• Zalo

Tài sản tham nhũng đi đâu hết?

Thời sự Thứ Sáu, 28/11/2014 07:34:00 +07:00Google News

Có một vấn đề nổi lên được cử tri quan tâm là trong các án tham nhũng, tài sản thu hồi lại được rất ít, vậy tài sản từ tham nhũng đã đi đâu hết?

Có một vấn đề nổi lên được cử tri quan tâm là trong các án tham nhũng, tài sản thu hồi lại được rất ít, vậy tài sản từ tham nhũng đã đi đâu hết?

Trao đổi với PV về vụ việc ông Trần Văn Truyền có nhiều nhà đất vi phạm, nhưng đến khi nghỉ hưu mới bị phát hiện, thu hồi, đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp, nói rằng, cần có quy định cụ thể để có thể thu hồi toàn bộ tài sản tham nhũng.

Căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển (TPHCM) đang được cho thuê bán hoa quả. Ảnh: Huy Thịnh. 

ĐB Đinh Xuân Thảo cho rằng Luật Phòng, chống tham nhũng quy định khá rõ các nội dung liên quan chống tham nhũng, trong đó có phần nói về tài sản tham nhũng. Rõ ràng, tài sản bất chính thì Nhà nước phải thu hồi. Nhưng có một vấn đề nổi lên được cử tri quan tâm là trong các án tham nhũng, tài sản thu hồi lại được rất ít.

Câu hỏi đặt ra, tài sản từ tham nhũng đã đi đâu hết? Và điều đó khiến chúng ta nghĩ đến các biện pháp hoàn thiện pháp luật, các quy định để kiểm soát thu nhập.


- Theo ông, để ngăn chặn, chống tham nhũng hiệu quả, cần bịt lỗ hổng pháp luật như thế nào để có thể kiểm soát tài sản, nhà đất, thu nhập của quan chức ngay từ khi đương chức?

Một nguyên nhân quan trọng khó kiểm soát thu nhập, tài sản, có lẽ xuất phát từ cơ chế sử dụng tiền mặt trong giao dịch còn phổ biến ở ta. Ở nhiều nước, mọi giao dịch đều thông qua tài khoản, nên họ kiểm soát luồng tiền của công dân, quan chức rất chặt chẽ. Cho nên, khi phát hiện tham nhũng, thì số tiền, tài sản của đối tượng tham nhũng lập tức bị phong tỏa.

Đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo. 

Sau đó, số tài sản tham nhũng đó sẽ được thu hồi và ít thất thoát. Còn khi sử dụng tiền mặt, chắc chắn khi đối tượng tham nhũng bị phát hiện, người ta sẽ tìm cách tẩu tán tài sản đó. Với đặc thù hiện nay, nếu người tham nhũng không giữ tiền, thì họ sẽ đầu tư vào vàng, cổ phiếu, đất đai. Do vậy, kiểm soát những tài sản đó trong các giao dịch như thế nào cũng là câu chuyện cần đặt ra.


 

Vấn đề là, có những người không kê khai đầy đủ, và kê khai rồi nhưng không có ai kiểm soát.
ĐBQH Đinh Xuân Thảo
 
- Chúng ta đã có quy định về việc kê khai tài sản, nhưng kê khai mà không công khai sẽ không có tác dụng chống tham nhũng?


Vấn đề là, có những người không kê khai đầy đủ, và kê khai rồi nhưng không có ai kiểm soát. Có hiện tượng số tài sản đó họ không đứng tên, mà để cho vợ, con đứng tên. Nếu vợ, con họ không phải quan chức, công chức thì thuộc diện không phải kê khai. Mâu thuẫn ở chỗ, chúng ta chưa có quy định những đối tượng liên quan trực tiếp (như vợ con) với người có chức, quyền phải kê khai tài sản.

Đã thế, chúng ta lại chưa có quy định chặt chẽ về đăng ký tài sản đảm bảo, buộc tất cả các tài sản có giá trị phải được đăng ký, kiểm soát. Đây chính là những kẽ hở mà các đối tượng tham nhũng lách luật.


Rõ thấy là vụ ông Trần Văn Truyền, nếu nói tài sản đó là của vợ, của con thì vợ con ông Truyền phải chứng minh được tài sản đó ở đâu ra. Nếu không chứng minh được tài sản hợp pháp thì phải xử lý. Yêu cầu đặt ra là chúng ta phải sửa luật.

Ở các nước, tất cả các thân nhân như ông, bà, bố mẹ, vợ, con, tài sản có những gì đều phải kê khai hết. Trong vụ việc này, cơ quan chức năng hoàn toàn có quyền đi sâu hơn để làm rõ vấn đề tài sản của ông Truyền, kể cả việc nhờ đứng tên, nếu có nghi ngờ có người đứng tên hộ.


- Ngoài ông Truyền, vừa qua, dư luận cũng có nêu trường hợp một Phó Tổng Thanh tra Chính phủ có khối tài sản lớn về nhà đất, cổ phiếu, ông nhìn nhận câu chuyện đó thế nào?

Chuyện đó chưa biết các cơ quan chức năng đã làm đến đâu, nhưng theo tôi đã có dư luận như vậy thì cần phải làm rõ.

Cảm ơn ông.

Theo TPO

Bình luận
vtcnews.vn