• Zalo

Nứt trụ cầu Vĩnh Tuy: Nguy hiểm vì phát hiện quá muộn

Thời sựThứ Bảy, 08/03/2014 06:34:00 +07:00Google News

(VTC News) - “Vết nứt ở trụ cầu Vĩnh Tuy lớn vậy thực sự đáng lo ngại, chứng tỏ nó xảy ra từ lâu nhưng chúng ta không phát hiện ra”, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận định.

Trả lời phỏng vấn  VTC News, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam cho rằng nguyên nhân dẫn đến các vết nứt trụ cầu Vĩnh Tuy chắc chắn không phải do thiết kế mà khả năng do lỗi phát sinh trong quá trình thi công nhiều hơn.
- Liên tiếp 3 trụ cầu Vĩnh Tuy bị nứt dù mới chỉ đưa vào sử dụng 5 năm. Dưới góc nhìn của một chuyên gia ngành xây dựng, ông đánh giá sao trước hiện tượng này?

Ông Trần Ngọc Hùng 

Gần đây ở Việt Nam phát hiện khá nhiều vứt nứt trên các công trình xây dựng lớn. Ví dụ như thủy điện Sơn La, thời kỳ đầu đập lớn cũng bị nứt, tôi đã đến tận nơi xem vết nứt đó. Hay hầm Thủ Thiêm khi đúc xong, trước lúc lắp ráp cũng nứt khá nhiều,...

Nguyên nhân cầu bị nứt thường do sử dụng bê tông khối lớn làm đập, trụ cầu... Loại bê tông này giai đoạn mới đổ tỏa nhiệt rất lớn. Trong điều kiện khí hậu của Việt Nam, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm rất lớn, hay đang nắng lại có mưa rào gây ra hiện tượng co ngót bê tông rất mạnh. Vì vậy, đòi hỏi khâu bảo dưỡng bê tông phải được thực hiện rất cẩn thận nếu không sẽ khó tránh khỏi bị nứt bê tông trong quá trình sử dụng.

Tất nhiên, những vết nứt này cũng có loại cho phép vì trong một giới hạn nhỏ nào đó không gây ảnh hưởng đến kết cấu sử dụng. Ngay cả một số loại cầu trên thế giới người ta cũng phải cho phép có vết nứt trong giới hạn kích thước nhỏ...

Riêng ở Cầu Vĩnh Tuy, qua quan sát hình ảnh vết nứt, tôi thấy rất có thể đó là nứt bê tông thôi, chưa vào đến cốt thép nên có thể không nguy hiểm. Tất nhiên cái này cũng cần phải kiểm tra kỹ mới kết luận được chính xác.
Vết nứt trụ cầu Vĩnh Tuy hiện chưa xác định được nguyên nhân chính xác

- Theo ông, phương án xử lý vết nứt ở cầu Vĩnh Tuy hiện nay có khó khăn không?

Ở đây vết nứt rõ ràng khá lớn, cho thấy đã có từ lâu, từ khi cầu được sử dụng mấy năm nay rồi. Vì vậy phải chăng đầu tiên nó rất nhỏ trong mức độ cho phép thôi, nhưng đơn vị quản lý không phát hiện và khắc phục kịp thời, nên trong quá trình sử dụng mới nứt to hơn?

Hiện nay điều cần làm nhất là phải khảo sát xem vết nứt đã vào sâu tới đâu. Nếu nó ở phạm vi chưa tới lớp thép và mới ở lớp bảo vệ thì việc xử lý hết sức đơn giản, bằng cách bơm bê tông giãn nở vào. Còn nếu vết nứt sâu hơn, qua cả lớp thép chịu lực thì vấn đề sẽ rất nghiêm trọng.

Theo tôi, nếu móng trụ cầu vẫn tốt, đồng thời nếu theo dõi độ lún cũng chưa có hiện tượng gì bất thường thì việc xử lý cũng không quá khó.

