• Zalo

Ra sức săn cổ phiếu giá bèo

Kinh tếThứ Sáu, 03/06/2016 06:56:00 +07:00Google News

Nhiều cổ phiếu giá bèo vẫn được giới đầu tư ra sức săn đón vì tỉ lệ chi trả cổ tức của những cổ phiếu này rất hấp dẫn.

Nhiều mã chứng khoán mặc dù đã lên sàn nhưng tỉ lệ giao dịch trên thị trường rất thấp, thanh khoản gần như trống không và chủ yếu tập trung trên UpCom - sàn giao dịch của cổ phiếu của công ty đại chúng chưa niêm yết.

Cổ tức gấp nhiều lần thị giá

Mặc dù vậy, giới đầu tư vẫn ra sức săn đón những cổ phiếu này vì tỉ lệ chi trả cổ tức rất hấp dẫn. Điều này trái ngược hẳn với các cổ phiếu niêm yết trên sàn chính thức - khi công ty làm ăn thua lỗ, cổ tức gần như không có, nhà đầu tư đồng loạt bán ra khiến giá càng giảm mạnh.

Nhiều nhà đầu tư bỏ công săn lùng cổ phiếu thuộc dạng hàng hiếm để được nhận cổ tức cao ngất ngưởng Ảnh: HOÀNG TRIỀU 

Điển hình, cổ phiếu MEF của Công ty CP Mainfa một thời gian dài đứng yên ở mức 900 đồng/cổ phiếu, trong khi giá chào sàn năm 2011 tới trên 30.000 đồng. Tuy vậy, cổ đông sở hữu một cổ phiếu này vừa nhận được thêm 4.000 đồng tiền cổ tức. Sở dĩ cổ phiếu MEF có tỉ lệ chia cổ tức cao vì Công ty CP Mainfa bắt đầu làm ăn tốt trở lại, lợi nhuận ổn định sau vài năm kinh doanh bết bát. Hiện chỉ số EPS của MEF là 5,3, P/E chỉ 0,17, giá trị sổ sách lên đến 20.000 đồng. Theo tính toán, với mức giá hiện tại của MEF là 900 đồng/CP, hiệu suất cổ tức của MEF lên đến 44%.

Cổ phiếu KSC của Công ty CP Muối Khánh Hòa cũng đang có thị giá bèo bọt, chỉ 400 đồng/cổ phiếu và hầu như không có giao dịch nhưng cổ tức vài năm liên tục đều ở mức khá cao. Cụ thể, năm 2015, cổ đông của KSC nhận 3 lần cổ tức với tổng tỉ lệ 29%, tương đương 2.900 đồng/cổ phiếu. Năm nay, công ty tiếp tục trả cổ tức 13% bằng tiền mặt, tức 1.300 đồng/cổ phiếu, gấp hơn 3 lần thị giá. Hiện giá trị sổ sách cổ phiếu của KSC lên đến 15.000 đồng, trong khi EPS chỉ 3,1 lần. Cũng như các mã khác, từ khi lên sàn vào năm 2010 đến nay, KSC chỉ có giao dịch khi Tổng Công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn và 70 cổ đông nội bộ nhận chuyển nhượng hầu như không ai bán ra.

Nhà quản lý “đau đầu”

Tuy nhiên, việc cổ phiếu có cổ tức cao, trong khi thị giá quá thấp cũng khiến nhà quản lý “đau đầu”. Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (đơn vị quản lý sàn UpCom) phải gửi thông báo riêng cho Công ty CP Muối Khánh Hòa về việc điều chỉnh giá cổ phiếu KSC sau khi chia cổ tức. Theo đó, sở không thực hiện điều chỉnh giá tham chiếu và áp dụng biên độ giao dịch +/-40% với cổ phiếu KSC trong ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức đợt 2/2015 vào ngày 18-5 vừa qua. Ngoài ra, biến động của KSC trong phiên giao dịch cũng được áp dụng khi tính chỉ số UpCoM-Index.

Trước đó không lâu, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cũng phải áp dụng quy chế riêng với cổ phiếu MEF khi doanh nghiệp này trả cổ tức 4.000 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá chỉ có 900 đồng - thấp hơn giá trị cổ tức nhận được. Cổ phiếu PTG cũng chia cổ tức 10%, tương ứng 1.000 đồng cho 1 cổ phiếu nhưng thị giá chỉ 700 đồng nên không bị điều chỉnh giá tham chiếu và áp dụng biên độ giao dịch +/-40%, cũng như không tham gia tính chỉ số vào ngày 24-5 vừa qua.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty CP Chứng khoán Maybank KimEng, cho rằng những cổ phiếu nêu trên thuộc dạng “hàng hiếm”. Nhiều doanh nghiệp có tỉ lệ cổ phiếu lưu hành trên thị trường thấp mà mức chia cổ tức lại cao nên hầu như liên tục nhiều tháng, thậm chí cả năm, không có ai bán. Đó cũng là lý do vì sao các cổ phiếu này có giá âm nếu tính theo giá điều chỉnh sau khi chia cổ tức.

“Không có quy định nào bắt nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu phải bán đi cho dù nó ở mức giá nào. Nhà đầu tư thấy có lợi thì họ nắm giữ cổ phiếu. Chỉ có điều, những doanh nghiệp này vốn hóa rất thấp, thanh khoản ít nên chỉ giao dịch trong phạm vi nội bộ” - ông Khánh lưu ý.

Nguồn: NLĐ
Bình luận
vtcnews.vn