Những ngày cuối năm, mặc cái rét căm căm, có lúc xuống dưới 0 độ C, dòng người vẫn ngày đêm ùn ùn ngược lên biên giới ở miền Tây Nghệ An "săn" đào đá chở về xuôi chơi Tết hoặc bán kiếm lời.
Một người dân xã biên giới Keng Đu (Kỳ Sơn, Nghệ An) tâm sự: "Trước đây, đào đá mọc khắp nơi trong rừng. Thấy loài hoa đẹp, bà con đi rừng đưa giống về trồng trong vườn nhà cho đẹp, chẳng ai tính toán chuyện kinh doanh hay mua bán. Mấy năm gần đây, rộ lên thú chơi đào đá trong những ngày Tết, đào rừng bắt đầu khan hiếm.
Năm nay, từ đầu tháng chạp (âm lịch) đã rất đông "nậu" miền xuôi lên biên giới lùng sục mua đào. Gia đình nào có đào đá, các "nậu" sẵn sàng hỏi mua và không ngần ngại bỏ ra cả triệu đồng tiền "cọc" cho gia chủ và đợi đến ngày áp Tết, đánh xe từ miền xuôi lên cưa gốc chở về.
Anh Hờ Bá Chù, một người dân Phà Đánh, Kỳ Sơn cho biết: Gia đình tôi có cả chục gốc đào đá trồng gần mười năm nay. Tôi bán với giá hơn 5 triệu đồng/gốc. "Nậu" đặt cọc trước 5 triệu đồng ngay từ đầu tháng Chạp. Trước Tết chưa đầy 1 tuần thì họ đã cho người đánh xe lên chặt về".
Trước đây, dọc theo QL7A lên tận cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đoạn qua Kỳ Sơn, mỗi khi mùa xuân về người ta lại thấy đào đá nở trắng hai bên đường.
Khoảng chục năm trở lại đây, vì thú chơi đào đá phát triển mạnh ở miền xuôi nên nhiều gốc đào lâu năm bị đốn hạ không thương tiếc.
Dọc tuyến đường từ thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn) vào đến các xã vùng cao Huồi Tụ, Mường Lống, Nậm Cắn, Na Ngoi, Keng Đu, Mỹ Lý... những ngày này nhộn nhịp người và xe qua lại. Các xe tải chở đầy đào tấp nập về xuôi. Người buôn đào lên đây “cắm chốt” từ những ngày giữa tháng Chạp để thu mua đào đá.
Anh Hớ Bá Nhìa - một người dân Nậm Cắn tâm sự: Năm nay, những vùng có thời tiết ấm, lại có 2 tháng nhuận nên đào nở sớm. Ngược lại ở các tỉnh nổi tiếng về đào đá ở phía Bắc thì bị băng tuyết bao phủ, đào rất khó nở hoa nên giá cao ngất ngưởng”.
Một gốc đào đá mua ở Kỳ Sơn giá khoảng 1,5 triệu đồng, nhưng mang về xuôi bán có khi được 3-5 triệu đồng. Ngày trước "săn" đào rất dễ, nhưng năm nay có quá nhiều "nậu" miền xuôi cùng với dân bản địa lùng sục thu mua nên rất khó tậu đào để chơi Tết.
Một số "nậu" tâm sự, do năm nay đào đá khan hiếm nên phải thuê người trực sẵn ở các cung đường từ trong bản làng. Hễ thấy người dân mang đào từ trên rẫy xuống là mua luôn bằng bất cứ giá nào. Nếu không nhanh tay thì sẽ bị người khác mua mất.
Trong chuyến ngược rừng lên biên giới, phóng viên gặp không ít người dân xót xa tiếc nuối. Cách đây vài năm, ở các bản làng thuộc khu vực biên giới Kỳ Sơn, dịp đầu xuân đi tới đâu cũng bắt gặp đào đá được đồng bào miền Tây xứ Nghệ trồng trong vườn nở hoa sáng rực. Giờ đào chưa kịp già gốc thì đã bị đốn hạ không thương tiếc.
Cụ Hờ Chống Nhìa (Mường Lống, Kỳ Sơn) cho hay, để trồng được cây đào đá không hề dễ chút nào. Từ lúc trồng cho đến khi ra hoa phải mất 5 đến 10 năm đối với khu vực đất tốt. Có gốc đào gần 50 tuổi mới có vụ hoa đầu tiên. Vì thế, khi chặt tận gốc đào, ít nhất 5 năm sau cây đào đá mới có thể tốt và ra hoa trở lại nhưng chưa chắc đã nhiều nụ hoa như ban đầu.
Được biết, gần đây đào đá ở khu vực biên giới các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong (Nghệ An) đang dần khan hiếm thì các "nậu" ở miền xuôi đã tràn sang cả các tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Pô-ly-khăm-xay của nước bạn Lào để "săn" đào đá đưa về Việt Nam phục vụ dân chơi trong những ngày Tết.
Dịp Tết năm nay, không ít gốc đào được các "nậu" đưa từ Lào về qua Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn giá cao ngất ngưởng. Thậm chí có cành đào khủng giá 80 triệu vừa đưa qua khỏi cửa khẩu đã có người ngã giá 100 triệu đồng, tuy nhiên chủ nhân nhất quyết không bán mà đem về xuôi với hy vọng sẽ bán được giá cao hơn.
Video: Đào Nhật Tân xuống phố đón Tết sớm
Bình luận