• Zalo

Sư ông ‘tắm gió, gội mưa’ và gò mối mọc trên áo quan

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 04/08/2013 06:47:00 +07:00Google News

9 năm sau khi sư ông viên tịch, trên chính ngôi mộ bỗng dưng mọc lên gò mối cao khoảng nửa mét.

9 năm sau khi sư ông viên tịch, trên chính ngôi mộ bỗng dưng mọc lên gò mối cao khoảng nửa mét.


Thuở chưa đắc đạo, ông sống trên một gò mối, tu tâm dưỡng tánh, kính ngưỡng đức Phật. Nhờ làm thuốc cứu nhân độ thế, ông được đệ tử tôn sùng danh hiệu “Ông Đạo Gò Mối”.

Cuộc đời ông rong ruổi trị bệnh, làm phước cứu người khắp từ quê hương Việt Nam, sang Campuchia. Càng già, vẻ tiên phong đạo cốt của ông càng phát lộ, gương mặt hồng hào uy nghi.

Đệ tử tín tâm xây chùa, tôn phụng và gọi ông là “sư ông”. Đến khi tịch diệt, ông được táng lộ thiên theo nguyện vọng, tại chính “Phước An Thiền”. Kỳ lạ, 9 năm sau khi ông tịch diệt, một gò mối kỳ bí mọc lên trên ngôi mộ táng lộ thiên tồn tại cho đến tận ngày nay.

Thành đạo nơi xứ người

Về ấp Tân Hòa B, xã Tân An (TX. Tân An, An Giang) nơi có ngôi chùa Phước An Thiền hay còn gọi là “Mộ ông Gò Mối”. Giai thoại ly kỳ về cuộc đời bôn ba làm thuốc cứu người của bậc “tiên nhân đạo cốt” được hậu thế nơi đây kể lại với một niềm tin mầu nhiệm, đầy vẻ kính ngưỡng.

Thoạt nhìn, Phước An Thiền không có gì đặc biệt, bước ngay vào khuôn viên, dưới chiếc lán rộng là một chiếc ghe lớn được bảo quản khá nguyên vẹn, dù “tuổi đời” chiếc ghe đã gần 1 thế kỷ.

Ông Nguyễn Văn Ợn (55 tuổi), hậu duệ đời thứ 3, trông coi Phước An Thiền của “Ông Đạo Gò Mối” cho biết: “Theo nhiều tài liệu khảo cứu, Ông Đạo Gò Mối hay còn gọi là sư ông, tên thật là Phạm Văn Năng (SN 1871 tại giồng Trà Dên, xã Tân An, Tân Châu, An Giang).

Ngay từ khi chào đời, Sư ông Phạm Văn Năng đã mang trên mình điềm lạ, nơi chân trái của vết lõm như hình lòng máng. Thuở niên thiếu, nhà nghèo, cậu bé Năng phải đi chăn gia súc thuê kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Hàng ngày, ngất nghểu trên lưng trâu, làm bạn với đồng ruộng.

Ông Đạo Gò Mối
Ngôi mộ Ông Đạo Gò Mối hiện nay, ở trong Phước An Thiền 
Đến năm 20 tuổi, cảnh nhà sa sút, cha mẹ ông rời bỏ quê hương, di cư lên vùng Biển Hồ (thuộc lãnh thổ Campuchia) lập nghiệp. Chàng thanh niên Phạm Văn Năng, cũng khăn gói theo gia đình về nơi ở mới.

Thật kỳ lạ, đến sinh sống ở xứ lạ được vài tháng, ông bỗng dưng trở nên như người mất trí. Bỏ bê hết công việc, ngày ngày lang thang, suy tư huyền bí.

Một đêm, từ biệt cha mẹ dưới cơn mưa tầm tã, ông vượt núi, băng rừng và dừng chân ở 1 gò mối khá to, xung quanh bao bọc bởi cây cối um tùm, nằm bên dòng tiểu khê “Tầm Bê Tâm Bản” thuộc tỉnh Kandal (quận Sa An, cách Nam Vang, kinh đô Miên Quốc 41 km).

Tại gò mối này, chàng trai trẻ người Việt đã lập am tu tâm dưỡng tánh. Mặc dù sống trên gò mối, nhưng mưa dầm, nắng táp chẳng làm “đạo sĩ” suy chuyển tâm ý. Kính ngưỡng trước ông, dân bản xứ tôn xưng là “Ông Đạo Gò Mối” hay còn gọi “Ông Tầm Bê Tâm Bản”.

Một năm dịch bệnh hoành hoành, ông ra tay bốc thuốc cứu được hàng ngàn người thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Từ đó, biết ơn, mến phục ông, người tín tâm gần xa lũ lượt kéo tới xin quy làm đệ tử.

Dân chúng mang vàng bạc tới cúng góp xây chùa, bỗng có toán cướp tới cướp đoạt tiền bạc. Thời gian sau đó, ông dời về nơi ở mới cách gò mối khoảng 5km, lập chùa, thu nhận đệ tử, tìm thuốc quí nấu cao trước lấy tiền hương đèn cúng Phật, sau cứu giúp người nghèo.

Tục truyền, có 1 bổn đạo của Đức Phật Thầy Tây An ở Láng Linh (xã Thạnh Mỹ Tây, Châu Đốc) là người am hiểu “Kim cổ kỳ quan”, ám ảnh bởi câu sấm truyền: “Dấu y như dấu, dạ còn hồ nghi”.

Theo lời truyền tụng, câu sấm ấy ẩn ý nói đời oanh liệt của Đức Cố Quản, 1 vị tướng anh hùng chống Pháp ở miệt Hậu Giang (Châu Đốc) thất trận bị thương ở chân trái rồi biệt tích luôn.
Ông Đạo Gò Mối
Ảnh tư liệu về táng lộ thiên quan tài của Ông Đạo Gò Mối 
Ngày nay, nghe đồn ông Đạo ở Gò Mối có dấu lạ ở chân trái, mới đi xin xem, gặp sự trùng hợp, vái đầu quì lạy cho rằng ông là hiện thân của “Đức Cố Quản” tái sinh.

Lại nói, ông đạo Gò Mối chỉ ưa thích cuộc sống thanh tao, nhàn tản. Ông ham cổ nhạc và tạo tác nhiều loại nhạc khí, về y phục ông sắm quả may, may mặc như thợ lành nghề.

Tương truyền, ông còn nuôi 1 con khỉ làm bạn. Lạ ở chỗ, con khỉ ấy có tánh linh, hễ người nào tâm tính bất chánh đến “chùa” thì khỉ ta luôn mồm khọt khẹt tỏ ý xua đuổi.

Sách Sưu khảo Tân Châu Xưa của tác giả Nguyễn Văn Kiền – Huỳnh Minh (NXB Thanh Niên 2003) có viết về việc ông đạo Gò Mối sau nhiều năm bôn ba trên đất khách, đã trở về quê hương như sau: “Năm 1945, biết trước người Miên sẽ nổi loạn, ông rời bỏ ngôi chùa, mua ghe ra vàm “Cái O”, cất nhà tre tạm, lợp lá.

Ngày 9-3-1945, Nhật – Pháp bắn nhau, ông rời khỏi xứ Cao Miên về Việt Nam. Giao lưu khắp cả miền Tiền Giang và Hậu Giang trên thuyền cùng 2 đệ tử thân tín là ông Nguyễn Văn Nguồn và Nguyễn Văn Lĩnh.

Sau đó, ông về nguyên quán xã Tân An, nơi đây uy danh và đức thiện của ông khiến hàng ngàn người theo làm tín đồ, họ dựng chùa Phước An Thiền, tọa lạc trên đất cúng hiến của ông Huỳnh Văn Trọng, cách vàm Kinh Xáng (Tân An) độ 700 thước”.

Càng già, dáng vẻ tiên phong đạo cốt của ông càng phát lộ. Gương mặt hồng hào, uy nghi nhất là hàm râu búp sơn, khi tiếp xúc với ai, ai cũng khiếp sợ, đệ tử sùng bái cực độ suy tôn là “sư ông”.
Ông Đạo Gò Mối
Chân dung sư ông 

Gò mối kỳ bí trên ngôi mộ táng lộ thiên

Những năm cuối đời sống ở Phước An Thiền, Ông Đạo Gò Mối làm thuốc cao, cứu nhân độ thế, hằng đêm, đem đạo đức răn dạy tín đồ điều hay lẽ phải.

