(VTC News) - Tiến sĩ, Luật sư Phan Thị Hương Thủy, người từng giúp Đan Lê thắng kiện một tờ báo đưa tin cô có liên quan đến một clip sex, cho biết những trang tin đang sử dụng đội ngũ paparazzi để chụp lén ảnh nghệ sĩ có thể bị khởi kiện.
Tiến sĩ, Luật sư Phan Thị Hương Thủy hiện là Giám đốc Công ty Luật TNHH Hoàng Long. |
Có ý kiến cho rằng bí mật đời tư của công dân là những gì gắn với nhân thân con người, nhưng nếu hiểu như thế thì hầu như cái gì cũng có thể bị coi là bí mật đời tư của cá nhân, vì phần lớn sự kiện xảy ra trong cuộc sống đều xuất phát và gắn liền với cá nhân. Và cũng có nghĩa là báo chí chẳng được đưa thông tin gì cả.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS, Luật sư Phan Thị Hương Thảo bên lề hội thảo Trách nhiệm của báo chí trong việc bảo vệ bí mật đời tư công dân, do Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) - Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, tổ chức ngày 1/11, tại Hà Nội.
- Quan điểm của luật sư về bí mật đời tư và xâm hại bí mật đời tư như thế nào?
Theo tôi việc này rất khó xác định, vì với công dân này, việc này được coi là xâm phạm đời tư, nhưng với những người khác lại không bí mật, mỗi người lại có những tiêu chí bí mật khác nhau. Nên tôi coi vấn đề này còn bỏ ngỏ, và nên chăng cần phải ban hành luật về bí mật đời tư, trong đó có những quy định thế nào là bí mật đời tư và những quy chế bảo vệ.
Tôi biết có nhiều người thích đưa bí mật đời tư lên để đánh bóng tên tuổi, trong khi đấy có nhiều người không thích khai thác ngay cả những thông tin đơn giản như học ở đâu, bạn bè là ai, vì những cái đó người ta coi là bí mật.
Tôi nghĩ mọi thông tin liên quan đến cá nhân nào đó như hình ảnh, nguồn gốc gia đình, nơi ăn chốn ở… thì nó là đời tư. Những thông tin nào được coi là bí mật thì không được xâm phạm.
Quan điểm của tôi đã là đời tư, là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm mà pháp luật bảo vệ, nhưng bảo vệ như thế nào chúng ta lại cần hành lang pháp lý, cần đạo luật cụ thể. Đến đây, tôi thấy vẫn phải quay về trách nhiệm của người cầm bút, trách nhiệm của truyền thông là phải có đạo đức, không xâm phạm đến đời tư của công dân.
Lâu nay người ta hay nói đến báo lá cải, thảm họa truyền thông nên theo tôi trong việc đưa thông tin của cá nhân lên mạng, trách nhiệm của từng tờ báo là họ phải có tôn chỉ mục đích của mình, khai thác ở khía cạnh nào, khai thác ở vấn đề nào, lĩnh vực nào cũng când trách nhiệm của người biên tập duyệt các bài báo, và quan trọng nhất vẫn là cần đạo đức của người cầm bút.
- Ở nhiều nước trên thế giới, thậm chí họ có những công ty chuyên đào tạo paparazzi (người săn ảnh), nghĩa là hoàn toàn có thế đi chụp lén ảnh đời tư nghệ sĩ để bán cho các tờ báo giải trí với giá lên tới con số triệu USD. Hiện nay ở Việt Nam nhiều trang tin điện tử cũng bắt đầu có những đội ngũ chuyên đi quay hoặc chụp lén nghệ sĩ, như vậy có bị coi là xâm phạm đời tư không?
Trong Bộ luật Hình sự có những quy định về quyền sử dụng hình ảnh và Bộ luật Dân sự cũng có quy định những thông tin liên quan đến đời tư cá nhân là thuộc về quyền nhân thân và được pháp luật bảo vệ.
|
Nhưng trong thực tiễn hầu như rất ít nghệ sĩ kiện vì theo luật quy định những thông tin liên quan đến đời tư mà không được sự đồng ý như vậy lại phải nhằm mục đích hạ uy tín, bôi nhọ, có ảnh hưởng thiệt hại thì lúc ấy pháp luật mới đứng ra bảo vệ, mà việc chứng minh được sự thiệt hại ấy là rất khó.
Theo quan niệm của luật sư, muốn sử dụng tòa án như một biện pháp để bảo vệ bí mật đời tư hoặc bảo vệ quyền nhân thân thì phải có những sửa đổi, bổ sung. Đó là nếu như đưa những hình ảnh, thông tin mà không được sự đồng ý thì cá nhân đó có quyền khởi kiện chứ không cần chứng minh là những hình đó làm ảnh hưởng đến thiệt hại của họ như thế nào.
- Nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng trong thời đại nhu cầu giải trí cao như hiện nay, tâm lý của người hâm mộ là họ rất muốn biết ngôi sao mà họ yêu mến đó những phút riêng tư hoặc hình ảnh đời thường như thế nào. Tất nhiên không quá đi sâu, nhưng ở trong một chừng mực nhất định nào đó, có thể cho những người mà chúng ta vẫn coi là những phóng viên, tay săn ảnh ấy hoạt động trong một khuôn khổ?
Tôi thấy nhu cầu của nhiều người là họ quan tâm đến những người nổi tiếng, người của công chúng cũng là một cái quyền, tuy nhiên muốn những tác nghiệp đó không vi phạm vào việc xâm hại đời tư, nên có những hành lang pháp lý.
