(VTC News) – Thảo luận về mức phạt tiền tối đa tới 2 tỷ đồng trong mức phạt vi phạm hành chính, ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc vẫn chưa “ưng” và cho rằng, nhiều vụ vi phạm giá trị thiệt hại lớn hơn 2 tỷ.
Sáng nay (10/1), Ủy ban TVQH đã thảo luận cho ý kiến một số vấn đề quan trọng tuy nhiên đối với dự án Luật xử lý vi phạm hành chính thì còn nhiều ý kiến khác nhau.
Về quy định mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính tối đa tới 2 tỷ đồng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, nhiều ý kiến cho rằng mức phạt tối đa này là quá cao, không phù hợp với điều kiện KTXH và mức thu nhập bình quân của người dân, không phù hợp với mức phạt tiền tương ứng trong Bộ Luật hình sự.
Các ý kiến cũng cho rằng, mức phạt tiền cao cũng không phải là giải pháp duy nhất và hữu hiệu hạn chế vi phạm mà cần kết hợp với các hình thức phạt bổ sung khác nữa. Hơn nữa, việc quy định mức phạt cao có thể dẫn đến tiêu cực. Do đó, vẫn còn ý kiến trái chiều trong thảo luận về quy định này, ý kiến thì ủng hộ đồng tình, ý kiến thì đề nghị mức phạt tối đa chỉ áp dụng với tổ chức.
Thường trực Ủy ban Pháp luật đồng tình với mức phạt tối đa và cho đó là mức phạt cần thiết tuy nhiên đề nghị cân nhắc tăng mức phạt tối đa trong các lĩnh vực cho phù hợp, đảm bảo tính răn đe, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính và phù hợp với điều kiện KTXH, mức thu nhập bình quân và không được vượt quá mức xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm tương ứng.
Cụ thể, theo Chủ nhiệm Phan Trung Lý, đối với cá nhân mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực đặc biệt có thể là 1 tỷ đồng, đối với pháp nhân có thể bị xử phạt tối đa đến 2 tỷ đồng.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước (Ảnh: VNN) |
Ông Ksor Phước đưa ra câu chuyện: "Vừa rồi bắn chết con voi ở đồng Nai hay như con tê giác bị bắn chết, có nguy cơ tuyệt chủng – thì mức phạt có nên để 2 tỷ không?”.
Theo ông Ksor Phước, nên nghĩ rộng ra một chút, phạt 2 tỷ hay trên 2 tỷ hay tính theo giá trị mà đối tượng đã phá hoại?
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đồng ý với mức xử phạt cao nhất đến 2 tỷ đồng và được tách ra cụ thể với cá nhân và tổ chức. Tuy nhiên, ông Dũng không đồng tình với việc giải thích đi giải thích lại lại về nội dung mức phạt phù hợp với mức sống và mức thu nhập vì theo ông Dũng, giải thích như vậy đôi khi chưa phù hợp.
Ông Dũng phân tích: “Việc xử phạt có phải áp dụng đối với người hiền lành và dân thường đâu. Giải thích như vậy cứ như là xử phạt đồng loạt. Bài học các nước như Signgapo vứt kẹo cao su bừa bãi phạt 500 đô, ngay cả nước Nga sau đại chiến cứ bắt được trộm là dựa tường bắn. Như vậy có phải là họ phạt theo mức sống đâu. Mình đưa mức sống và thu nhập ra để lý giải mức phạt là chưa ổn lắm. Ý thức pháp luật kém thì phải làm nghiêm” – ông Dũng nói.
Một nội dung liên quan khác là quy định ”căn cứ vào tỷ lệ phần trăm (%) biến động giá cả theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ điều chỉnh tương ứng mức xử phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quy định” – được các thành viên Ủy ban TVQH cho rằng không khả thi.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, quy định này nhiều nước quy định cứng trong Luật, nếu bây giờ giao cho Chính phủ thì giá cả biến động sẽ ban hành rất nhiều Nghị định hướng dẫn thi hành, nên theo đó cứ quy định cụ thể trong Luật. Khi nào quy định quá lạc hậu thì Quốc hội sửa lại luật.
“Tôi thấy không nên để Chính phủ ban hành qúa nhiều Nghị định” – bà Ngân nhấn mạnh.
Kiều Minh
Bình luận