Xe nhỏ dưới 1,5 lít giảm giá nhưng mức giảm không sâu, không thực sự ảnh hưởng nhiều tới quyết định tiêu dùng. Ngược lại ở phân khúc xe sang, vốn chủ yếu lắp động cơ cỡ lớn, giá lại tăng đáng kể, có thể tới vài tỷ đồng mỗi xe. Thay đổi này khiến doanh số phân khúc sụt giảm.
Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam VAMA, doanh số toàn ngành tháng 7 đạt 28.004 xe, tăng 15% so với tháng 6 và tăng 38% so với cùng kỳ 2015, trong đó xe lắp ráp trong nước 20.726 chiếc (tăng 15% so với tháng trước) và xe nhập khẩu 7.728 chiếc (tăng 14% so với tháng trước).
Những ảnh hưởng của thuế tác động rõ rệt đến quyết định mua sắm ôtô của người Việt. Nếu ở phân khúc phổ thông, top 10 xe bán chạy đều có doanh số tăng so với tháng trước thì ở xe sang mọi chuyện ngược lại.
Lexus, thương hiệu xe sang Nhật có sức mạnh thương hiệu ở Việt Nam ghi nhận doanh số sụt giảm quá sâu. Tháng 7, chỉ có 24 xe Lexus đến tay khách hàng, trong khi tháng 6 doanh số đạt 242 xe. Có nghĩa, doanh số tháng 7 chỉ bằng 10% tháng 6.
Trong khi đó đối thủ đến từ Đức là Mercedes cũng có doanh số giảm nhưng không đáng kể. Doanh số tháng 7 của hãng logo ngôi sao 3 cánh là 489 xe, giảm nhẹ so với con số 502 xe của tháng 6. Một số hãng xe sang khác không công bố doanh số nhưng cũng ghi nhận chịu ảnh hưởng của thị trường.
Lexus hiện bán 7 dòng xe tại Việt Nam là ES, GS, LS, NX, RX, GX và LX với 9 phiên bản. Trong đó tới 6 phiên bản tăng giá, chỉ ba mẫu ES250, NX200t và RX200t là giữ nguyên giá vì lắp động cơ 2 lít không tăng thuế. Còn lại các phiên bản tăng ít nhất 480 triệu và nhiều nhất là 2,3 tỷ.
Anh Hải Khang, một người kinh doanh xe sang nhập khẩu cho biết, việc Lexus bị tụt doanh số tới 90% so với tháng trước đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó giá thay đổi là một yếu tố ảnh hưởng lớn.
Ví như LX570, trước tháng 7 có giá 5,7 tỷ thì từ tháng 7 lên tới 8 tỷ. "Mức tăng 2,3 tỷ thì dù có đại gia cỡ mấy cũng đắn đo", anh Khang phân tích. Với giá mới, khách hàng sẽ phân vân và chuyển sang những lựa chọn khác, có thể xe hãng khác hoặc xe cùng hãng nhưng nhỏ hơn.
Vị này cho biết thêm, bên cạnh nguyên nhân trực tiếp là khách hàng chuyển mua xe khác vì giá tăng lớn, còn nhiều nguyên nhân khác nằm ở cách vận hành của thị trường. Trước 1/7, nắm được thông tin giá xe sẽ tăng mạnh, nhiều khách hàng có xu hướng đặt mua xe chạy thuế từ trước đó vài tháng.
Cũng bởi tâm lý này, nhiều showroom ở ngoài thậm chí nhập xe từ chính hãng rồi găm hàng, hoặc bán ra ngay cho khách với lợi thế không phải chờ đợi như chính hãng, giá tăng ít hơn để hưởng lợi chênh lệch. Cuối cùng, với những khách hàng còn đắn đo và chưa sẵn sàng mua xe sẽ chờ đợi và nghe ngóng cho tới khi thị trường ổn định.
Mercedes chỉ giảm nhẹ bởi hãng này có danh mục sản phẩm mở rộng, nhiều xe lắp ráp trong nước và động cơ 2 lít không bị tăng giá. Bên cạnh đó, những mẫu xe tăng giá mạnh nhất của Mercedes là Maybach hay AMG chỉ dành cho một số khách nhất định, không phải xe bán chạy nhất của hãng.
GLC là mẫu xe đóng góp nhiều vào việc giữ doanh số cao cho hãng. Ở giai đoạn này, khách hàng mua GLC phải chờ tới 6 tháng. Mức giá từ 1/7 chỉ tăng 20-120 triệu so với trước đó tùy phiên bản nên không ảnh hưởng nhiều tới quyết định mua hàng của khách.
Tháng 8 bước vào mùa mua sắm chững lại như hàng năm do trùng tháng 7 âm lịch, tháng kiêng mua sắm theo quan niệm của người Việt. Thị trường có thể sẽ phải chịu doanh số thấp như tháng 7. Một số hãng xe phân khúc bình dân giảm giá để kích cầu, nhưng thị trường xe sang vẫn không có nhiều thay đổi.
Bình luận