(VTC News) - Ai cũng tự ngộ nhận mình là nghệ sĩ, hát nửa câu cũng thành “nghệ sĩ trên báo”. Đó là hệ quả khôn lường mà các cuộc thi hát trên truyền hình mang lại cho các thí sinh tham gia.
Ảo tưởng vì truyền hình thực tế
Những cuộc tìm kiếm tài năng ca hát đã và đang chiếm sóng trên các kênh truyền hình lớn suốt từ đầu năm đến nay. Đã kết thúc có Vietnam Got Talent, Hợp ca tranh tài, Ngôi nhà âm nhạc. Đang nóng có Sao Mai điểm hẹn, Vietnam Idol, Giọng hát Việt, Đồ Rê Mí, …
Bùng nổ các cuộc thi là vậy, nhưng chất lượng thí sinh thực sự là vấn đề đáng quan tâm hơn. Chẳng hạn với Vietnam's Got Talent, người bước lên bục chiến thắng chỉ trải qua 4 bài hát đã được khẳng định tài năng, mà mỗi bài chỉ hát có vài câu.Nguyễn Tấn Cương, thí sinh đến với vòng thử giọng tại TP.HCM phải nhờ ba mẹ chăn gần 1000 con vịt để đi thi.
Hay ở Hợp ca tranh tài, đến vòng chung kết rồi các đội hợp ca còn thể hiện rất nghiệp dư trong cách hòa giọng. Đến độ, thi hợp ca mà người ta hát hợp ca nhép trên sân khấu khi ghi hình phát trực tiếp để đảm bảo được yếu tố chuyên môn.
Không chỉ những chương trình làng nhàng mới vậy, ngay cả cuộc thi đang được xem là nóng nhất hiện nay, Vietnam Idol, cũng thấy đủ các trò “cười ra nước mắt” về hai chữ tài năng.
Vietnam Idol 2012 đang lập kỷ lục về số lượng thí sinh tham gia thử giọng. Con số chưa chinh xác đã lên đến hơn 20.000 người. Nhưng tài năng cũng lắm kiểu.
Nguyễn Tấn Cương, thí sinh đến với vòng thử giọng tại TP.HCM chia sẻ: “Trước khi đi thi tôi phải nhờ ba mẹ chăn gần 1.000 con vịt. Hàng ngày vào giờ này thì tôi đang lùa vịt và cho chúng ăn. Nhưng với đam mê và muốn được ca hát thoải mái nên tôi đã quyết định tham gia Vietnam Idol. Nếu có cơ hội tôi rất muốn làm ca sĩ”.
Sức hút của Vietnam Idol 2012 còn khiến thôn nữ còn nhỏ tuổi Nguyễn Thị Chiến từ Bắc Giang đến Hà Nội dự thi. Chiến cho biết cô đã mơ giấc mơ ca sĩ từ khi còn rất nhỏ. Cô hát bất cứ khi nào có thể, thậm chí mỗi khi ra đồng làm việc cũng hát một cách say mê.
Gia đình không muốn Chiến theo đuổi con đường ca hát nên cô bé đến dự thi VN Idol 2012 một mình. Cô hy vọng sẽ nhận được cái gật đầu của cha mẹ đối với con đường ca hát nếu cô thành công tại cuộc thi này. Mai Công Thông đã làm bảo vệ được 6 năm vẫn nuôi ước mơ trở thành ca sĩ khi đến thử giọng tại Vietnam Idol 2012.
Lý giải về điều này, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ: "Chúng tôi đặt tiêu chí là tìm ra những gương mặt mới, tươi trẻ và nhiều cảm xúc. Điều tôi ngạc nhiên là rất nhiều thí sinh là nhà văn, họa sĩ, nhà kinh tế… khi hát lại mang đến cho tôi nhiều cảm xúc hơn những thí sinh học tại các trường nghệ thuật. Cái này không biết nên vui hay nên buồn!?".
Với quan điểm lựa chọn tài năng như thế, đặt trong bối cảnh bùng nổ của các chương trình truyền hình thực tế, đặc biệt là các chương trình tìm kiếm tài năng ca hát, vô hình trung các giám khảo và chương trình đặt thí sinh vào tình huống dễ “ảo tưởng” mình thành nghệ sĩ sau một hai đêm.
