Trong phần trình bày của mình, bị cáo Kiên tỏ ra mất bình tĩnh. HĐXX phải nhắc nhở bị cáo nên nói nhẹ nhàng, giữ bình tĩnh, giảm âm lượng.
Cuối giờ chiều ngày 30/5, thêm một lần nữa bầu Kiên được thoải mái trình bầy quan điểm sau khi đại diện VKS đối đáp với các luật sư và bị cáo.
Trước đó, bị cáo đã trình bầy liền 2 giờ đồng hồ để bổ sung phần bào chữa của 4 luật sư. Dù vậy, bị cáo cho biết, ông ta mới trình bầy chưa được một nửa những điều muốn nói.
Bầu Kiên cho rằng bị ‘phân biệt đối xử’ |
Đối với hành vi kinh doanh tài chính trái phép bị quy kết, bị cáo Kiên cho rằng, ông ta bị “phân biệt đối xử” khi các DN khác cùng có hành vi như ông ta thì không bị truy tố.
“Cộng đồng DN Việt Nam đang đứng trước nguy cơ vi phạm pháp luật. Nếu không truy tố họ vi phạm pháp luật thì có sự phân biệt đối xử với tôi”, lời bị cáo.
Theo bị cáo Kiên, tại Quyết định 04, NHNN đưa ra các sảnphẩm phái sinh nằm trong danh mục điều chỉnh. Trước khi có những quy định này, sản phẩm tài chính phát sinh không coi là sản phẩm hàng hóa đặc biệt do NHNN quản lý. Nếu coi là hàng hóa bình thường thì Cty Thiên Nam được phép giao dịch mà không cần giấy phép riêng.
Vẫn theo ông Kiên, hoạt động đầu tư là hoạt động riêng biệt, khác biệt với hoạt động kinh doanh. Pháp luật đặt vào đó dấu phẩy: kinh doanh, đầu tư. Khi luật đã quy định là khác nhau thì không ai có quyền nói rằng đấy là một.
Đối với cáo buộc của VKS về hành vi trốn thuế, bị cáo Kiên trình bầy: “VKS nói hợp đồng có vấn đề vì em tôi không bỏ vốn ra mà lại hưởng lãi, nhưng trên thực tế, em tôi đã phải chịu lỗ. Tôi và em tôi đã phải bỏ ra 96 tỷ đồng để trả cho phần lỗ.”
Vẫn theo bị cáo Kiên, nếu hợp đồng có phát sinh lợi nhuận thì Cty phải nộp thuế thay Nguyễn Thuý Hương, nhưng vì Hương bị lỗ nên Cty không tiến hành kê khai nộp thuế của Hương mà chỉ kê khai trong báo cáo tài chính. “Khi không phát sinh nghĩa vụ nộp thuế sao bắt tôi phải nộp thuế?”, lời bị cáo.
Theo bị cáo, nếu hợp đồng của em gái ông ta bị tuyên vô hiệu thì bản giám định của giám định viên không có giá trị, và trong mọi trường hợp, Cty B&B không phải nộp thuế. Khi không phải nộp thuế thì không có hành vi trốn thuế.
Bị cáo Kiên nói: “Cho dù cơ quan thuế có áp đặt việc phải nộp thuế, nhưng tôi đã nói rõ ràng, tôi sẵn sàng nộp thuế, như thế không có trốn thuế”.
Bị cáo cũng khẳng định rằng, B&B được áp dụng chính sách giảm 30% thuế trong năm 2009.
Trong “ví” của Hòa Phát còn 600 tỷ của bầu Kiên?
Tranh luận về hành vi lừa đảo bị cáo buộc, bị cáo Kiên cho rằng: Dù trước hay sau thì Hòa Phát đang cầm 600 tỷ đồng của ông ta.
“Cùng số lượng, cùng đơn giá, cùng thời điểm, tôi không có ý thức chiếm đoạt tiền. Nếu có ý đó thì không bao giờ tôi để lại 600 tỷ đó trong ví của Hòa Phát”, bị cáo trình bầy.
Bị cáo Kiên khẳng định, đã nỗ lực chứng minh rằng ông ta cần giải chấp để thực hiện nghĩa vụ của mình.
“Đề nghị VKS ghi nhận tôi và lãnh đạo Hòa Phát là bạn bè, tôi không có khiếu nại gì và tôi tin họ không kiện gì tôi, không khiếu nại tôi”, lời ông Kiên.
Tranh luận với VKS về cáo buộc cố ý làm trái, bị cáo cho rằng vị đại diện VKS đã mở rộng quyền của pháp luật, bởi luật quy định- những người nào lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm trái thì mới phạm tội. Tuy nhiên, bị cáo không có chức vụ quyền hạn, nhưng cũng bị quy vào đối tượng điều chỉnh của luật.
Bị cáo trình bầy: “Một lần nữa tôi xác định tôi không yêu cầu ai, chỉ đạo ai, thông qua ai bằng bất kỳ hình thức nào qua cuộc họp 22/3/2010. VKS đã quy chụp tôi mà không căn cứ vào các quy định của pháp luật...”.
Chiều 30/5, kết thúc phần tranh luận kéo dài 5 ngày. Thứ hai, ngày 2/6, HĐXX tiếp tục làm việc.
Theo VNN
Bình luận