Tới năm 82 tuổi, sức khỏe ngày một kém dần, biết không qua khỏi “mệnh trời”, ông di ngôn lại cho các đệ tử ý nguyện sau khi tịch diệt, thì cứ quàn quan tài tại ghe, nếu đệ tử muốn an táng thì không cần đào huyệt.

Vào đêm ngày 23-3-1954, khí trời u ám, quãng 10h đêm, Ông Đạo Gò Mối trở bệnh trọng, hơi thở yếu ớt, nhưng 2 tay luôn ôm chặt cây đèn trên ngực. Khi ngọn hắt hiu rồi tắt, ông cũng trút hơi thở cuối cùng trong nỗi tiếc thương của đệ tử và người dân trong vùng.

Tang lễ của Ông Đạo Gò Mối được đông đảo đệ tử cử hành trọng thể. Khi khâm liệm xong, các đệ tử bối rối bởi lẽ, nếu vâng lời di ngôn để quan tài dưới ghe thì bổn đạo đau lòng, còn an táng thì không biết làm sao vừa lòng sư phụ.
Ông Đạo Gò Mối
Cận cảnh gò mối kỳ bí mọc trên mộ sư ông vào năm thứ 9 kể từ khi ông tịch diệt (hiện được bảo quản trong tủ kính) 
Cuối cùng, hàng ngàn đệ tử thống nhất cử người xuống tận xứ Hòa Hảo, xin ý kiến sáng suốt của đức ông, thân sinh đức thầy. Nghe lời đức ông, các đệ tử đã về Phước An Thiền, chọn đất xây lộ thiên một tòa sen bằng gạch, để an táng linh cữu Ông Đạo Gò Mối trên đó.

Nói về sự kỳ bí của ngôi mộ Ông Đạo Gò Mối, ông Nguyễn Văn Ợn cho biết: “Quan tài của ông được táng trên tòa sen xây lộ thiên, về sau, các đệ tử muốn tỏ rõ sự tôn nghiêm nên dựng am nền đúc, vách gạch lợp ngói che phủ ngôi mộ.

Thật kỳ lạ, 9 năm sau khi sư ông viên tịch, trên chính ngôi mộ bỗng dưng mọc lên 1 gò mối cao khoảng nửa mét, vững chắc cho đến tận ngày nay. Trải mấy chục năm, không ai giải thích được vì sao gò mối ấy mọc một cách trùng hợp trên chính ngôi mộ của sư ông, bởi ông có danh tôn là ông đạo Gò Mối và thuở mới tu hành, ông cũng sống trên gò mối.

Sự kỳ bí đó, chưa có lời giải, nhưng tấm lòng cứu giúp người bệnh, của sư ông, thì đời đời được khắc ghi”.

Hiện tại, tại Phước An Thiền, nhiều vật dụng của Ông Đạo Gò Mối được bảo quản nguyên vẹn. Trên chiếc quan tài lộ thiên, một gò mối được bảo quản trong khung kính, đứng sừng sững như thách thức thời gian.
Trao đổi thông tin về ngôi mộ mọc gò mối của Ông Đạo Gò Mối, ông Nguyễn Thanh Minh, Chủ tịch UBND xã Tân An cho biết: “Thuở sinh thời, Ông Đạo Gò Mối di cư ở Campuchia về, ông không sáng lập đạo nào, mà chủ yếu lấy nơi ở làm nơi bốc thuốc cứu người.

Người dân tín ngưỡng nên đi lại lễ bái. Sự kỳ bí về ngôi mộ được tuyên truyền càng khiến lượng người tín ngưỡng ngày một đông hơn. Hàng năm, vào ngày ông tịch diệt, có hàng ngàn người tới thành kính bái lễ” – ông Minh nói.


Theo Báo Gia đình và Cuộc sống

Bình luận
vtcnews.vn