• Zalo

Quy định viếng dưới 7 vòng hoa: sốc gây "bão"

Thời sựThứ Sáu, 11/01/2013 07:00:00 +07:00Google News

(VTC News) – “Những việc lớn có thể sử dụng luật để tiết kiệm hơn thì tại sao không làm mà lại áp dụng vào với những người đã chết?”.

(VTC News) – “Những việc lớn có thể sử dụng luật để tiết kiệm hơn thì tại sao không làm ,mà lại áp dụng vào với những người đã chết?”.

Quy định về việc tổ chức lễ tang cán bộ, công chức viên chức không có quá 7 vòng hoa, linh cữu không để ô cửa có lắp kính đã gây bão trong dư luận. Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ Nghị định, cũng có không ít luồng ý kiến trái chiều.

Đám tang mỗi công chức không có quá 7 vòng hoa 

Anh Nguyễn Việt Dũng (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) nói: “Những việc lớn có thể sử dụng luật để tiết kiệm hơn thì tại sao không làm mà lại áp dụng vào với những người đã chết? Tôi thấy 1 bữa tiệc liên hoan của công chức ăn mừng một việc nào đó có thể còn tốn kém hơn cả chục đám tang ấy chứ. Đến người chết rồi mà vẫn còn phải chịu luật!”.


Có cùng quan điểm với anh Dũng, bà Nguyễn Thị Hoan (Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội) cũng nhận định: “Lại không khả thi rồi! Công chức viên chức khi nằm xuống cũng là một con người bình thường.

Anh/chị ta có bà con, bạn bè chứ không chỉ là những đồng chí công chức viên chức. Những bạn bè của anh/chị ta đi viếng cứ mua sẵn vòng hoa đến chẳng lẽ Ban tổ chức tang lễ bắt... mang về?”.

“Mà lỡ gia đình công chức viên chức có nhận hàng chục vòng hoa thì có cách gì xử lý họ? Có nhiều chỗ để tiết kiệm lắm, chẳng hạn cấm dùng tiền cơ quan để mua lẵng hoa chúc mừng khai trương, khánh thành, đại hội, mừng nhậm chức, mừng bằng khen…chứ tiếc gì những bông hoa thương tiếc người đã khuất, vừa không hợp lý hợp tình, vừa không khả thi”, bà Hoan nhấn mạnh.

 

Vòng hoa là để tưởng nhớ tới người đã khuất. Cấm đám tang rình rang, tốn kém, phong bì biếu xén...thì không cấm!

Ông Nguyễn Văn Kiêm (Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội)
 
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Kiêm (Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) nêu quan điểm: “Một người công chức làm việc tận tuỵ, liêm chính chắc chắn sẽ được mọi người yêu quí, kính trọng. Khi qua đời sẽ đc nhiều người đến viếng. Không lẽ lại cấm người ta thể hiện lòng tri ân đến một con người như vậy?!


Vòng hoa là để tưởng nhớ tới người đã khuất. Cấm đám tang rình rang, tốn kém, phong bì biếu xén...thì không cấm!”.

Chị Vũ Thảo Nguyên (Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ: “Quy định về đám ma công chức, viên chức thế là phi lý. Đối tượng bị điều chỉnh bởi quy định đã chết rồi, và nghĩa tử là nghĩa tận, thì lấy gì để cưỡng chế, xử phạt hay điều chỉnh hành vi?

Lúc này, việc tổ chức tang lễ đều do gia đình công chức, viên chức thực hiện và họ không phải là đối tượng điều chỉnh trong quy định nên nếu thực tâm đặt ra quy định này thì cần có chế tài được luật hóa đánh vào di sản thừa kế của đối tượng công chức, viên chức nếu gia đình cố tình làm sai quy định”.

Có nhiều luồng ý kiến trái chiều liên quan tới quy định trên nắp quan tài không được để ô kính để xem mặt người quá cố.  

Trước đó, TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) đã đánh giá rằng những quy định này không khả thi và khó làm.


Tiến sĩ Vũ Thế Long - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội UNESCO Hà Nội từng nêu quan điểm: “Muốn thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí có nhiều cách, không nhất thiết phải quy định hạn chế số lượng vòng hoa viếng trong đám tang người đã mất. Đây là một quy định kỳ quặc, khó hiểu”.

Còn bà Lê Thị Ngọc Điệp, Phó trưởng khoa Văn hóa học, Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM) cũng thừa nhận: “Để thay đổi một thói quen là hơi khó. Nếu quy định số vòng hoa như vậy, người ta đi viếng bằng hình thức khác thì sao? Chẳng hạn họ đi phong bì. Lúc đó có khi còn tốn kém và lãng phí hơn gấp nhiều lần”.

Có thể thấy, vẫn còn nhiều phản biện liên quan tới những quy định mới được ban hành về việc tổ chức lễ tang cán bộ, công chức viên chức này.

*Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi.

Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn