Ông Đào Xuân Thìn, trưởng thôn Quốc Tuấn, xã Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cho biết, "Trước đây, ai cũng nghĩ ốc bươu vàng là sinh vật có lợi, nhiều người còn đưa ốc về nuôi nhưng hiện nay, ốc sinh sôi và phát triển với mật độ dày đặc gây thiệt hại lớn trong sản xuất nông nghiệp".
Theo ông Thìn, loài ốc bươu vàng sinh trưởng rất nhanh, mặc dù dùng nhiều biện pháp phòng trừ nhưng vẫn không hiệu quả. Ốc kiếm ăn vào ban đêm, chúng ăn những cây lúa non đang trong thời kỳ phát triển.
Ốc bươu vàng xuất hiện nhiều ở những cánh đồng trũng thấp, ẩm ướt, mật độ trung bình khoảng 10 – 20 con/m2, có nơi ốc con tập trung lên tới hàng trăm con/m2. Hàng ngày, người dân tranh thủ ra đồng bắt ốc tiêu hủy.
Ngoài tiêu hủy bằng cách đào hố chôn lấp, loài sinh vật này còn được tận dụng làm thức ăn trong chăn nuôi. Nhiều nơi người dân bắt ốc bán cho các thương lái thu mua với giá từ 3.000 - 4.000 đồng/kg.
Theo người dân nơi đây cho biết, ốc bươu vàng sinh sản quanh năm. Tuy nhiên, ốc sinh sản nhiều hơn vào mùa Đông. Một con ốc bươu vàng có thể sinh hàng nghìn quả trứng mỗi năm, trứng nở ra ốc con theo dòng nước sinh sôi nhanh chóng khắp các cánh đồng.
Ông Phạm Văn Thìn, phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Mỹ cho biết, để đối phó với nạn ốc bươu vàng, chính quyền địa phương tuyên truyền người dân tăng cường ra đồng bắt ốc, hướng dẫn người dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật tiêu diệt loài sinh vật này.
Tại các huyện, Lộc Hà, Hương Khê, Can Lộc, Thạch Hà, Đức Thọ, Hồng Lĩnh... ốc bươu vàng cũng xuất hiện nhiều trên các cánh đồng. Chính quyền địa phương đang tích cực dùng các biện pháp tiêu diệt loài ốc này...
Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Đức Quân, Chủ tịch UBND xã Ích Hậu (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) cho biết: “Ốc bươu vàng là sinh vật ăn tạp. Thời gian qua tại địa phương, ốc bươu vàng phá hoại lúa ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất mùa vụ, nhưng không có cách nào diệt tận gốc".
Trả lời VTC News, ông Phan Thanh Nghi, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cẩm Xuyên cho biết, ốc bươu vàng là loài sinh vật ngoại lai du nhập vào Việt Nam từ nhiều năm nay, gần đây ốc sinh sản và bùng phát thành một nạn dịch phá hoại mùa màng của người dân.
"Mặc dù đã có thuốc phòng trừ ốc bươu vàng hại lúa, tuy nhiên người dân chỉ phun ở trong các thửa ruộng canh tác, còn khu vực ao hồ, ruộng bỏ hoang loài sinh vật này càng có điều kiện sinh sôi, bùng phát thành đại dịch, chính quyền các địa phương đang tích cực tuyên truyền người dân đồng loạt ra đồng bắt ốc tiêu hủy bảo vệ mùa màng", ông Nghi nói.
Bình luận