8h sáng 7/1, theo ứng dụng chất lượng không khí PAMAir, chỉ số AQI đo tại nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội vượt ngưỡng tím lên nâu. Đây là ngưỡng nguy hại, ngưỡng cao nhất về ô nhiễm không khí, cảnh báo khẩn cấp sức khỏe mọi người bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Điển hình là các khu vực: Long Biên (AQI là 326), Hai Bà Trưng (318), Bà Triệu (307), Hà Đông (306)…
Cổng thông tin Quan trắc môi trường Hà Nội sáng nay cũng thống kê AQI tại nhiều nơi ở ngưỡng tím, gồm: Hàng Mãi (AQI là 204), Phạm Văn Đồng (201)…
Trang Airvisual xếp hạng Hà Nội vị trí thứ 7 trong tổng số 10.000 thành phố ô nhiễm không khí nhất trên thế giới tính đến 8hh sáng nay với AQI là 202, nồng độ bụi mịn là 149,2 µg/m³. Đơn vị đo tính theo Mỹ.
Chất lượng không khí ở Hà Nội những ngày qua liên tục ở ngưỡng nguy hại – mức cảnh báo cao nhất, ảnh hưởng tới sức khoẻ của mọi người dân.
Theo lý giải của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, giai đoạn đầu gió mùa đông bắc tăng cường, do ảnh hưởng của khối không khí lạnh bắt đầu tràn về với những đợt gió lạnh, thúc đẩy khả năng khuếch tán chất ô nhiễm nên chất lượng không khí giữ mức tốt và trung bình.
Tuy nhiên, khi khối không khí lạnh suy giảm, tốc độ gió thấp trên cả khu vực gây ra điều kiện lặng gió nên nền nhiệt xuống thấp, về đêm và sáng sớm nhiệt độ giảm mạnh, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn. Sáng sớm và chiều muộn hình thành lớp sương mù dày đặc cản trở việc khuếch tán ô nhiễm, gây ô nhiễm cục bộ.
Ngoài ra, do yếu tố về địa hình khu vực thủ đô là địa hình chủ yếu đồng bằng, thấp từ Tây Bắc xuống Đông Nam theo hướng dòng chảy của sông Hồng, bao bọc xung quanh thành phố Hà Nội tại các khu vực giáp ranh các khu vực đồi núi và các khu, cụm công nghiệp tỉnh như Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên đang phát triển mạnh.
Do đó, với điều kiện khí hậu khí tượng sương mù sát mặt đất gây ra hiện tượng quần gió, các chất ô nhiễm không được phát tán được và tích tụ ô nhiễm trong những ngày qua tại khu vực Hà Nội nói riêng và một số vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung.
Bên cạnh đó, một số tác động cục bộ do hoạt động giao thông tăng cao sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch, tình trạng rác thải ùn ú, không được vận chuyển đến bãi xử lý do thay đổi đơn vị thu gom vệ sinh môi trường trên địa bàn một số quận, huyện vào cuối năm 2020 làm gia tăng tình trạng đốt rác thải sinh hoạt tự phát gây ô nhiễm môi trường.
Việc đốt rơm rạ, các hoạt động xây dựng, lát đá vỉa hè và các hoạt động sản xuất cuối năm tăng cường để cung ứng hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán... là những nguyên nhân phát thải ô nhiễm nội tại trên địa bàn TP Hà Nội.
Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo, người dân, nhất là những nhóm người già, trẻ em, người đang mắc bệnh hô hấp mãn tính nên hạn chế ra ngoài vào thời điểm này. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, mọi người cần trang bị mũ, áo, khẩu trang và kính để hạn chế tác hại của ô nhiễm không khí.
Theo các chuyên gia, những ngày tới, nếu thời tiết thay đổi theo hướng thuận lợi, có mưa, khói bụi “mắc kẹt” ở bầu khí quyển có cơ hội phát tán và bay đi, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội mới được cải thiện.
Theo dự báo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tới từ nay đến tháng 3/2021 là khoảng thời gian xuất hiện nhiều hình thái thời tiết khí tượng bất lợi gây suy giảm chất lượng không khí, ảnh hướng tới sức khỏe người dân. Sở đã có công văn báo cáo UBND TP.Hà Nội về diễn biến chất lượng môi trường không khí và các công bố dữ liệu quan trắc trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng tiếp tục xác định các nguyên nhân gây ô nhiễm nội tại cũng như các vấn đề gây ô nhiễm từ các nơi khác tác động tới Hà Nội.
Đồng thời đơn vị này cũng nghiên cứu, đề xuất và triển khai đồng bộ các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường không khí, ứng phó biến đổi khí hậu, cải thiện chỉ số AQI trên địa bàn TP.Hà Nội.
Video: Vì sao giao thông giảm do COVID-19 nhưng chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội vẫn cao?
Bình luận