Nhân quyền là giá trị mang tính phổ quát toàn cầu, mỗi quốc gia tùy theo đặc điểm văn hóa và thể chế chính trị sẽ có quan điểm, góc nhìn và cách tiếp cận khác nhau về quyền con người. Vì thế, việc áp đặt quan điểm của nước này vào nước khác là không phù hợp, đó cũng được coi là hành động can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia.
Vì vậy có thể khẳng định, việc một số cá nhân, tổ chức nước ngoài trao giải thưởng nhân quyền cho những đối tượng chống phá Nhà nước Việt Nam là việc làm mang ý đồ chính trị, họ đã tự "khoác" cho mình chiếc áo nhân quyền để trắng trợn can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Ngày 14/12/2021, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử đối tượng Phạm Thị Đoan Trang về tội danh tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam. Cáo trạng nêu rõ, Phạm Thị Đoan Trang phải chịu trách nhiệm hình sự vì đã nhiều lần thực hiện hành vi tàng trữ, lưu hành và tán phát các tài liệu, vật phẩm có nội dung chống phá Nhà nước Việt Nam. Với những hành vi đó, Hội động xét xử đã tuyên phạt Phạm Thị Đoan Trang 9 năm tù giam.
Theo hồ sơ vụ án, Phạm Thị Đoan Trang có mối liên hệ mật thiết với các tổ chức phản động lưu vong như Việt Tân, “VOICE”. Trang cũng là một trong những người đứng đầu của tổ chức Nhà xuất bản Tự do. Đây là một tổ chức dân sự trá hình, hoạt động trái phép, chuyên xuất bản, in ấn và phát hành các ấn phẩm có nội dung tiêu cực, xuyên tạc, kích động bạo lực, chống phá Đảng, Nhà nước. Trong tổ chức này, Trang được giao nhiệm vụ phụ trách nhân sự, duyệt người trước khi đưa ra nước ngoài huấn luyện cách thức chống phá chính quyền Nhà nước Việt Nam.
Với những hành vi như vậy, hình phạt 9 năm tù giam dành cho Phạm Thị Đoan Trang là thích đáng, đúng người, đúng tội. Đó cũng là việc chúng ta cần thiết phải làm để giữ nghiêm kỷ cương, phép nước. Tuy nhiên, một số cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam đã tự phong cho Đoan Trang những danh hiệu với những ngôn từ hoa mỹ. Ví dụ như mới đây, Phạm Thị Đoan Trang được Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải Phụ nữ can đảm quốc tế; Bộ Ngoại giao Anh và Canada trao giải tự do báo chí; Tổ chức nhân quyền tự xưng Martin Ennals trao giải thưởng nhân quyền.
Ông Phan Khắc Hải, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, trong khi Phạm Thị Đoan Trang đang chịu án ngồi tù ở Việt Nam mà các tổ chức nước ngoài lại trao những giải thưởng này, đó là những điều phi lý và không có giá trị pháp lý.
Phạm Thị Đoan Trang là một nhà báo, lẽ ra phải hoạt động, tác nghiệp theo đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, nhưng không, Trang đã lợi dụng quyền tự do báo chí để chống phá đất nước. Điều đó cho thấy, Phạm Thị Đoan Trang không xứng đáng với tư cách, phẩm chất của một nhà báo. Vì lẽ đó, việc một số tổ chức phong tặng, trao giải thưởng tự do báo chí cho Phạm Thị Đoan Trang là sự lố bịch về nhận thức. Họ lập luận cho rằng, Phạm Thị Đoan Trang đã sử dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí theo đúng những quy định của luật pháp quốc tế để bày tỏ quan điểm chính kiến của mình.
Theo lý giải của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, đây là cách lập luận không đúng và cố tính không hiểu bản chất của luật pháp quốc tế. Bởi lẽ, mặc dù luật pháp quốc tế có những quy định về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí nhưng đó không phải là quyền tự do một cách tuyệt đối.
“Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí là một trong những quyền tự do dân chủ về chính trị rất quan trọng đã được quy định trong các quy định của quốc tế. Nhưng theo chuẩn mực quốc tế, người ta nói là trong khi thực hiện các quyền tự do này thì lại phải chịu một số hạn chế nhất định, mà hạn chế đó là vì lý do an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đạo đức xã hội và quyền tự do của người khác”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tường Duy Kiên phân tích.
Tiến sĩ Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đưa ra minh chứng sinh động khẳng định, không thể có và không bao giờ có tự do ngôn luận, tự do báo chí một cách tuyệt đối ở bất kỳ quốc gia nào.
Theo Tiến sĩ Nhị Lê, không có nền báo chí nào, dù là của phương Đông hay phương Tây, cổ vũ cho cái gọi là tự do vô hạn độ. Ngay nước Mỹ, nơi được mệnh danh là tự do, nhưng báo chí thử cổ động để lật đổ chế độ Mỹ xem, báo chí sẽ không còn tồn tại. Gần đây nhất, một tờ tạp chí của quốc gia được mệnh danh là bình đẳng, tự do, bác ái, chỉ một bức tranh biếm họa người đứng đầu tôn giáo Mohamed, tòa soạn đó lập tức bị tẩy chay.
Theo Ông Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực nhân quyền, việc trao các giải thưởng cho Phạm Thị Đoan Trang và một số đối tượng có hành vi chống phá Nhà nước Việt Nam là một ý đồ chính trị nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
“Qua việc tổ chức trao giải nhân quyền cho Phạm Thị Đoan Trang cho thấy một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam, họ có ý đồ kích động, chống đối phản động trong và ngoài nước, tạo cớ cho một số cá nhân, tổ chức gia tăng các hoạt động chống phá Việt Nam trong thời gian tới. Có thể khẳng định đây là những hoạt động can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Kỷ nêu quan điểm.
Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống cho rằng, việc trao giải thưởng nhân quyền cho đối tượng có hành vi chống phá Nhà nước là một hành động bất chấp tất cả những tiêu chuẩn và quy định của pháp luật quốc tế khi họ chọn những đối tượng có tư tưởng bất mãn, chống lại một nhà nước, chống lại sự bình yên, phát triển của một quốc gia để chọn làm ngọn cờ, tạo biểu tượng lôi kéo nhiều người khác, chống phá Nhà nước.
Đảng, Nhà nước ta luôn hoan nghênh và bảo đảm các quyền tự do, dân chủ, trong đó có quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí. Những cá nhân, tổ chức nếu đấu tranh cho dân chủ thực sự, vì hòa bình và tiến bộ xã hội, chúng ta luôn ghi nhận và ủng hộ. Tuy nhiên, nếu lợi dụng dân chủ để chống phá đất nước thì hành vi đó là không thể chấp nhận, cần kiên quyết lên án và phản đối. Bởi lẽ, bất kỳ một hành vi nào lợi dụng quyền tự do của bản thân mình để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân thì đều phải chịu xử lý theo quy định của pháp luật.
Trật tự kỷ cương chỉ có thể được thực thi khi mà pháp luật được thượng tôn. Đây chính là cơ sở vững chắc cho sự phát triển ổn định của đất nước, là tiền đề quan trọng để thúc đẩy việc bảo đảm, phát huy các giá trị quyền con người của Việt Nam.
Bình luận