• Zalo

Quyền lực và danh tiếng của ông bầu Nguyễn Đức Kiên

Pháp luậtThứ Năm, 19/12/2013 12:15:00 +07:00Google News

Vì sao một ông bầu đầy quyền lực, danh vọng trong bóng đá, đại gia thống soái ngân hàng thương mại cổ phần lại nhanh chóng "rớt đài" với hàng loạt tội lỗi?

Vụ án Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) được VKSND tối cao truy tố với 4 tội danh, dự kiến đưa ra xét xử trong thời gian tới.

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đưa vào diện án điểm. Câu hỏi đặt ra: Vì sao một ông bầu đầy quyền lực, danh vọng trong bóng đá, đại gia thống soái ngân hàng thương mại cổ phần, người từng làm "nổ tung" giới truyền thông, chỉ sau thời gian ngắn lại nhanh chóng "rớt đài" với hàng loạt tội lỗi?

Một thời thẳng lối

Thật ra, cái tên Nguyễn Đức Kiên (SN 1964) đã nổi từ lâu, cả về danh tiếng lẫn quyền lực trong giới ngân hàng thương mại và bóng đá.

Nguyễn Đức Kiên quan sát từ khán đài khi còn là ông bầu. 
Sự nghiệp khởi đầu của bầu Kiên xem cũng khá xuôi ngọt. Cha ông là Nguyễn Đức Lung, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Cao Bá Quát, Gia Lâm, Hà Nội, nơi ông theo học cấp III. Năm 1980, ông thi đậu vào Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự), khóa 15. Sự nghiệp bùng nở như hoa đúng dịp mưa thuận gió hòa, chỉ sau một năm học tại Học viện, đạt kết quả xuất sắc, ông được chọn đi du học tại Trường Kỹ thuật Quân sự Zalka Maté Hungary.

Ông Kiên từng nổi danh với tên gọi "bầu Kiên" hay "Kiên bạc", có vẻ như chỉ điều đó cho thấy tên tuổi ông gắn với bóng đá hơn là tài chính, tiền tệ, còn "Kiên bạc" hẳn khỏi bàn khi mái đầu ông khó tìm thấy sợi tóc đen.

Ông là thành viên Hội đồng sáng lập Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (Ngân hàng TMCP Á Châu). Ngoài ra ông Kiên còn làm Chủ tịch HĐQT Công ty Thể thao ACB, Chủ tịch HĐQT Công ty Thiên Nam, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch Chợ Lớn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tài chính Á Châu và là Phó Chủ tịch Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội...

Xem như thế thì chức danh của ông ghi hàng trang giấy, từ thống lĩnh ngân hàng thương mại cổ phần đến du lịch, rồi ông bầu bóng đá, ở lĩnh vực nào cũng vai vế "khủng".

Danh tiếng bầu khủng

Tuy nhiên danh tiếng bầu Kiên thực sự đốt nóng dư luận chỉ sau Hội nghị tổng kết mùa giải 2011 của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Dù không được mời tham dự, ông Kiên đã bất ngờ lên phát biểu với hàng loạt "khẩu đại liên" nhằm vào những tiêu cực, yếu kém của giải bóng đá và trách nhiệm VFF. Những phát biểu của ông được báo chí coi là "quả bom" chưa từng có tại các hội nghị tổng kết. Khi đó, ông bầu tóc bạc "nổ".

Với sự kiện lịch sử này, một đề án thành lập công ty cổ phần tổ chức sự kiện bóng đá do bầu Kiên (Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội) soạn thảo, đã được 6 câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp ủng hộ và đại diện những đội bóng này cùng ký tên vào. Bản đề án này cũng được phân phát cho giới truyền thông, tạo áp lực xã hội đối với VFF.

Kết quả, ngày 29/11/2011, tại trụ sở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, đại diện VFF cùng 25 câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp, gồm 14 câu lạc bộ đang thi đấu ở V-League và 10 câu lạc bộ đang thi đấu ở Giải bóng đá hạng Nhất quốc gia Việt Nam, đã họp và đi tới thống nhất ký vào các văn bản theo thủ tục luật định để trình lên Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội xin cấp phép hoạt động cho VPF.

Đây được xem như Đại hội cổ đông thành lập VPF, với vốn điều lệ ban đầu là 30 tỷ đồng, trong đó Liên đoàn Bóng đá Việt Nam là cổ đông lớn nhất nắm giữ 35,4% vốn điều lệ; 14 câu lạc bộ tham dự Giải V-League đóng góp 54,6% vốn điều lệ và 10 câu lạc bộ bóng đá tham dự Giải hạng Nhất quốc gia đóng góp 10% vốn điều lệ.

Một tháng sau, Đại hội đồng cổ đông lần thứ I của công ty đã bầu ông Võ Quốc Thắng là Chủ tịch Hội đồng quản trị, các ông Lê Hùng Dũng, Nguyễn Đức Kiên và Đoàn Nguyên Đức là Phó Chủ tịch.

Rõ ràng, sự ra đời của VPF với rất nhiều ban bệ, nhưng người ta chỉ biết đó là kết quả của ông bầu tóc bạc Nguyễn Đức Kiên. Khi đó, ông được báo chí tung hô như người hùng, với tư cách người dám chọc trực diện vào những tiêu cực, những mảng tối của làng bóng đá, chứ không ai đặt câu hỏi động cơ đằng sau phát biểu đó là gì, vì mục đích gì. Bầu Kiên được báo giới tung hô lên mây xanh và làm "say lòng" hàng loạt độc giả.

