Hà Nội đang thực hiện thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn trên địa bàn 6 quận gồm Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Nam Từ Liêm và Hoàng Mai, tiến tới việc triển khai nhân rộng tại 30 quận, huyện, thị xã từ 1/1/2025 theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Tại hội nghị tập huấn phân loại rác tại nguồn cho giáo viên, học sinh trên địa bàn quận Ba Đình do Báo Tiền Phong phối hợp với Phòng GD&ĐT quận Ba Đình tổ chức sáng 20/8, đánh giá về những mô hình phân loại rác tại nguồn đã và đang được thực hiện, chuyên gia môi trường Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm sống và học tập vì cộng đồng và môi trường nhận định, việc thí điểm và lựa chọn phân loại rác tại nguồn phải phù hợp với đặc thù địa phương.
Trước hết cần có sự trao đổi và phối hợp với các bên liên quan trong đường đi của rác để tìm cách phân loại rác và thu gom phù hợp theo danh mục, địa điểm, cách thức thu gom. Cần bắt đầu thực hiện từ những nhóm ưu tiên như trường học, doanh nghiệp đến văn phòng hành chính.
"Tùy vào đặc thù địa phương, khu vực nội thành sẽ tập trung vào rác tái chế, xem xét kỹ danh mục các loại rác có thể tái chế để phân loại, kết nối cùng các đơn vị thu gom, ve chai và các công ty tái chế để thu gom, xử lý. Với khu vực ngoại thành, tập trung vào rác thực phẩm để phân loại và ủ phân tại nhà, tại vườn và ruộng với nhiều mô hình đa dạng", bà Nguyệt nêu giải pháp.
Chia sẻ tại hội nghị, nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng biên tập Báo Tiền Phong cho biết, việc phân loại rác tại nguồn mang lại những lợi ích hết sức lớn lao. Các nghiên cứu đã chỉ ra, phân loại giúp giảm lượng rác thải ra môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý, tăng lượng rác thải có thể tái chế, tái sử dụng. Từ đó, giảm lượng rác thải phải chôn lấp hoặc đốt, tiết kiệm tài nguyên đất và giảm ô nhiễm môi trường.
"Thống kê cho thấy, nếu thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn sẽ giúp giảm 60-75% lượng rác là rác thực phẩm, giảm 15-20% lượng rác là rác tái chế, chỉ còn khoảng 25-30% rác thải phải mang đi chôn lấp hoặc xử lý tại các nhà máy, mang lại hiệu quả rất lớn với môi trường và sức khoẻ con người", nhà báo Phùng Công Sưởng nói.
Để có hoạt động phân loại rác tại nguồn bền vững, hiệu quả, theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường, chuyên gia môi trường Đỗ Vân Nguyệt nói, cần thay đổi thói quen phân loại rác là quá trình lâu dài, bền bỉ và mỗi địa phương cần có mô hình khác nhau.
Các địa phương khi triển khai cần quá trình thí điểm, làm nhỏ và chắc chắn với kết quả cụ thể (ví dụ người dân cùng tham gia kiểm kê rác, xây dựng các nhóm nòng cốt) rồi mới nhân rộng. Đặc biệt cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan (người dân, chính quyền, doanh nghiệp tái chế, các bên vận hành vựa ve chai) trong đường đi của rác để tìm cách phân loại rác và thu gom phù hợp. Địa phương cần lộ trình thực hành và kiên trì thay đổi, trong đó ưu tiên các khu vực sẵn sàng và có tính lan tỏa cao như trường học, văn phòng, chung cư và tổ chức đoàn thể.
Trước đó, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN-MT) Hoàng Văn Thức đánh giá Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có những quy định mới mang tính đột phá, thay đổi cách thức quản lý, ứng xử với chất thải nói chung và chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) nói riêng.
Một trong những điểm mới đó là quy định nguyên tắc phân loại CTRSH làm 3 loại: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.
Thống kê từ Phòng Quản lý chất thải rắn sinh hoạt (Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường), cho biết, việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam hiện nay khá phức tạp. Lượng CTRSH phát sinh tiếp tục gia tăng trên phạm vi cả nước.
Theo đó, năm 2019 tổng lượng CTRSH phát sinh là 64.658 tấn/ngày, trong đó đô thị là 35.624 tấn/ngày, nông thôn là 28.394 tấn/ngày. Hiện nay tổng lượng CTRSH phát sinh là 67.877,34 tấn/ngày; trong đó đô thị là 38.143,05 tấn/ngày, nông thôn là 29.734,30 tấn/ngày.
Về công tác thu gom vận chuyển, năm 2023 toàn quốc là 88,34%, trong đó tại đô thị là 96,60%, nông thôn là 77,69%. Về cơ sở xử lý CTRSH, chúng ta có 1.548 cơ sở, trong đó 340 cơ sở đốt CTRSH; 30 cơ sở xử lý CTRSH thành mùn/phân hữu cơ; 1.178 cơ sở chôn lấp CTRSH, trong đó có nhiều cơ sở không hợp vệ sinh.
Bình luận