Những tài năng lệch lạc
Nhiều cuộc thi ca hát là vậy nhưng đời sống âm nhạc vẫn thiếu vắng những tài năng. Đa số thí sinh sau khi được vinh danh trong một cuộc thi âm nhạc sẽ mất hút. Tất nhiên, để tồn tại và tỏa sáng trong showbiz không đơn giản.
Nhưng thực tế đó cũng chứng minh rằng các tài năng âm nhạc hiện nay đều là những "sao xẹt”. Đó là hệ quả tất yếu của một hệ thống tìm kiếm tài năng đang đặt nặng tính giải trí lên hàng đầu như trong các chương trình truyền hình thực tế hiện nay.
Mục đích chính của đại đa số các cuộc thi hát trên truyền hình như The Voice, hay Vietnam Idol, Ngôi nhà âm nhạc,… đều nhắm đến tạo hiệu ứng khán giả để thu hút quảng cáo và thoả mãn lượng ratting (lượng người xem) cho nhà tài trợ.
Điều này làm bản chất của các cuộc thi hát trên truyền hình bị biến tướng. Tính chuyên môn bị hạ thấp xuống. Tính hiệu ứng được đặt lên hàng đầu.
Chính vì thế mà tài năng đâu chẳng thấy, chỉ thấy các cuộc thi đang giới thiệu không ít những giọng ca ở mức phong trào… cấp phường. Thi thoảng may ra mới tìm kiếm được một vài gương thu hút được công chúng như Uyên Linh, Văn Mai Hương...
Số còn lại không ít người trở thành những nghệ sĩ… trên báo khi những tưởng mình đã thành nghệ sĩ có tiếng ngay sau cuộc thi. Và cũng vì những ảo tưởng mà các chương trình tìm kiếm tài năng ca hát mang lại mà showbiz ngày càng xuất hiện nhiều giá trị ảo.
Trước thực trạng này NSND Thanh Hoa bức xúc: “Chúng ta mất đi quyền giáo dục thế hệ trẻ. Những người tự xưng là ông hoàng cộng với vài phóng viên là có thể lên báo phát biểu gì thì phát biểu. Ai cũng tự ngộ nhận mình là nghệ sĩ, hát nửa câu cũng thành nghệ sĩ trên báo”.Cao Thái Sơn xuất thân từ cuộc thi Sao mai điểm hẹn 2004. Thời gian qua, anh đã khiến dư luận bức xúc khi hát nhép trên sân khấu.
Nghệ thuật là môi trường hoạt động đặc thù và nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp là những tài năng nghệ thuật, những khả năng được đào tạo bài bản và không ngừng trau dồi, luyện tập để vươn lên.
Nhưng thực tế lại đang diễn ra ngược lại. Với sự nở rộ của các cuộc thi hát trên truyền hình, công chúng đang có sự lệch lạc trong cách tiếp nhận tài năng.
Với công nghệ lăng xê hiện nay, chỉ cần chút ít năng khiếu, thậm chí là không, nhưng có nhan sắc, được sự hậu thuẫn của các ông bầu, đi lên bằng sự PR, bằng các scandal... lại xuất trong các chương trình tìm kiếm tài năng ca hát lớn, người ta dễ dàng trở thành ngôi sao trong ngày một ngày hai mà không cần qua bất cứ một trường lớp hay sự thẩm định chuyên môn nào.
Sau đó, chính những “ngôi sao ảo”, mà không ít người xuất thân từ các cuộc tìm kiếm tài năng trên truyền hình, gây bức xúc dư luận khi tràn lan "hát nhép", gây trò nhiễu nhương trên sân khấu.
Để giải quyết những vấn nạn trên, ca sĩ Lan Anh rất hy vọng vào đề án cấp thẻ hành nghề đang được Bộ VHTTDL nghiên cứu. Lan Anh cho rằng: “Việc cấp một mặt tạo điều kiện cho những nghệ sĩ tài năng, có khả năng, có trách nhiệm hoạt động thuận lợi. Mặt khác cũng giúp loại bỏ những người không có khả năng, chỉ coi nghệ thuật là nơi để kiếm danh và kiếm tiền”.
Đàm Mộng Hoài
Bình luận