• Zalo

Số hóa truyền hình thúc đẩy hội tụ số

Tổng hợpThứ Hai, 02/04/2012 07:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ VTC - Lê Anh Dũng: Số hóa truyền hình thúc đẩy hội tụ số.

(VTC News) - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ VTC - Lê Anh Dũng: Số hóa truyền hình thúc đẩy hội tụ số.

Số hóa truyền hình thúc đẩy hội tụ số!
Ngày 27/12/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2451/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020. Là đơn vị tiên phong trong việc triển khai Số hóa truyền hình ở Việt Nam, VTC đã đi được đến đâu trong lộ trình của chính phủ? Liệu doanh nghiệp này có giữ được ưu thế và vị trí số một khi cuộc chạy đua đã đến giai đoạn nước rút với sự tham gia của rất nhiều các doanh nghiệp khác? Phóng viên Tạp chí Truyền hình Số đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Anh Dũng – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ - VTC để tìm hiểu về vấn đề đang được quan tâm này.
Số hóa truyền hình thúc đẩy hội tụ số!
 Ông Lê Anh Dũng - GĐ TT Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ VTC

Ông có thể cho biết hiện nay truyền hình Số đã được ứng dụng và triển khai như thế nào trên thế giới?


Truyền hình số có thể được chia thành các loại hình chủ yếu theo phương thức truyền dẫn tín hiệu đến phía thu như sau: truyền hình số mặt đất, truyền hình số vệ tinh, truyền hình cáp số, IPTV, truyền hình Internet, truyền hình OTT. Truyền hình số vệ tinh được triển khai sớm nhất, vào khoảng năm 1996 tại Mỹ và Châu Âu. Truyền hình số mặt đất được triển khai và phát sóng đầu tiên vào đầu những năm 2000. Truyền hình cáp số được triển khai khoảng từ năm 2002, Truyền hình IPTVđược triển trên hạ tầng mạng Internet có kiểm soát chất lượng dịch vụ (QoS), mạng truyền hình IPTV đầu tiên thành công được triển khai tại Pháp và Hồng Kông vào khoảng năm 2004. Truyền hình Internet và truyền hình OTT (Over The Top) đều được phát triển trên mạng Internet công cộng, trong đó truyền hình Internet được phát triển rất phố biến từ khoảng năm 2004 cho đến nay, người dùng chủ yếu dùng máy tính để truy cập dịch vụ, trong khi đó truyền hình OTT cung cấp tín hiệu cho người dùng trên cả settop box, máy tính, điện thoại di động, tablet PC và Tivi thông minh.

IPTV, truyền hình qua vệ tinh, truyền hình cáp số chủ yếu là các loại hình truyền hình trả tiền. Còn truyền hình số mặt đất được sử dụng chủ yếu cho mục đích quảng bá miễn phí. Ưu điểm của truyền hình số mặt đất là tận dụng được những hạ tầng sẵn có của truyền hình analog để truyền dẫn: cột phát sóng, ăng ten, các máy phát tín hiệu có thể chuyển sang số được. Đặc biệt là việc thu xem dễ hơn so với truyền hình số vệ tinh, đơn giản hơn so với IPTV và chi phí rẻ cho người dùng. Do đó, truyền hình số mặt đất bao giờ cũng là bài toán được chính phủ các nước ưu tiên nhất để triển khai hướng tới đông đảo người xem.

Truyền hình qua vệ tinh đòi hỏi chi phí đầu tư cao hơn đối với người dùng và đôi lúc bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Truyền hình áp số thì cũng đã tương đối phát triển. Tuy nhiên ở nhiều nước, đặc biệt là ở Việt Nam nó vẫn bị cạnh tranh trực tiếp bởi chính truyền hình cáp analog. Trong một hạ tầng cáp của một nhà cung cấp dịch vụ có cả các kênh analog và các kênh số, người ta vẫn để chạy song song hai loại hình này. ..

Ngày 1/9/2006 có thể được coi là ngày đánh dấu kỷ nguyên truyền hình số trên thế giới khi Luxembourg là quốc gia đầu tiên trên thế giới hoàn tất quá trình chuyển đổi thành công từ truyền hình analog sang truyền hình truyền dẫn và phát sóng kĩ thuật số. Hiện nay, rất nhiều nước trên thế giới đã hoàn toàn chấm dứt phát sóng tương tự để chuyển sang truyền hình Số: Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Các nước trong khu vực Đông Nam Á lộ trình từ năm 2015 đến năm 2020 sẽ chấm dứt hoàn toàn analog.

Có thể nói các nước trên thế giới đều coi xu hướng số hóa truyền hình là một hướng tất yếu và đều có những lộ trình thích hợp để tiến hành số hóa. Tín hiệu số hóa sẽ trở thành một tiêu chuẩn giao tiếp giữa các đài truyền hình với nhau và các đài truyền hình analog sẽ dần dần biến mất trên con đường phát triển của truyền hình hiện đại.

Ông đánh giá như thế nào về những kết quả của việc số hóa truyền hình tại Việt Nam?

VTC là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện số hóa truyền hình ở Việt Nam (từ năm 2000) với truyền hình số mặt đất theo công nghệ DVB-T và đến năm 2008 thì VTC cho ra đời truyền hình số vệ tinh (DTH) phát sóng các kênh SD và HD. Năm 2004, VCTV của trực thuộc Truyền hình Việt Nam đã cung cấp dịch vụ truyền hình số vệ tinh và tới năm 2010 họ liên doanh với đối tác nước ngoài ,cho ra mắt dịch vụ DTH với thương hiệu K+. Ngoài ra cũng có nhiều các đơn vị khác tham gia thị trường truyền hình số: HTV, BTV, BTS, VNPT với IPTV… Tôi cho rằng, việc số hóa truyền hình ở Việt Nam đang diễn ra tương đối sôi động và đạt được những kết quả khả quan.

Ngày 27/12/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2451/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020, chứng tỏ quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện số hóa truyền hình. Là một phần của Đề án, VTC đã đi được đến đâu trong lộ trình rồi, thưa ông?

Với truyền hình số mặt đất, đến thời điểm hiện tại, VTC đã phủ sóng được khoảng 30% diện tích cả nước, với trên 60% dân số. Hiện nay, VTC đã có 47 trạm phát sóng trên cả nước, đặt tại các tỉnh, thành phố lớn. VTC đã phát hai tần số, chuyển tải 28 kênh chương trình bao gồm các kênh do VTC sản xuất, một số kênh của VTV, một số kênh của các đài địa phương, các kênh nước ngoài… Trong thời gian qua. VTC đã tiến hành nâng cấp các mạng sẵn có, và sẽ tiếp tục mở rộng, triển khai cơ sở hạ tầng truyền hình số mặt đất tại các địa phương khác trong thời gian sắp tới.

Với truyền hình vệ tinh, VTC đã chuyển toàn bộ việc phát tín hiệu từ vệ tinh Asiasat-5 về Vinasat-1. Các loại hình Cáp, IPTV… VTC cũng có kế hoạch để đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng, mở rộng diện tích phủ sóng…

Tôi cho rằng đó là những kết quả tương đối lớn, mang lại những giá trị cao cho người dùng dịch vụ.VTC đã cung cấp được nhiều kênh, nhiều nội dung cho khách hàng và nhiều khách hàng hiện nay xem truyền hình VTC mà không phải thu phí hàng tháng. Kết quả này góp phần thúc đẩy các loại hình khác: truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh… của cả nước phát triển, tạo ra một thị trường sôi động và mang đến những tiền đề rất tốt để phát triển trong tương lai.

Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, VTC vẫn thực sự có thể làm tốt hơn nữa với tiềm năng, lợi thế và thế mạnh ban đầu của mình.

Số hóa truyền hình thúc đẩy hội tụ số!
Ông có thể cho biết, từ nay đến năm 2020, VTC đã có kế hoạch gì để hoàn thiện việc số hóa truyền hình theo đúng lộ trình của Chính phủ?

VTC sẽ bám sát lộ trình số hóa mà chính phủ đã phê duyệt, đồng thời dựa trên cơ sở hạ tầng sẵn có để mở rộng vùng phủ sóng. Chiến lược của VTC là cố gắng triển khai sớm nhất và nhanh nhất tại những khu vực, địa phương nằm trong lộ trình số hóa của Chính phủ mà VTC đã có sẵn trạm phát sóng.

Từ nay đến năm 2015, VTC sẽ nâng lên đủ 3 tần số phát sóng và sẵn sàng cho chuyện chấm dứt phát sóng Analog tại các địa phương có sóng truyền hình số theo lộ trình. VTC cũng có kế hoạch hợp tác chặt chẽ với các Đài địa phương để đẩy nhanh quá trình số hóa các kênh sóng. Trong tương lai, VTC sẽ tiếp tục thiết lập hệ thống mạng toàn quốc và các mạng khu vực để, tiến hành thực hiện số hóa truyền hình trên cả nước.

