Từ chia sẻ của thầy giáo tuổi hưu Nguyễn Tố, người viết mới rõ về những tính năng chữa bệnh của móng tay người. Khi được người viết cung cấp những y văn được các danh y ghi chép cụ thể về cái thứ tưởng chừng như phải bỏ đi này, ông Tố mừng lắm và cũng chính ông lại đẩy người viết vào một hành trình khám phá khác cũng liên quan đến bộ phận bỏ đi của cơ thể người, đó chính là răng và tóc rối.
Theo ông Nguyễn Tố và nhiều tài liệu y khoa cổ khác thì 2 phế phẩm này chính là những “dược phẩm” rất đỗi thần kỳ.
Dùng răng người để luyện phép khiến đao thương bất nhập?
“Tôi còn nhớ lần cuối cùng trò chuyện với cụ Song tại nhà riêng của cụ, hôm ấy cháu ngoại của cụ là bé Na, 4 tuổi bị rụng một cái súng răng, cụ nhặt chiếc răng để trên bàn và bật mí cho tôi biết răng người cũng có nhiều phép chữa bệnh rất hay. Tiếc rằng hôm ấy vì cụ có việc bận nên chẳng thể trò chuyện được lâu. Cụ hẹn lần khác sẽ chỉ cho tôi các bài thuốc chữa bệnh từ răng người. Ai ngờ đó là lần gặp cuối!”, ông Tố gợi mở câu chuyện.
Không chỉ ông Tố, một số người già mà người viết gặp được trong quá trình thực hiện loạt bài hé mở những bí ẩn về các bài thuốc cổ kỳ lạ của người xưa cũng nhắc đến nhiều tính năng chữa trị thần kỳ của răng người.
Cụ Nguyễn Bá, 78 tuổi, ở thị trấn Nàng Mau, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang kể, ngày trước cụ từng nghe cụ thân sinh kể rằng răng người nếu biết cách sử dụng sẽ đạt được nhiều bài thuốc hay. Từ nó mà những chiến binh bị trọng thương lúc lâm trận đã thoát được cái cảnh chết thối da thối thịt.
Những cuộc tìm gặp đặng khai mở bí ẩn về bài thuốc từ răng người đã mở ra trong người viết nhiều chuyện ly kỳ khác. Đặc biệt là truyền khẩu tướng sĩ của chúa Nguyễn Ánh, vị chúa cuối cùng của thời các chúa Nguyễn (sau này lên ngôi vua, lập nên triều Nguyễn lấy niên hiệu Gia Long) nhờ “bột răng người” đã “lột xác” thành những chiến binh hùng mạnh trên sa trường, đao thương bất nhập, chẳng sợ hòn tên mũi đạn.
Lời truyền của thế gian nghe đậm chất hoang đường, vô thực, có phần mê tín dị đoan nên người viết không dấn sâu tìm hiểu. Cụ Bá khi được chia sẻ những thông tin này cũng đã bác bỏ thẳng thừng. Cụ nói đại ý rằng răng người cũng như móng tay người, có phép chữa trị khoa học của nó chứ ghép vào chuyện ma mị bùa chú thì… ai mà tin được!
Khả năng kỳ diệu
Tìm gặp nhiều lương y, nghe hỏi chuyện răng người chữa bệnh, có vị bảo đó là “tầm bậy” nhưng cũng có vị cho biết đó là kinh nghiệm chữa trị hiệu quả của cha ông được đúc kết thành y văn hẳn hoi.
Từ sự giúp đỡ của lương y Nguyễn Thái Bình (Q. 12, TP. HCM), người viết có cơ hội tiếp cận với nhiều ghi chép của tiền nhân về bài thuốc chữa bệnh từ răng người.
Theo đó, răng người được gọi là “Nhân nha”, khí nóng, vị mặn, có độc, dùng chữa chứng phụ nữ mọc nhọt ở vú, hay chứng nhũ ung (vú bị thối). Sách cổ ghi rằng Nhân nha sát được trùng lao, chữa được chứng sốt rét cách nhật hay trong bụng có báng (khí độc) làm người bụng to ì ạch.
Lý Thời Trần là danh y người Trung Quốc. Từ hàng trăm năm trước, ông đã ghi chép lại những phương cách chữa trị của không chỉ Nhân nha mà có cả Nhân sĩ cấu (cáu ghét từ răng người).
Và cũng thật lạ, 2 danh y nước Việt là Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông cũng ghi nhận Nhân nha là phương thuốc huyền nhiệm. Trong Lĩnh Nam bản thảo, Hải Thượng Lãn Ông, ghi: “Nhân nha tục gọi cái răng người/ Ngọt, mặn, có độc, nóng hơi hơi/ Chữa được nhũ ung và đậu hãm/ Trùng lao, cổ độc khỏi tức thời”.
Ghi chép của danh y Tuệ Tĩnh trong Nam dược thần hiệu: “Nhân nha - răng người vị ngọt hơi nóng, mặn, tính có độc, công dụng chữa sốt rét, nốt đậu bị đảo hãm, lao trùng, sang lở và cổ độc”.
