(VTC News) – Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ hôm 11/10 tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng chiếc máy bay A-320 của Syria bị chặn khi ‘đang vận chuyển các thiết bị quân sự và đạn dược nhập khẩu từ Nga nhằm cung cấp cho chính quyền Damascus”, theo hãng tin RT.
“Chuyện những kiện hàng được chuyển từ đâu đến và ai là người nhận đã quá rõ ràng. Nó bao gồm nhiều thứ vũ khí do một tổ chức có thể là Tập đoàn công nghiệp hóa học và cơ khí Nga chuyển tới Bộ Quốc phòng Syria”, Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan phát biểu trước báo giới vào chiều tối ngày 11/10.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ - Recep Tayyip Erdogan |
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Syria chỉ trích tuyên bố của Thủ tướng Erdogan là “hoàn toàn vu khống’, đồng thời lên án mạnh mẽ hành động chặn máy bay dân sự Syria hôm 10/10 của chính quyền Ankara.
“Trên khoang chở hàng của chiếc A-320 khi đó không hề chứa bất cứ thiết bị trái phép hay vũ khí quân sự nào. Đây chẳng qua là hành động thù địch, gây hấn của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào Syria.
Nếu lời tuyên bố của ông Erdogan là sự thực, vậy hãy cho chính người dân Thổ Nhĩ Kỳ nhìn thấy bằng chứng!”, hãng truyền hình nhà nước Syria – SANA dẫn lời Bộ Ngoại giao nước này.
Trưởng điều hành chiếc A-320 của Syria hôm 10/10, ông Ghaida Abd Al-Latif khẳng định, ngoài 37 hành khách (trong đó có 17 người Nga), chiếc máy bay chỉ vận chuyển "một số thiết bị điện tử dân dụng mà không hề mang theo bất cứ loại vũ khí nào".
Trước cáo buộc có liên quan, Rosoboronexport - công ty xuất khẩu vũ khí quốc doanh Nga cũng nói họ không có chuyến hàng nào được vận chuyển trên chiếc máy bay của Syria.
Đại diện quản lý sân bay Nga nơi chiếc A-320 khởi hành cũng nói, lực lượng kiểm tra an ninh của họ không hề phát hiện dấu hiệu khả nghi trước khi chiếc máy bay cất cánh vào hôm 10/10 từ thủ đô Mátxcơva.
Giới phân tích và các chuyên gia thì nhận định ít có khả năng Nga sử dụng máy bay dân sự để vận chuyển vũ khí tới Syria.
Jasem Kaser - một kỹ sư người Syria có mặt trên chiếc A-320 còn tố bị nhân viên an ninh Thổ Nhĩ Kỳ hành hung (Ảnh: RT) |
“Nếu có thực sự cần vận chuyển các thiết bị quân sự thì quá trình này cũng phải đảm bảo tính hợp pháp, đúng nguyên tắc chứ không phải lén lút bằng máy bay dân sự.
Chắc chắn là không và sẽ không bao giờ có vũ khí hay bất cứ trang thiết bị quân sự nào trong những chuyến bay như thế”, một quan chức cấp cao trong ngành công nghiệp xuất khẩu vũ khí Nga khẳng định với thông tấn xã Nga, Interfax.
Nga là nước không ký lệnh cấm vận vũ khí đối với Syria. Tuy nhiên, hồi tháng 7 vừa qua, chính phủ Mátxcơva đã tuyên bố chỉ thực hiện những hợp đồng quân sự truyền thống với các nước Ả Rập và từ chối vận chuyển vũ khí cho những quốc gia đang có bạo động hoặc nguy cơ dẫn tới nội chiến.
Chiều ngày 10/10, chiếc máy bay chở khách A-320 của Syria khởi hành từ Mátxcơva đã bị 2 chiếc chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ áp sát buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay quốc tế ở thủ đô Ankara để kiểm tra an ninh vì nghi ngờ vận chuyển ‘hàng trái phép’.
Chiếc máy bay đã được ‘thả đi’ sau 9 tiếng nằm ở sân bay Thổ Nhĩ Kỳ và bị lực lượng an ninh nước này tịch thu một số kiện hàng ‘khả nghi’.
Chiếc máy bay dân sự của Syria bị buộc hạ cánh ở Ankara hôm 10/10 |
Căng thẳng trong quan hệ giữa Ankara và Damascus ngày càng leo thang kể từ sau vụ 5 dân thường Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng do đạn pháo nã từ biên giời Syria hôm 3/10.
Trước đó, chính phủ Ankara cũng đã nhiều lần đe dọa sẽ trả đũa vì vụ quân đội Syria bắn rơi máy bay Thổ Nhĩ Kỳ và "thường xuyên gây xung đột ở biên giới giữa 2 nước".
Hạ Giang
Bình luận