• Zalo

Nứt đập thủy điện: 'Quên' lắp đường ống gom nước thấm?

Thời sựThứ Sáu, 23/03/2012 11:00:00 +07:00Google News

(VTC News) – Mặc dù EVN đã thừa nhận đập chính TĐ Sông Tranh 2 bị lỗi kỹ thuật, nhưng vụ việc còn nhiều câu hỏi cần trả lời.

(VTC News) – "Qua kiểm tra, chúng tôi xác định nguyên nhân nước thấm chảy ra ngoài thân đập là do không có đường ống thu gom nước thấm phía bên rãnh trái trong hầm" - Tiến sĩ Bùi Trung Dung, Phó cục trưởng Cục Kiểm định Chất lượng công trình xây dựng, thành viên thuộc Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước (Bộ Xây dựng) cho biết.

Sau giải trình của các bên tại cuộc họp hôm 21 và 22/3, Tiến sĩ Bùi Trung Dung cho rằng lỗi của các sự cố trên thuộc về từ thiết kế, thi công cho đến vận hành công trình. Quan điểm khiến không chỉ hơn 40.000 hộ dân vùng hạ du tỉnh Quảng Nam lo lắng mà còn các vùng lân cận, thậm chí khu vực ven biển cũng lo ngại nếu đập chính thủy điện Sông Tranh 2 có sự cố.

Theo Tiến sĩ Bùi Trung Dung, để xảy ra lỗi của đập Thủy điện Sông Tranh 2 là do thiết kế, thi công và vận hành

Trước vấn đề đập chính bị nứt chảy nước xối xả mà dư luận quan tâm công trình đã được nghiệm thu hay chưa. Ông Trần Văn Được, Phó Tổng giám đốc EVN ký công văn khẩn số 850 ngày 21/3/2012 khẳng định: “Ngày 13/102011, Hội đồng Nghiệm thu cấp EVN đã tiến hành nghiệm thu đập dâng (đập chính) và tích nước đến mức nước dâng bình thường tại cao độ 175m vào ngày 3/11/2011. Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đã kiểm tra và đánh giá đập đảm bảo an toàn, chất lượng (Thông báo số 77/TB-HĐNTNN ngày 28/11/2011). Hiện tại, đập dâng vẫn đang được thi công hoàn thiện”.

Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 21/3, Tiến sĩ Bùi Trung Dung, Phó cục trưởng Cục Kiểm định Chất lượng công trình xây dựng thuộc Hội đồng thường trực Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước (Bộ Xây dựng) cho biết : “Đập vẫn đang vận hành an toàn, tuy nhiên phản cảm khi để nước thấm ra ngoài thân đập. Việc lưu lượng nước 30 lít/giây thấm ra ngoài là lớn và không bình thường. Riêng tại khe giãn nở ở số 12 và số 7 có vết nứt nhưng vài mm không đáng kể”.

Theo EVN, đập dâng (đập chính) Thủy điện Sông Tranh 2 là loại đập bê tông trọng lực công nghệ dầm lăn (RCC) có chiều cao 96m, chiều dài 640m được chia thành các blok, các blok được cấu tạo cách nhau bằng các khe nhiệt (toàn bộ có 30 khe nhiệt dọc theo chiều dài với khoảng cách 20m một khe) xuyên suốt từ phía thượng lưu về hạ lưu, mục đích bố trí các khe nhiệt này là nhằm triệt tiêu ứng suất trong bê tông trong quá trình thi công và vận hành công trình.

Trong đập có 3 hành lang thu nước thấm dọc theo chiều dài đập tại các cao trình 152m, 124m và 95m và các hành lang này được liên thông với nhau bằng các “ống thu nước”…

Tất cả các hạng mục được cả hai hội đồng nói trên nghiệm thu, đánh giá đạt chất lượng, an toàn cả trong thiết kế, thi công, giám sát, kể cả chất lượng công trình.

