Xưa nay, người Việt Nam có quan niệm "an cư lạc nghiệp", nhưng quan niệm này trước của xã hội đã có nhiều thay đổi. Thay vì phải có nhà để sở hữu thì ngày nay nhiều người chọn phương án đi thuê để bớt áp lực về tài chính.
Các gia đình trẻ là những đối tượng có nhu cầu mua nhà và thuê nhà nhiều nhất hiện nay, trong khi tài chính hạn hẹp, chưa có thời gian tích lũy.
Đa số những đối tượng này sở hữu nhà đều phải có sự trợ giúp của các ngân hàng với các gói vay trả góp. Các gói vay này cũng giống như một hợp đồng thuê nhà, mà mỗi tháng chủ nhà phải trả một khoản tiền nhất định. Tuy nhiên, việc trả nợ này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi chủ nhà gặp khó khăn trong công việc, thu nhập bị giảm sút, đó sẽ là một gánh nặng lớn hàng tháng.
Chính vì vậy, so với việc mua nhà trả góp, việc thuê nhà là một lựa chọn tối ưu hơn hẳn.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng về lâu dài, người dân cũng cần chuyển từ quan niệm "phải sở hữu nhà" sang "có chỗ ở", tức là có thể đi thuê nhà.
Theo ông, hiện nhu cầu nhà ở rất cao, song giá nhà tại các thành phố lớn của Việt Nam vẫn cao so với thu nhập bình quân nên việc tiếp cận của những đối tượng này còn hạn chế.
"Với người trẻ, chưa có nhiều tích lũy, có thể cân nhắc không nên dốc hết tiền mua nhà mà vẫn có chỗ ở như mong muốn bằng cách đi thuê nhà tại những dự án phù hợp với khả năng tài chính cũng như thuận lợi cho công việc của mình", ông Nam nói và cho rằng đây là xu hướng chung trên thế giới và cũng đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam.
Đồng quan điểm, ông Dương Đức Hiển, Giám đốc Kinh doanh Nhà ở, Savills Hà Nội cho rằng, nếu không có sự giúp đỡ của thế hệ trước, việc sở hữu nhà ở đối với những khách hàng dưới 35 tuổi là khá khó khăn.
“Có một thực tế là thu nhập của khách hàng trẻ chưa thể đáp ứng được với giá nhà ở tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Giá một căn hộ chung cư trung cấp 2 phòng ngủ tại Hà Nội dao động từ 3 – 6 tỷ đồng tương đương với 140.000 USD – 200.00 USD, xấp xỉ với các thị trường phát triển. Trái lại, mặt bằng thu nhập tại Việt Nam chưa thể sánh ngang,” ông Hiển nói thêm.
Ông Hiển cũng nhấn mạnh: "Sự hỗ trợ của gia đình hiện đang góp phần đáng kể của trong tiềm lực tài chính của người mua nhà trẻ tại Việt Nam. Vấn đề này sẽ thúc đẩy người mua nhà sử dụng đòn bẩy tài chính, một công cụ vốn chưa thực sự phổ biến. Sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới được kỳ vọng sẽ nâng cao thu nhập của người dân, dần thu hẹp khoảng cách giữa giá nhà ở và thu nhập của khách hàng".
Một lãnh đạo của tập đoàn Cengroup cũng cho biết, lãi suất vay mua nhà ở Việt Nam khá cao, nên việc mua trả góp không phải lựa chọn tốt đối với người mua. Ở Úc hay Singapore lãi suất vay mua nhà chỉ 1% thì ở Việt Nam là 7%.
"Bản thân tôi cũng là người đi thuê nhà. Tôi hiểu rằng thuê nhà thì tiết kiệm hơn mua", vị này nói.
Còn theo GS. Đặng Hùng Võ, việc mua nhà hay thuê nhà nên dựa trên nhiều tiêu chí.
Thứ nhất là giá thuê nhà, ví dụ chi phí thuê nhà ở TP.HCM cao hơn Hà Nội thì nên sở hữu nhà tại đây.
Thứ hai là mức lãi suất. Nếu dự án được vay ưu đãi thì có thể xem xét việc mua nhà. Tuy nhiên, nếu lãi suất quá cao thì nên cân nhắc. Ví dụ lãi suất từ 11 - 13%/năm, số tiền phải trả cả gốc và lãi hàng tháng vượt quá thu nhập của người mua thì nên thuê nhà.
Bình luận