đảo Triều Tiên và Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế xã hội cũng như lĩnh vực truyền thông với Triều Tiên.

Ngay cả trước khi Việt Nam được công bố lựa chọn làm địa điểm cho hội nghị thượng đỉnh lần hai của ông Trump và ông Kim, vào giữa tháng 1/2019 tờ Reuters dẫn nguồn tin thân cận đưa tin nhà lãnh Triều Tiên Kim Jong Un đã thông báo cho chính phủ Việt Nam về mong muốn được thăm chính thức Hà Nội.

Trước thông tin này, giáo sư Carl Thayer tới từ đại học New South Wales, Australia và là một chuyên gia về các vấn đề Việt Nam nói với DW rằng: “Đối với ông Kim, chuyến công du tới Việt Nam được xem là khả thi, hơn nữa từ Bình Nhưỡng ông ấy có thể đến Hà Nội trong 3 đến 4 giờ đồng hồ bằng chuyên cơ riêng”.

Việt Nam là một hình mẫu

Việt Nam và Triều Tiên đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1950. Mặc dù mối quan hệ này không được truyền thông hai nước làm rầm rộ và giữa hai nước tồn tại một số tranh luận về thương mại, Hà Nội vẫn luôn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Bình Nhưỡng.

Việt Nam tổ chức cho các nhóm sinh viên đến từ Triều Tiên nghiên cứu mô hình kinh tế của Việt Nam vào năm 2010, tiếp đó Việt Nam đã đứng ra tổ chức cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Nhật Bản về việc đoàn tụ gia đình ly tán trong chiến tranh’’ chuyên gia Việt Nam C. Thayer dẫn chứng. 

bat-dong-san-thanh-pho-ho-chi-minh-1506509707255 4

Việt Nam – một nền kinh tế nghèo và kiệt quệ sau chiến tranh lại phải đối mặt với sự trừng phạt về kinh tế đã tự đứng vững trên đôi chân của mình. 

Lựa chọn Việt Nam chứ không phải bất kỳ một quốc gia nào khác làm nơi tổ chức cuộc đàm phán, được xem là mang tính quyết định tới hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, mang giá trị biểu tượng cao. Năm 1975 sau hai thập niên chiến tranh ác liệt với Mỹ, hình ảnh Việt Nam được các nước phương Tây dựng lên là một “kẻ thù ngang ngược”. Việt Nam – một nền kinh tế nghèo và kiệt quệ sau chiến tranh lại phải đối mặt với sự trừng phạt về kinh tế đã tự đứng vững trên đôi chân của mình.

Năm 1986 lần đầu tiênViệt Nam thông qua chính sách “Đổi mới”, tiền đề để thực một loạt cải cách sâu rộng về mô hình kinh tế, bộ máy chính trị và sau hơn 30 năm đất nước này đã vươn mình trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định nhất trong khu vực Đông Nam Á. Năm 2018, GDP của Việt Nam tăng trưởng đạt khoảng 7%.

Một đất nước có thể là ví dụ điển hình cho Triều Tiên vì Việt Nam không lựa chọn thay đổi thể chế mà vẫn thành công về kinh tế. Mô hình của Việt Nam là nhà nước một đảng vẫn được duy trì, nhưng điều đó không làm cản trở đất nước này mở cửa kinh tế và hợp tác với các nước trên thế giới, gia nhập các tổ chức kinh tế-chính trị quốc tế đa phương. Nhờ vào chính sách vừa hội nhập, vừa dần thay đổi phù hợp để phát triển.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã thu hút hàng tỷ USD đầu tư từ nước ngoài, cùng lúc đàm phán hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu và một số quốc gia ở vành đai Thái Bình Dương.

Theo DW, có nhiều nét tương đồng với Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong Un rất ấn tượng với sự trỗi dậy của Việt Nam. Trong cuộc gặp với Tổng Thống Hàn Quốc Moon Jae-In vào tháng 4/2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên cho biết ông thích cách Việt Nam mở cửa nền kinh tế hơn so với mô hình Trung Quốc.

Chắc chắn có những vấn đề phát triển kinh tế phức tạp, trong đó Triều Tiên có thể học hỏi từ cả Trung Quốc và Việt Nam”, ông Carl Thayer nói với DW. “Tôi không nghĩ mô hình Việt Nam là hoàn hảo cho Triều Tiên, nhưng nó cho thấy những gì Triều Tiên có thể làm”, ông nói thêm.

Lựa chọn tốt nhất cho tất cả

Đối với Donald Trump cũng vậy, Việt Nam là một nơi an toàn để gặp gỡ. Những năm gần đây mối quan hệ giữa Washington và Hà Nội đang được cãi thiện một cách đáng kể. Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã tổ chức các cuộc họp chính thức với cả cựu Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Donald Trump.

thu tuong

 Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tháng 5/2017. (Ảnh: Reuters)

Vào tháng 5/2017, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc được ông Trump chào đón tại Nhà Trắng, sau đó là chuyến thăm của ông Trump tới Hà Nội vào cuối năm đó. Mỹ cũng là đối tác thương mại quan trọng đối với Việt Nam.

Trong Thông điệp liên bang 5/2 vừa qua, Tổng thống Mỹ gọi mối quan hệ của ông với Triều Tiên là tốt đẹp và nói rằng “những nỗ lực của ông là để bắt đầu một cuộc đàm phán -một phần của nền ngoại giao mới táo bạo”. Ông cũng nói nếu ông không trở thành Tổng thống Mỹ thì “chúng ta, ngay bây giờ, theo quan điểm của tôi – đang xảy ra một cuộc chiến tranh lớn với Triều Tiên”.

Lựa chọn Hà Nội làm nơi đàm phán, chắc chắn ông Trump cũng đang muốn cho Bình Nhưỡng và ông Kim Jong-un thấy một ví dụ thú vị: Đạt thành công về kinh tế mà không phải thay đổi quá nhiều về thể chế chính trị, đồng thời có quan hệ tốt đẹp với cả Mỹ và EU cùng lúc.

Nguyễn Vân Anh
Bình luận
vtcnews.vn