Một độc giả viết: "Hoan hô bầu Kiên. Kể từ ngày Lã Xuân Thắng của Hà Nội đá phản lưới nhà thì tôi đã không còn đến sân cổ vũ bóng đá ở giải V-League nữa mà thay vào đó tôi dành thời gian đến sân cổ vũ hết mình không ngại mưa nắng cho các giải bóng đá nhi đồng, U.18, U.21 và giải bóng đá trẻ em đường phố...

Tôi không muốn nhắc và cũng không còn gì xứng đáng để tôi nhắc tới một số con người trong VFF và trọng tài V-League nữa. Tôi chỉ muốn nói với bầu Kiên một câu thế này: Mong anh và những người có tâm với bóng đá Việt Nam tổ chức được giải FP-League (Fair Play League) vì người hâm mộ chân chính của bóng đá Việt Nam và vì tương lai tốt đẹp của bóng đá Việt Nam".

Tuy nhiên, số phận của VPF không như mường tưởng, cả những người sáng lập cũng có đường đi lạ kỳ. Tới nay, trong số 6 thành viên sáng lập VPF thì chỉ còn 2 người vẫn còn vai vế ở đây là bầu Đức, bầu Thắng. Những người khác mỗi phận một chứng, đáng nói nhất là việc bầu Kiên sau tuyên bố hùng hồn làm “nổ tung” làng bóng đá, lại tra tay vào còng.

Chủ tịch K.Khánh Hòa Lê Tiến Anh thì lùi hẳn lại vì K.Khánh Hòa giải thể, còn bầu Hoàng Mạnh Trường (V.Ninh Bình), bầu Nguyên Văn Đệ (Thanh Hóa) theo báo giới thì họ đã không chịu đóng tiền cổ đông cho tới cuối tháng 10/2013, khi bị dọa "nghỉ chơi" V.League mới chịu đóng tiền. Thậm chí có người còn bày tỏ sự nghi ngờ về tính minh bạch trong các hoạt động tài chính ở VPF... Với VFF, đương nhiên họ không mặn mà gì với một tổ chức do các ông bầu bóng đá sáng lập, vốn làm tổn hại đến chính quyền lợi và uy danh của mình.

Xem như thế, các sự ra đời của "liên minh" bóng đá do bầu Kiên "nổ súng" hai năm trước như sóng ngoạm bờ, đột dưng lặng dần và chưa biết sẽ vỡ lúc nào.

Quyền lực ở ngân hàng thương mại

Đình đám với những "đại liên" trong làng bóng đá, tuy nhiên đó chỉ là lĩnh vực nổi, còn điều làm nên sự nghiệp đủ quyền lực, tài chính để gọi đại gia phải kể đến tài chính, ông lão tóc bạc có những bước tiến khủng.

Từng theo quân ngũ nhưng ông không hoạt động trong quân ngũ mà vào làm việc tại Tổng Công ty Dệt may với 8 năm khá yên lặng ở đây. Năm 1994, khi vừa tròn 30 tuổi, Nguyễn Đức Kiên nhảy sang lĩnh vực ngân hàng và nhanh chóng chứng tỏ vị thế của một ông lớn.

Ông Kiên có vị trí trong Hội đồng quản trị của ACB từ năm 1994 và đến ngày 17/10/2006 đã nắm giữ hơn 4,1 triệu cổ phiếu ACB, trong khi vợ ông nắm 4,5 triệu cổ phiếu ACB, 3 người em của ông Kiên nắm 10,7 triệu cổ phiếu ACB (tổng khối lượng lưu hành của ACB lúc này là hơn 110 triệu đơn vị, tương đương hơn 1.100 tỷ đồng vốn điều lệ).

Đến trước khi thôi làm thành viên HĐQT của ACB, vợ chồng Nguyễn Đức Kiên và ba em của ông nắm giữ 9,71% cổ phần của ACB.

Ngoài ra, ông Kiên còn có cổ phần trong các ngân hàng lớn khác như Eximbank, Kiên Long Bank, Vietbank, Đại Á, Techcombank. Cùng với thống soái ngân hàng thương mại cổ phần, bầu Kiên còn nhúng tay đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực khác như du lịch, may mặc, bất động sản.

Ông đã từng là Chủ tịch của Liên doanh dầu nhờn Caltex và Phó Chủ tịch của Liên doanh KFC Việt Nam. Còn trong lĩnh vực du lịch, Nguyễn Đức Kiên cũng có "ghế" trong Hội đồng quản trị của CTCP Dịch vụ Du lịch Chợ Lớn và CTCP Du lịch Thiên Minh (Công ty Thiên Minh nổi danh với thương vụ chi 45 triệu USD mua lại chuỗi khách sạn Victoria).

Nhưng, khi mọi sự đang như tàu vận hành thẳng băng trên đường ray, bất ngờ cơ quan tiến hành tố tụng sờ gáy. Từ đây, hàng loạt phi vụ được lộ tẩy...

Theo Công An Nhân Dân

Bình luận
vtcnews.vn