Sáng 22/3, công nhân tiếp tục khắc phục không cho nước chảy qua thân đập bằng cách lắp đặt một đường ống nhựa to phía bên ngoài thân đập, kèo dài từ vị trí chảy nước xuống đất. 
Tuy nhiên, các lỗi kỹ thuật vẫn không được phát hiện và xử lý cho đến khi ông Trần Văn Hải, Trưởng Ban Quản lý dự án thủy điện 3 thừa nhận : “Hiện tượng rò rỉ nước của đập chính là do có vấn đề về lỗi kỹ thuật “tắc đường ống thoát nước của các khe nhiệt” trong quá trình thi công.

Hơn nữa, trong đường hầm của đập chính có gắn hàng loạt thiết bị đầu dò (sensor) hiện đại để theo dõi, quan sát mọi diễn biến của đập để tuyền thông tin, dữ liệu về máy tính của nhà máy, từ đó, cán bộ kỹ thuật sẽ có được những số liệu cụ thể để đọc, phân tích, đánh giá, phát hiện sự cố nếu có xảy ra để khắc phục, sửa chữa”. Song các thiết bị đầu dò này lại không phát hiện ra các sự cố tắt ống thoát nước và hiện tượng nước chảy qua thân đập cho đến khi báo chí phản ánh. (!?)

Chưa hết, cũng trong cuộc họp chiều 21/3, Tiến sĩ Bùi Trung Dung, Phó cục trưởng Cục Kiểm định Chất lượng công trình xây dựng, thành viên thuộc Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước (Bộ Xây dựng) đưa ra thông tin khiến không ít người lo ngại: “Qua kiểm tra, chúng tôi xác định nguyên nhân nước thấm chảy ra ngoài thân đập là do không có đường ống thu gom nước thấm phía bên rãnh trái trong hầm (chứ không phải bị tắc như phía thủy điện nói), đây lại là đập không có màng chống thấm mặt đập phía thượng lưu hồ chứa, nên nước đọng trong rãnh này, ngấm qua khe co giãn trên thân đập phía hạ lưu (chứ không phải khe nhiệt như phía thủy điện nói) và chảy ra ngoài.

Nguyên nhân xảy ra việc nước thấm chảy ra qua thân đập là do “lỗi từ chủ đến tớ”, tức là có lỗi cả từ thiết kế, thi công cho đến vận hành công trình. Tuy nhiên, hiện việc rò rỉ nước này chưa ảnh hưởng đến an toàn và vận hành của công trình”

Một câu hỏi đặt ra là “Tại sao một công trình tầm cỡ quốc gia như vậy, đơn vị thi công lại “quên” lắp đường ống thu gom nước thấm và cả các đơn vị giám sát thi công cũng không phát hiện như Tiến sĩ Bùi Trung Dung ý kiến?

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia cũng như chính quyền địa phương, bên cạnh việc khắc phục một cách triệt để đối với sự cố đang xảy ra đối với đập chính thủy điện Sông Tranh 2. Việc cần không kém là câu trả lời chính thức, có cơ sở, thỏa đáng của các cơ quan có chức năng nhằm xóa bỏ sự hoang mang, lo lắng trong người dân như Bí thư tỉnh Ủy Quảng Nam đã nói tại cuộc họp chiều 21/3 vừa qua.

 Dự án Thủy điện Sông Tranh 2 được khởi công xây dựng vào ngày 5/3/2006, tại xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam trên diện tích 2.448ha với tổng vốn đầu tư hơn 5.100 tỷ đồng do EVN làm chủ đầu tư theo hình thức BOT. Nhà máy có Công suất lắp máy 190MW gồm có 2 tổ máy, sản lượng điện bình quân hằng năm 679,6 triệu kWh do Công ty Tư vấn Xây dựng điện 1 thiết kế và Tổng công ty Xây dựng thủy lợi 4 làm tổng thầu.  Và để phục vụ việc xây dựng dự án, 1.000 hộ dân của hai huyện Bắc Trà My và  Nam Trà My di dời đến nơi ở mới. Ngày 19/12/2010, tổ máy số 1 (95 MW) và ngày 26/1/2011, tổ máy số 2 (95MW) chính thức được đưa vào hòa lưới điện quốc gia. Tháng 11/2011, tại khu vực này xảy ra động đất kích thích 3,4 độ richter khiến người dân vô cùng hoang mang, lo sợ.

Bửu Lân - Thùy Dương

Bình luận
vtcnews.vn