- Phải chăng sự việc ở cầu Vĩnh Tuy xảy ra là do sự tắc trách của đơn vị quản lý cầu, khi không kịp thời phát hiện và khắc phục sự cố, thưa ông?

Cái này phải chờ kết luận của cơ quan điều tra, nhưng có một điều đáng lưu ý là chất lượng một cây cầu không chỉ phụ thuộc vào quá trình xây dựng, mà trong sử dụng, chế độ kiểm tra, bảo dưỡng, bảo quản định kỳ cũng rất quan trọng. Theo tôi, đây là khâu yếu của Việt Nam.

Hiệp hội Cầu đường quốc tế đã tổng kết “bỏ1 đồng duy tu bảo dưỡng tương đương bằng 5 đồng đầu tư mới”. Một cái ổ gà trên đường nếu phát hiện sớm thì chỉ tốn rất ít tiền trám vá, nhưng nếu  để “quên”  ít tháng sau thì nó thành ổ trâu, và phải phá đi sửa lại, cực tốn kém.
Cho nên nếu có chế độ bảo dưỡng định kỳ thường xuyên, có người phát hiện lỗi nhỏ là xử lý ngay thì không có gì nghiêm trọng. Chứ như ở ta từ ổ gà thành ổ trâu, ổ voi, thì tốn kém vô cùng.

- Có giả thuyết cho rằng có thể cầu Vĩnh Tuy được xây bằng gạch nên mới xuống cấp nhanh đến thế. Ông nhận xét thế nào?

Chắc đó là người ta nói đùa thôi, cả cây cầu lớn thế mà xây bằng gạch sao được? Tất nhiên cũng có trường hợp người ta dùng gạch để ốp bên ngoài, những chỗ bê tông bị lõm ấy, rồi trát bê tông lên, kiểu để cho tiết kiệm, đỡ tốn bê tông. Nhưng kể cả trong những trường hợp như vậy thì cũng không nên bởi chưa xét về mặt thẩm mỹ là nó khiến trụ cầu to ra, xấu hơn, mà trụ cầu lớn hơn còn sẽ tạo ra lực cản trong việc lưu thông dòng nước dưới chân cầu, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cầu.

Cầu vừa xây xong đã xuống cấp, thậm chí đổ sập như cầu Chu Va 6 ở Lai Châu...  hiện không hiếm gặp ở Việt Nam. Theo ông, mấu chốt vấn đề nằm ở đâu?

Tại Việt Nam có một vấn đề cần quan tâm là vai trò giám sát cực kỳ quan trọng nhưng chưa được chú ý đúng mức, phí giám sát còn rất thấp. Nhiều công trình ở xa, giá trị thấp không thuê được kỹ sư giám sát phù hợp nên ảnh hưởng lớn đến chất lượng công trình.

Thường các nước sử dụng giám sát có trình độ và kinh nghiệm cao hơn hẳn đơn vị thi công. Người giám sát phải được hưởng quyền lợi cao hơn để người ta không bỏ qua lỗi của nhà thầu, không bị mua chuộc.

Chúng ta có nhiều bài học trong việc giám sát của các chuyên gia nước ngoài: Trung Quốc, Nga, Ba Lan... Thời bao cấp khi họ ký biên bản nghiệm thu công trình, trong cơ chế thị trường khi thuê tư vấn giám sát các công trình quan trọng.

Như ở công trình Thủy điện Sơn La, cầu cần thơ, mỹ thuận chuyên gia giám sát hưởng lương rất cao (5000 – 19 000 USD/tháng). Cho nên họ giám sát hết sức có trách nhiệm, làm việc liên tục 3 ca, không bỏ qua bất kỳ sai sót nào ảnh hưởng đến chất lượng công trình, họ không bị mua chuộc.

Do đó đối với vụ việc tại cầu Chu Va, cũng phải kiểm tra đơn vị giám sát là ai, biên bản nghiệm thu ra sao và cũng nên hỏi xem họ được “phí” giám sát là bao nhiêu?

 Xin cảm ơn ông!

Bình luận
vtcnews.vn