• Zalo

Quốc hội quyết định mỗi Bộ không quá 5 Thứ trưởng

Thời sựThứ Sáu, 19/06/2015 11:20:00 +07:00Google News

Sáng 19/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

(VTC News) – Sáng 19/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Luật Tổ chức Chính phủ được thông qua với 83% đại biểu đồng ý. Theo đó, số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 5, riêng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6 Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý <a href='https://vtcnews.vn/' >đọc báo</a> cáo giải trình tiếp thu Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đọc báo cáo giải trình tiếp thu Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). 
Cụ thể, Điều 38 về Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) quy định: Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện nhiệm vụ do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phân công và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ về nhiệm vụ được phân công.

Số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 5; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6. Trong trường hợp do sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Trước đó, khi thảo luận về quy định này, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với việc quy định cụ thể số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị không quy định “cứng” vấn đề này hay đề nghị tăng số Thứ trưởng của một số bộ, có ý kiến lại đề nghị giảm 1/3 số Thứ trưởng.

Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) quy định vị trí, chức năng của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.

Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

Về Cơ cấu tổ chức và thành viên của Chính phủ, Luật quy định Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội quyết định.

Cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm các bộ, cơ quan ngang bộ. Việc thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ do Chính phủ trình Quốc hội quyết định.

Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới thành lập Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước.

Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; về kết quả, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy hành chính nhà nước; về các chủ trương, chính sách do mình đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Chính phủ báo cáo công tác của Chính phủ với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước một năm hai lần; Chính phủ báo cáo công tác đột xuất theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn