Passport đang là hiện tượng trên thị trường điện thoại xách tay trong nửa tháng trở lại đây. Từ chỗ ế ẩm, thậm chí đã mất hút nửa năm qua trên thị trường, giờ mẫu điện thoại bàn phím QWERTY của BlackBerry lại được "nhà nhà, người người" kinh doanh, quảng cáo rầm rộ.
Chủ một cửa hàng Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay, đang có rất nhiều người muốn mua BlackBerry Passport, thậm chí, họ sẵn sàng đặt cọc tiền rồi đợi vài ngày để nhận máy. Mức độ quan tâm được so sánh không thua kém những smartphone đình đám mới ra như iPhone 7. Một cửa hàng ở quận 8 (TP HCM) khẳng định, trong vòng một tuần nay họ đã bán được cả trăm máy và luôn trong tình trạng thiếu hàng. Sau nguồn hàng từ thị trường châu Âu, họ bắt đầu gom thêm hàng tồn từ Mỹ để đưa về nước.
Thị trường điện thoại xách tay trong nước gần đây đã chứng kiến làn sóng kinh doanh một số mẫu điện thoại hết thời. Ngoài BlackBerry, nhiều nơi còn đưa về những dòng iPhone đời sâu như iPhone 3gs hay iPhone 4s, ra mắt từ 3, 4 năm trước, thậm chí đã bị dừng sản xuất từ lâu. Ngay cả một số dòng điện thoại lâu năm như Nokia 8800, 8900 cũng bắt đầu được các cửa hàng đưa về thăm dò thị trường.
Làn sóng đem trở lại thị trường những smartphone hết thời xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng. Hầu hết những sản phẩm này đều rất rẻ so với giá bán trước đó, nên thu hút nhiều người. Như với BlackBerry Passport, tháng trước giá là hơn 10 triệu đồng thì giờ chỉ còn khoảng 5 đến 6 triệu đồng. Hay như với iPhone 4s, mức giá chỉ có 2 đến 3 triệu đồng nên rất nhiều người quan tâm, dù đã là "lỗi thời", không còn được Apple hỗ trợ phần mềm.
Nguồn smartphone cũ gần đây phong phú cũng là do xuất hiện loại hàng thanh lý và tồn kho từ nước ngoài, vốn là hàng mới tinh, nguyên hộp. Như BlackBerry Passport chủ yếu được đưa về từ thị trường châu Âu và Mỹ, do các nhà mạng ở đây buộc phải xả hàng sau khi BlackBerry tuyên bố chuyển sang Android, ngừng tự sản xuất điện thoại. Hay iPhone 3gs hay 4s là lô hàng tồn từ một vài nhà mạng ở Hàn Quốc và Trung Quốc...
Tuy nhiên, cơn sốt smartphone hết thời cũng đem đến những rủi ro cho người mua smartphone. Do là hàng tồn được thanh lý và phần lớn là những mẫu đã dừng sản xuất nên nguồn hàng có thể không đủ cung. Vì thế, mới xuất hiện chưa lâu những mẫu BlackBerry Passport đã bắt đầu có hàng "mông má", được tân trang như hàng mới châu Âu và Mỹ, nhưng thực chất được nhập về từ Trung Quốc. Người dùng thông thường có thể bị qua mặt vì chúng vẫn đầy đủ hộp đựng (full box) hay nguyên tem niêm phong, nhưng vẫn có một số dấu hiệu để phân biệt được.
Ví dụ với Passport là ở tem niêm phong. Hàng xịn là loại được in bảy màu sau khi bóc ra, trong khi hàng được đóng lại hộp như mới chỉ là tem một màu. Phụ kiện bên trong có thể đã được tráo đổi và là hàng lô. Còn như với iPhone, người dùng có thể kiểm tra thông tin bảo hành trên trang web của Apple. Nếu đúng là hàng tồn kho và chưa qua sử dụng, thông tin kiểm tra sẽ ra kết quả chưa kích hoạt và thời gian bảo hành vẫn còn đủ 12 tháng.
Ngoài yếu tố chất lượng, cũng có không ít người cho rằng nên thận trọng khi chọn mua smartphone hết thời, dù có là hàng mới và xịn. Vì thực tế, chúng đều là hàng đã ra mắt lâu, có sản phẩm đã ngừng sản xuất và không còn được hỗ trợ về phần mềm. Việc sử dụng lâu dài sẽ ít nhiều ảnh hưởng.
Bình luận