Đối với truyền hình vệ tinh, VTC đã có chính sách chuyển toàn bộ dịch vụ sang vệ tinh Vinasat-1. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đầu tư nâng cấp chất lượng nội dung trên hệ thống Vinasat-1. Hiện VTC đang có 72 kênh chương trình (60 kênh chương trình SD và 12 kênh chương trình HD), chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng và dần tăng số lượng các kênh HD để phục vụ khán giả.

Truyền hình cáp số, IPTV… cũng là một bài toán mà VTC sẽ chú trọng đầu tư trong thời gian sắp tới để tạo những bước đột phá, mở rộng trên thị trường.

Một trong những vấn đề nhiều người quan tâm là hiện nay điều kiện kinh tế của chúng ta còn khó khăn và khoảng cách số còn lớn. Đây được coi là một rào cản trong việc số hóa. Khi triển khai số hóa truyền hình tại các địa phương, VTC đã tính tới điều này chưa?


Khi triển khai số hóa truyền hình, tôi cho rằng trở ngại lớn nhất của người sử dụng là thiết bị thu. Đối với truyền hình số mặt đất, người sử dụng Việt Nam vẫn thường sử dụng tivi analog có sẵn và mua thêm một thiết bị giải mã tín hiệu. Tuy nhiên hiện nay thị trường bán lẻ các thiết bị giải mã tín hiệu này rất rẻ, có những loại khoảng 200 nghìn đồng. Tôi cho rằng đây là mức giá không hề cao so với mặt bằng chung đời sống của người dân và nó không còn là một khó khăn hay rào cản quá lớn đối với họ để có thể tiếp cận với truyền hình số. Hiện nay đã có hàng triệu người sử dụng các loại đầu thu do VTC và các đơn vị khác phát hành để thu tín hiệu do VTC phát sóng. Trong thời gian sắp tới, Chính phủ cũng có những kế hoạch để trợ giá những bộ giải mã tín hiệu tới các hộ nghèo để họ có thể tiếp cận với truyền hình số một cách dễ dàng nhất. Ngoài ra, xu hướng tivi số ra đời tích hợp bộ giải mã tín hiệu vào tivi ngày càng phổ biến hơn. Đây là những điều kiện thuận lợi cho quá trình số hóa truyền hình mà VTC nói riêng và các doanh nghiệp khác đã tính tới.

Vậy quá trình số hóa tại các địa phương sẽ được VTC triển khai như thế nào?

Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các Đài truyền hình địa phương để triển khai cơ sở hạ tầng phát sóng số. Ngoài ra, VTC cũng sẽ tiến hành lên kế hoạch thực hiện xây dựng các gói chương trình và nội dung phát sóng phù hợp với từng tỉnh, từng địa phương. Nâng cao được lợi thế của truyền hình số là có thể phát nhiều kênh, nhiều nội dung, phù hợp với văn hóa vùng miền, với điều kiện kinh tế của từng khu vực.

Các đài địa phương hiện nay hầu như đều đã có thiết bị sản xuất chương trình bằng công nghệ số như: camera, thiết bị dựng hậu kì, server phát sóng… Tôi nghĩ việc triển khai số hóa truyền hình tại các địa phương không có gì quá khó khăn về mặt thiết bị, quan trọng là nguồn lực để thực hiện và sản nhiều chương trình hơn với nội dung và chất lượng tốt cho khi chuyển đổi từ analog sang số. VTC sẵn sàng hợp tác để phát các kênh sóng của các đài địa phương, và VTC cũng mong muốn được đặt máy phát của VTC tại các đài địa phương, trên cơ sở hợp tác hai bên cùng có lợi.

Nhìn nhận một cách khách quan, ông đánh giá như thế nào về nội lực của VTC trong việc triển khai số hóa truyền hình?


Chúng tôi có kinh nghiệm, tri thức và nhân lực tốt trong lĩnh vực… đồng thời cũng có những tiền đề thuận lợi về cơ sở hạ tầng, nguồn tài nguyên được triển khai từ năm 2000 đến nay… Tôi cho rằng việc triển khai số hóa truyền hình với VTC không có gặp nhiều khó khăn, nó sẽ thành công và mang lại cho người dân những giá trị cũng như lợi ích lớn của truyền hình số.

