Báo cáo tài chính của Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán: SAB) cho thấy năm 2018 phát sinh 9.649 tỷ đồng các khoản phải nộp nhà nước gồm thuế thu nhập doanh nghiệp và cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng...
Tính đến thời điểm cuối năm, công ty đã nộp hơn 9.680 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng hơn 70% trong số này là thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm đồ uống có cồn. Công ty đang còn nợ hơn 1.000 tỷ tiền thuế các loại do tồn đọng từ các năm trước, chiếm gần 18% tổng nợ ngắn hạn.
Sabeco cũng nhắc lại việc nhận được các quyết định cưỡng chế hơn 3.100 tỷ đồng tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính với thuế tiêu thụ đặc biệt giai đoạn 2007 - 2015 từ Cục thuế TP HCM. Tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty khẳng định không có hành vi sai phạm trong việc kê khai và nộp thuế, đồng thời thực hiện đúng hướng dẫn bằng văn bản của Bộ Tài chính và cơ quan thuế nên không ghi nhận số tiền này vào báo cáo tài chính.
Ngày 2/1, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng có văn bản hỏa tốc, truyền ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng chưa cưỡng chế thuế Sabeco trong thời gian chờ các bộ ngành, cơ quan xem xét.
Báo cáo tài chính cũng ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2018 của Sabeco tăng hơn 5% so với năm trước, lên trên 36.000 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều được tiết giảm, nhưng bù lại phát sinh thêm chi phí tài chính và giảm lãi tại công ty liên doanh – liên kết nên lợi nhuận sau thuế giảm đến 11%, chỉ còn 4.400 tỷ đồng.
Dù vượt mục tiêu lợi nhuận đề ra, nhưng kết quả kinh doanh tụt dốc trong năm đầu tiên về tay tỷ phú Thái Lan cũng khiến Sabeco đứt mạch tăng trưởng sáu năm liên tiếp.
Nhằm cải thiện tỷ suất lợi nhuận thêm khoảng 3-4% trong vài năm tới, Sabeco dự kiến điều chỉnh hoạt động kinh doanh đối với 5 mảng chủ chốt gồm sản xuất, phân phối, tiếp thị, chuỗi cung cấp và kho bãi. Quá trình này khiến doanh nghiệp dẫn đầu thị phần bia tại Việt Nam phải xem xét việc mua cổ phần thiểu số ở các công ty bia và phân phối, từ đó dẫn đến những thay đổi về mặt nhân sự.
Ban lãnh đạo mới đề ra một trong những ưu tiên hàng đầu là phát triển hệ thống phân phối tốt hơn tại các thành phố lớn, đặc biệt là TP HCM. Thông qua đó, Sabeco sẽ giành lại thị phần ở khu vực thành thị, nơi mà Heineken đang thống lĩnh.
Theo phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán TP HCM, thị phần của Sabeco năm nay xấp xỉ 42,8%. Do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các công ty đa quốc gia nên con số này giảm nhẹ so với mức 43,6% của năm trước. Sản lượng tiêu thụ cũng vì thế tăng trưởng thấp hơn mức bình quân toàn ngành, khoảng 1,85 tỷ lít bia. Đến hết năm 2019, thị phần bia của Sabeco có thể nhích nhẹ lên 43% nhờ nỗ lực tiếp thị và tung sản phẩm mới ra thị trường. Sản lượng tiêu thụ cũng tăng lên 1,95 tỷ lít.
Đầu năm nay, doanh nghiệp dẫn đầu thị phần bia rượu tại Việt Nam cũng chính thức trở thành công ty ngoại sau khi ThaiBev rót tiền, tăng vốn tại Công ty Vietnam Beverage – cổ đông lớn nhất của Sabeco.
Cụ thể, Vietnam Beverage và BeerCo (công ty con của ThaiBev) đã ký một thỏa thuận chuyển đổi toàn bộ số tiền cho vay và trả lãi hơn 111.200 tỷ đồng vào tăng vốn điều lệ cho Vietnam Beverage. Vietnam Beverage đã được Sở kế hoạch Đầu tư TP Hà Nội chấp thuận tăng vốn từ 682 tỷ đồng lên 111.890 tỷ đồng. Điều này có nghĩa BeerCo mua lại khoản nợ của VietNam Beverage, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu lên 99,39% tại đơn vị này.
Việc chuyển đổi khoản vay giữa Vietnam Beverage và BeerCo cũng giúp giảm nợ nước ngoài quốc gia của Việt Nam gần 5 tỷ USD, khoản tiền ThaiBev đã vay để mua, sở hữu hơn 53% vốn tại Sabeco hồi tháng 12/2017.
Bình luận