Từ những chứng liệu trên mới thấy chẳng phải là lời truyền vô căn cứ trong dân gian, bài thuốc từ răng người và cáu ghét răng người là có thật, được các danh y Trung Quốc lẫn Việt Nam ghi chép hẳn hoi trong những y văn nổi tiếng.
Cũng từ ghi chép này, người viết đã có thể lý giải rõ ràng, cụ thể về thắc mắc của cụ Nguyễn Bá ở thị trấn Nàng Mau có đúng nhờ bài thuốc gốc răng người mà “những chiến binh bị trọng thương lúc lâm trận đã thoát được cái cảnh chết thối da thối thịt”? Khi được nung cháy răng người trở thành thứ bột có tác dụng giải độc mũi tên hòn đạn, giúp da thịt chóng lành mà không bị lở loét trong điều kiện chiến tranh nguy cấp, thiếu thốn?
“Thần dược”… tóc rối
Thường nhắc đến tóc, người ta đa phần là người có máu dị đoan hay liên tưởng đến những chuyện trù ếm bằng bùa chú của những “phù thuỷ”. Cùng đó là hình ảnh những ông bà thầy pháp được đồn thổi cao tay sau khi lên đồng nhập cốt khấn thần gọi hồn với sự trợ giúp của các thế lực âm binh đã “gỡ” từ ổ bụng con bệnh những nùi tóc rối bù.
Về chuyện này, người viết sẽ sớm quay trở lại giải mã trong một ngày gần đây. Riêng chuyện tóc rối chữa bệnh xin được khẳng định với bạn đọc là chuyện có thật, thật như trảo giáp và nhân nha vậy!
Theo ghi chép của cố GS-TS Đỗ Tất Lợi, tóc rối còn được gọi bằng nhiều tên khác như nhân phát, loạn phát, đầu phát… Người xưa cho rằng tóc do huyết thừa sinh ra, cho nên còn gọi tóc là huyết dư (máu thừa).
Cũng theo ghi chép của cố GS-TS Đỗ Tất Lợi, tóc dùng làm thuốc thì nam hay nữ đều sử dụng được. Tóc ấy có thể lấy quanh năm ở các hàng thợ cạo (tiệm hớt tóc ngày nay). Tóc lấy về dùng nước có xà phòng hay nước pha chất kiềm rửa sạch và phơi khô, hoặc đốt toàn tính bằng cách cho tóc vào nồi gang hay nồi đất với yêu cầu lèn cho thật chặt rồi đậy nắp, dùng đất dẻo trát cho kín và đem nung.
Khi nung dùng lửa từ từ với thời gian, nhiệt độ phải canh cho đúng (nếu dùng lửa mạnh quá và thời gian dài thì tóc cháy hết và ngược lại). Khi đã đốt đủ để tóc vừa rã ra thì nhắc nồi xuống để nguội.
Than tóc rối được ghi nhận đen bóng xốp, nhẹ dễ vỡ, vị đắng, có mùi đặc biệt của tóc đốt. Tóc khi được đốt Đông y gọi là huyết dư thán. Còn được gọi với những tên khác như loạn phát thán, đầu phái thán!
Theo Đông y, tóc rối vị đắng, tính hơi ấm, không độc, đi vào 3 kinh tâm, can và thận. Tóc rối có tác dụng tiêu ứ, cầm máu, dùng làm thuốc trấn kinh trẻ con (an thần), chữa các chứng lỵ, sang lở (nhiễm trùng), đậu mùa. Khi dùng phải đốt, không được dùng sống. Nhân dân dùng huyết dư tán để chữa thổ huyết, máu cam, lỵ ra máu, tiểu tiện ra máu, đại tiểu tiện khó khăn.
Trong “Danh y biệt lục” và Bản thảo cương mục (Trung Quốc) ghi liều dùng của tóc rối với mỗi người mỗi ngày từ 4-8 gam, có khi nhiều hơn nhưng không được quá 12 gam. Không như răng và móng tay người, tóc rối được cách sách cổ lưu ý “những người ứ nhiệt thì không nên dùng”.
Và không chỉ dừng lại ở đó, tóc rối còn được các sách cổ kể rằng nhân dân dùng nấu cao dán đắp lên mụn nhọt chữa vỡ mủ giúp giảm đau nhức và có tác dụng cầm được máu rất hiệu nghiệm.
Trên đây là những phương thuốc giản đơn mà thần hiệu từ các phế phẩm của cơ thể người gồm răng, tóc, móng tay móng chân… mà người viết ghi nhận được. Điều đó cho thấy nền y học cổ truyền của nước Việt ta rất phong phú, đa dạng. Tất nhiên trong hoàn cảnh hiện tại, phần lớn những căn bệnh được kể ở trên đã có những phương thuốc khác thay thế nhưng không vì thế mà chúng ta được phép quên hay lộ tỏ sự xem thường đến những kinh nghiệm chữa trị của cha ông.
Trong điều kiện khó khăn, trình độ y học hạn hẹp nhưng người xưa với sự quan sát, trí thông minh đã sử dụng những thứ vứt đi phục vụ cho việc chữa trị giúp người, chỉ riêng điều ấy thôi đủ để cho ta trân quý,thán phục.
Theo Dược sĩ Phúc Trinh (Báo Gia đình & Cuộc sống)
Bình luận