Trước kia, VTC gần như là đơn vị độc quyền trong lĩnh vực truyền hình số. Nhưng đến thời điểm này đã có rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Điều đó có tạo ra sức ép lớn cho VTC không, thưa ông?

Tất nhiên, việc nhiều doanh nghiệp cùng tham gia vào thị trường truyền hình Số đã tạo ra sức ép lớn cho VTC. VTC sẽ phải cố gắng làm tốt hơn những gì mình đã làm được, đặc biệt là về chất lượng dịch vụ.

Trong thời gian qua, VTC liên tục có những điều chỉnh, nâng cấp, thay đổi theo hướng có lợi cho người sử dụng: nâng cao chất lượng chương trình, mở rộng vùng phủ sóng. Với những loại hình truyền hình khác: truyền hình vệ tinh, cáp số, IPTV chúng tôi cũng đã thực hiện những kế hoạch điều chỉnh có lợi cho người sử dụng và sẽ tiếp tục điều chỉnh phục vụ tốt hơn khán giả trong thời gian tới. Tôi cho rằng, VTC đang chịu sức ép lớn và phải thay đổi, nhưng đó là những thay đổi theo chiều hướng tốt, nó tạo ra những động lực lớn để doanh nghiệp phát triển và có bước đột phá.

Trong khoảng thời gian nước rút, chỉ còn chưa đầy 8 năm nữa đã tới cái đích của lộ trình Số hóa. Liệu VTC có giữ được vị trí số 1 của mình?


Với sự nỗ lực, quyết tâm và đồng thuận của toàn thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên VTC, chúng tôi sẽ có những bước đi phù hợp, và tôi tin VTC sẽ vẫn giữ được vị trí số 1 trong thị trường truyền hình Số.

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng việc số hóa truyền hình sẽ mang lại lợi ích lớn cho những đối tượng tham gia lĩnh vực phát thanh truyền hình, các công ty viễn thông, công ty di động… Cụ thể, lợi ích của VTC là gì?

Kinh doanh hạ tầng phát sóng, cung cấp nội dung phát sóng, kinh doanh các dịch vụ truyền hình trả tiền… là những lợi ích trực tiếp mà quá trình số hóa truyền hình mang lại cho VTC.

Bên cạnh đó, việc số hóa truyền hình sẽ giải phóng được một lượng tài nguyên tần số tương đối lớn phục vụ cho mục đích làm viễn thông băng thông rộng. Đó cũng là lợi ích mà một doanh nghiệp tham gia triển khai các dịch vụ viễn thông như VTC được hưởng lợi. Nó sẽ góp phần thúc đẩy các lĩnh vực khác mà VTC đang triển khai như: nội dung số, thanh toán điện tử, thương mại điện tử phát triển và trở nên sôi động hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho VTC triển khai hội tụ số mạnh hơn nữa.

Trong thời gian tới, VTC sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp, các dịch vụ mới và thể hiện rõ hơn về hội tụ số. Chúng tôi sẽ tạo ra những hạ tầng về phát sóng truyền dẫn, làm sao để cùng một nội dung có thể xem trên nhiều loại hình thiết bị khác nhau, tạo ra những ứng dụng tiện ích cho người sử dụng, đồng thời thúc đẩy tất cả các lĩnh vực, dịch vụ VTC đang triển khai cùng phát triển.

Thế còn người dân thì sao, họ sẽ được hưởng lợi gì từ việc số hóa truyền hình, thưa ông?

Việc số hóa truyền hình sẽ nâng cao chất lượng và dịch vụ các chương trình truyền hình, mà ưu điểm dễ nhận thấy là chất lượng hình ảnh của công nghệ số tốt hơn công nghệ analog rất nhiều. Người dân sẽ có cơ hội được thưởng thức các chương trình truyền hình với chất lượng cao, giá thành hợp lý.

Họ cũng có cơ hội được trải nghiệm những dịch vụ mới mà truyền hình analog không thể tạo ra được: HDTV, 3DTV… Đồng thời người sử dụng cũng có cơ hội được trải nghiệm các dịch vụ truyền hình theo những phương thức mới như xem trên các thiết bị khác tivi, xem lại chương trình yêu thích bị bỏ lỡ, xem theo yêu cầu, sử dụng các tính năng mạng xã hội đối với các nội dung truyền hình như bình luận, bầu chọn, khuyến khích ban bè xem các chương trình mình yêu thích…

Xin cảm ơn ông!

KT

Bình luận
vtcnews.vn