Ở độ tuổi vị thành niên, trẻ gặp phải rất nhiều thay đổi cả về cơ thể lẫn vấn đề tâm lý. Điều này khiến cho nhiều bậc phụ huynh bắt đầu cảm thấy lo lắng cho tương lai của con. Do đó, để con có thể phát triển trong điều kiện tốt nhất, phụ huynh cần phải nắm bắt được sự thay đổi này và đưa ra được hướng tư vấn hợp lý.
Thay đổi về mặt thể chất
Thay đổi về mặt thể chất là điều dễ nhận thấy nhất ở trẻ khi bắt đầu bước vào độ tuổi vị thành niên. Nguyên nhân chính dẫn đến điều này là do hormone trong cơ thể tăng cao. Ví dụ như ở bé gái thì tuyến ngực sẽ bắt đầu phát triển, bé trai giọng nói sẽ có sự thay đổi nhẹ và xuất hiện râu.
Ngoài ra, trẻ còn xuất hiện một số dấu hiệu thay đổi về cơ thể như các cơ phát triển dẫn đến cân nặng tăng nhanh, sự phát triển lông mu lông ở cả bé gái và bé trai, mùi cơ thể trở nên rõ ràng, bé gái bắt đầu xuất hiện kinh nguyệt. Hay việc xuất hiện mụn trứng cá cũng là một trong những vấn đề gây ra nhiều rắc rối khi trẻ bước vào độ tuổi này.
Tâm lý thay đổi
Độ tuổi thanh thiếu niên là khoảng nằm giữa tuổi trưởng thành và trẻ em. Vì vậy, trẻ thường hay bị nhầm lẫn về vai trò và trách nhiệm của một người trưởng thành với những mong muốn của trẻ nhỏ. Do đó tâm trạng của trẻ rất dễ thay đổi, bất cứ thứ gì xảy ra cũng khiến bản thân trẻ nóng giận và thậm chí có những hành động quá khích.
Sự thay đổi về tâm lý thường xảy ra ở cả bé gái lẫn bé trai, khiến nhiều trẻ trở nên thiếu tự tin khi tiếp xúc với người lạ. Cảm giác về sự thấp kém có thể phát triển ở giai đoạn này. Thanh thiếu niên cũng là độ tuổi mà trẻ bắt đầu có những cảm giác về tình dục. Điều này có thể khiến trẻ cảm thấy tội lỗi.
Có tình cảm với người khác giới
Tuổi vị thành niên bắt đầu có nhận thức về giới tính, biết rung động trước những bạn khác giới và nhiều người thường gọi đó là tình yêu. Cảm xúc này thường đến rất tự nhiên, tuy đôi lúc có chút ngại ngùng nhưng trẻ vẫn mạnh dạn thể hiện tình cảm với đối tượng mình thích.
Tuy nhiên, khi đoạn cảm xúc thủa ban đầu này đổ vỡ hoặc không thành, nhiều bạn trẻ thường nảy sinh cảm giác chán nản, mất niềm tin và dễ khiến điểm số học tập đi xuống.
Phát triển tư duy mạnh mẽ
Không chỉ thay đổi về tâm lý và cơ thể mà não bộ của trẻ ở độ tuổi vị thành niên cũng bắt đầu phát triển, hình thành sự tư duy mạnh mẽ. Các em thường thích suy diễn, lập luận, đánh giá sự vật theo quan điểm lý tưởng hoá.
Giai đoạn phát triển này chịu ảnh hưởng lớn từ giáo dục, văn hóa, kinh tế của gia đình và xã hội. Đây cũng là thời điểm trẻ gây ra nhiều phiền muộn cho cha mẹ và cộng đồng.
Thay đổi hành vi
Bên cạnh sự thay đổi hormone trong cơ thể, những đứa trẻ ở độ tuổi này cũng muốn làm mới mình bằng phong cách thời trang, kiểu tóc, trang phục mới lạ. Đa phần sự thay đổi này ít được phụ huynh chấp nhận. Thậm chí, có nhiều trẻ còn nói dối phụ huynh để được thực hiện điều mà mình mong muốn. Tình trạng đối đầu với cha mẹ cũng là điều dễ thấy khi trẻ bước vào độ tuổi nhạy cảm này.
Bình luận