Mai Phương Thúy - người đẹp thường xuyên bị các tay săn ảnh chụp lén quấy rối |
Ví dụ như thành lập hiệp hội paparazzi và đưa ra những quy chế, quy tắc về đạo đức để làm sao những tác nghiệp đó nó vừa phục vụ nhu cầu của công chúng, mà không làm ảnh hưởng tới những cá nhân có hình ảnh hoặc thông tin được đưa lên các trang mạng.
Mặc dù một phần những quy định đó pháp luật ở nước ta cũng có rồi, nhưng cần bổ sung, sửa đổi cho chi tiết và cụ thể. Ví dụ khi đưa những thông tin, hình ảnh của một ai đó lên mạng vẫn phải có sự đồng ý của họ, vì nếu như việc khai thác hình ảnh ở trong một vụ án, một scandal nào đấy thì việc đưa lên như vậy có thể xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Tôi nghĩ rằng vẫn nên có hành lang pháp lý rõ ràng và cụ thể.
- Được biết bà là người đã giúp Đan Lê trong việc khởi và thắng kiện vụ việc một tờ báo đăng tin MC Dự báo thời tiết lộ clip nóng sau khi Đan Lê bị 2 văn phòng luật sư từ chối. Điều gì đã khiến bà quyết định giúp đỡ người phụ nữ này?
Đúng thế, trong quá trình hành nghề luật sư, tôi thấy những vụ kiện báo chí rất ít, so với những vụ kiện ở những lĩnh vực khác, đặc biệt những vụ kiện thắng lại càng ít, vì báo chí vẫn là một quyền lực.
Ví dụ như vụ việc Đan Lê khởi kiện báo Nông nghiệp Việt Nam, Đan Lê đã bị hai văn phòng luật sư từ chối vì người ta ngại va chạm báo chí.
Khi Đan Lê đến với tôi, vì cùng là phụ nữ nên tôi hiểu và giúp đỡ Đan Lê khởi kiện.
Dưới góc độ luật sư tôi thấy những quy định pháp luật đang còn nhiều bất cập, nghĩa vụ chứng minh rằng việc bị đưa những thông tin, hình ảnh đó gây thiệt hại như thế nào đến người bị đưa lên đó không phải chuyện đơn giản, vì có chứng minh được điều đó thì nó mới được sử dụng vào án như một biện pháp bảo vệ. Tôi thấy việc đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến những vụ án kiện báo chí không nhiều.
- Trong quá trình thụ lý vụ án đó, luật sư có gặp nhiều khó khăn?
Trong quá trình thụ lý vụ án thực ra không quá khó khăn vì bản thân Đan Lê cũng là một nhà báo, cô đã tự thu thập chứng cứ, đã thông qua quá trình khiếu nại đến Cục báo chí.
Nhưng cái khó là thời gian chờ đợi và phải xây dựng được những chứng cứ chặt chẽ vì báo nông nghiệp họ cũng đưa ra quan điểm rằng họ không có mục đích hạ uy tín Đan Lê mà người ta bảo vệ cho Đan Lê.
Ranh giới để chứng minh việc đưa những thông tin đó lên nhằm hạ thấp danh dự hay bảo vệ uy tín của người bị sử dụng thông tin, hình ảnh là chưa có quy chuẩn.
- Được biết diễn viên Thủy Top cũng từng gọi điện cho luật sư với ý định khởi kiện một tờ báo vì họ đưa thông tin sai lệch, nhưng sau khi biết quá trình khởi kiện tốn rất nhiều thời gian, công sức và áp lực người nghệ sĩ phải chịu Thủy Top đã không tiến hành nữa?
Thủy Top mới chỉ gọi điện cho tôi, có nói muốn kiện một tờ báo vì đưa thông tin sai lệch.
Tôi có nói Thủy Top cần chuẩn bị tinh thần vì kiện một tờ báo nghĩa là sẽ phải chịu rất nhiều áp lực, và không thể nào nhanh được vì cần quy trình khiếu nại tới cơ quan chủ quản, sau đó mới tiến hành ra tòa án nếu như hai bên không đạt được thỏa thuận.
Sau đó tôi không thấy Thủy Top gọi điện nữa nên tôi nghĩ người ta không chọn con đường ra tòa án vì nó quá phức tạp, và mất quá nhiều thời gian.
- Dưới góc độ một luật sư, chị có khuyên nghệ sĩ kiện báo chí khi bị đưa những thông tin, hình ảnh xâm phạm đến bí mật đời tư?
Theo tôi không chỉ bí mật đời tư, mà trong tất cả các tranh chấp, việc sử dụng tòa án như một công cụ bảo vệ quyền lợi của cá nhân tôi nghĩ nên hạn chế. Bởi vì đã ra tòa là một cuộc tố tụng, cực kì phức tạp, mất nhiều thời gian, vụ án đơn giản nhất cũng mất khoảng 4 tháng, phức tạp hơn mất khoảng 6 tháng, nhưng thường là hàng năm. Và tôi không khuyên ra tòa.
Tôi khuyên mọi người không nên sử dụng tòa án như một biện pháp bảo vệ liên quan đến quyền nhân thân, nếu có, đó chỉ là biện pháp cuối cùng.
Tôi nghĩ rằng trước tình trạng xâm phạm về đời tư, về quyền nhân thân thì căn cứ vào những luật chuyên ngành, chỉ cần phóng viên, nhà báo, cơ quan báo chí làm đúng luật báo chí là đã là thể hiện trách nhiệm của báo chí trong việc bảo vệ bí mật đời tư rồi. Đó là anh đưa một thông tin nào đấy, đưa một hình ảnh nào đấy vì mục đích thương mại của người nào anh phải kiểm chứng, phải hỏi người ta được sự đồng ý hay không rồi hãy đưa lên.
- Xin cảm ơn bà!
An Yên (thực hiện)
Bình luận